USD cao nhất 6 tuần, rouble Nga thấp nhất 10 tháng, vàng đi ngang sau dữ liệu CPI của Mỹ

Đồng đô la tăng lên mức cao nhất 6 tuần so với đồng yên và thoát khỏi mức thấp nhất trong khoảng 2 tuần so với rổ các loại tiền tệ chính sau khi dữ liệu tháng 1 cho thấy giá cả ở Mỹ tăng ít nhất kể từ tháng…

Fatz Admin lúc 2023-02-15
USD cao nhất 6 tuần, rouble Nga thấp nhất 10 tháng, vàng đi ngang sau dữ liệu CPI của Mỹ

Đồng đô la tăng lên mức cao nhất 6 tuần so với đồng yên và thoát khỏi mức thấp nhất trong khoảng 2 tuần so với rổ các loại tiền tệ chính sau khi dữ liệu tháng 1 cho thấy giá cả ở Mỹ tăng ít nhất kể từ tháng 10/2021.

Đồng bạc xanh ban đầu giảm giá sau khi báo cáo lạm phát được công bố, nhưng đã phục hồi khi lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ cũng tăng.

“Dữ liệu lạm phát không tệ như một số người đã lo ngại – vì vậy chúng tôi đã thấy USD hồi phục chút ít so với các tiền tệ rủi ro và nhạy cảm – nhưng cũng không đủ để đảo ngược dự đoán về việc Fed sẽ thắt chật chính sách hơn nữa trong những tháng tới”, Karl Schamotta, giám đốc chiến lược thị trường thuộc Corpay ở Toronto, cho biết.

“Lạm phát cơ bản tiếp tục tăng với tốc độ khó chịu, khiến thông điệp ‘(lãi suất) tăng trong thời gian dài hơn’ của (Chủ tịch Fed) Jerome Powell có vẻ thực sự đáng thuyết phục”, ông Schamotta nói thêm.

QUẢNG CÁO

Dữ liệu của Bộ Lao động Mỹ cho thấy Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2023 đã tăng 0,5% so với tháng 12/2022 sau khi tăng 0,1% trong tháng 12/2022 so với tháng 11/2022. Lạm phát hàng tháng tăng một phần do giá xăng – tăng 3,6% trong tháng Giêng.

Nhưng so với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 1/2023 đã tăng 6,4%, mức tăng nhỏ nhất trong khoảng 1,5 năm, sau khi tăng 6,5% trong tháng 12/2022. CPI hàng năm đã đạt đỉnh 9,1% vào tháng 6/2022, khi có mức tăng lớn nhất kể từ tháng 11/1981.

Chỉ số Dollar index (DXY) – so sánh USD với rổ 6 loại tiền tệ chủ chốt – kết thúc phiên thứ Ba (14/2) không thay đổi, ở mức 103,21. Trước đó, DXY có lúc giảm xuống mức thấp nhất kể từ ngày 3/2, là 102,50.

USD có lúc chạm mức cao nhất trong 6 tuần so với yen Nhật, là 133,305 JPY, sau đó hạ nhiệt nhưng lúc kết thúc phiên vẫn tăng 0,5% so với đồng yen lên 132,41 JPY/USD.

Đồng euro tăng 0,1% lên 1,0737 USD, sau khi có lúc đạt mức cao nhất trong khoảng 2 tuần, là 1,0805 USD.

Đồng bạc xanh cũng tăng 0,2% so với đồng franc Thụy Sĩ lên 0,9216 CHF.

Adam Sarhan, giám đốc điều hành của 50 Park Investments ở New York, cho biết: “Câu chuyện vẫn không thay đổi rằng Fed cuối cùng sẽ giảm tốc độ. “Đó là: tăng lãi suất, ngừng tăng lãi suất và sau đó có thể cắt giảm lãi suất trong tương lai và tránh hạ cánh cứng, hoàn thành mục tiêu hạ cánh mềm của họ.”

Các nhà phân tích và nhà giao dịch vẫn đặt cược rằng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 1/4 điểm phần trăm tại mỗi cuộc họp vào tháng 3/5. Lãi suất tham chiếu qua đêm của Fed hiện là 4,50% -4,75%, và dự đoán lãi suất sẽ tăng lên mức đỉnh 5,272% vào tháng 7/2023.

USD cao nhất 6 tuần, rouble Nga thấp nhất 10 tháng, vàng đi ngang sau dữ liệu CPI của Mỹ - Ảnh 1.

Cập nhật tỷ giá các tiền tệ chủ chốt.

Đồng rouble của Nga đã đánh dấu mức thấp nhất trong vòng 10 tháng do bị ảnh hưởng bởi doanh thu ngoại tệ từ xuất khẩu hydrocarbon giảm và nhập khẩu tiếp tục phục hồi khi các công ty xây dựng chuỗi cung ứng mới.

Trong phiên 14/2, có lúc rouble chạm 73,9850 RUB/USD, mức thấp nhất kể từ ngày 25/4, kết thúc phiên vẫn giảm hơn 0,1% so với đồng USD, chốt ở 73,93 RUB/USD.

Đồng tiền của Nga cũng mất 0,6% so với euro, ở mức 79,52 RUB/EUR, và giảm 0,3% so với nhân dân tệ xuống 10,83 RUB/CNY.

Các nhà phân tích của Alfa Capital cho biết, sự suy yếu của đồng rouble, từ mức khoảng 68RUB/USD vào giữa tháng 1 đến mức hiện tại, có thể được giải thích chủ yếu là do động lực của thị trường ngoại hối và hoạt động nhập khẩu. Một số nhà xuất khẩu của Nga đã được miễn bán doanh thu ngoại hối lấy đồng rouble theo các thỏa thuận liên chính phủ kể từ ngày 6 tháng 2, trong một đợt nới lỏng nhẹ các biện pháp kiểm soát vốn đã hỗ trợ đồng rouble trong suốt năm 2022.

Chính phủ Nga đã bán 8,9 tỷ rouble (120,8 triệu USD) ngoại tệ mỗi ngày để bù đắp thâm hụt ngân sách vốn đã tăng vọt do doanh thu từ dầu mỏ và khí đốt giảm.

Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc tăng sau khi các nhà đầu tư thận trọng chờ đợi dữ liệu lạm phát của Mỹ để có thêm manh mối về quỹ đạo thắt chặt tiền tệ ở nền kinh tế lớn nhất thế giới (thị trường Trung Quốc đóng cửa trước khi dữ liệu của Mỹ được công bố).

Trên thị trường giao ngay, đồng nhân dân tệ kết thúc phiên 14/2 tăng 40 pip lên 6,8150 CNY/USD.

Các nhà giao dịch tiền tệ cho biết thị trường giao động trong biên độ rất hẹp, dưới 70 pips, vì các nhà đầu tư không sẵn sàng đặt cược lớn vào cả hai mặt của đồng tiền trước khi Mỹ công bố số liệu lạm phát.

Một số người tham gia thị trường và các nhà phân tích cho biết sự phát triển trong quan hệ Trung-Mỹ là một trọng tâm quan trọng khác của thị trường, điều có thể mang lại sự biến động cho đồng nhân dân tệ.

“Nhìn chung, căng thẳng Trung Quốc-Mỹ sẽ là một yếu tố lâu dài cản trở đà tăng của Nhân dân tệ và do đó chúng tôi giữ quan điểm về sự tăng giá khiêm tốn của Nhân dân tệ trong năm nay bất chấp việc Trung Quốc mở cửa trở lại mạnh mẽ”, Ken Cheung, chiến lược gia trưởng ngoại hối châu Á của ngân hàng Mizuho.cho biết.

Đồng Bitcoin tăng trở lại trên ngưỡng 22.000 USD sau dữ liệu lạm phát của Mỹ, kết thúc phiên ở mức 22.205 USD.

USD cao nhất 6 tuần, rouble Nga thấp nhất 10 tháng, vàng đi ngang sau dữ liệu CPI của Mỹ - Ảnh 2.

Giá Bitcoin ngày 14/2.

Thị trường vàng cũng trải qua một phiên nhiều biến động, tăng vào đầu phiên nhưng giảm vào cuối phiên và kết thúc ở mức gần như không thay đổi so với cuối phiên liền trước trong bối cảnh lạm phát tháng 1 thấp nhất 1,5 năm nhưng lạm phát lõi vẫn cao và các quan chức Fed vẫn tỏ ra ủng hộ chính sách tiếp tục tăng lãi suất.

Giá vàng giao ngay kết thúc phiên gần như không đổi, ở mức 1.852,94 USD/ounce; vàng kỳ hạn tháng 4 tăng 0,1% lên 1.851,80 USD.

David Meger, giám đốc giao dịch kim loại của High Ridge Futures, cho biết thị trường vẫn lo ngại rằng Fed có thể cảm thấy cần phải mạnh tay hơn trong việc tăng lãi suất và chống lại áp lực lạm phát, vốn sẽ đè nặng lên vàng.

Sau dữ liệu CPI, Chủ tịch Fed Richmond Thomas Barkin và Chủ tịch Fed Dallas Lorie Logan đều cho biết ngân hàng trung ương sẽ cần tập trung vào việc đưa lạm phát xuống mục tiêu 2%.

Tham khảo: Refinitiv, Coindesk

Vũ Ngọc Diệp

Nhịp sống thị trường

Share
Bài viết bởi

Fatz Admin

Bình luận đã bị đóng.