Nhiều ngân hàng dự kiến tăng trưởng lợi nhuận giảm tốc trong năm nay

Từ đầu năm đến nay, một số ngân hàng đã công bố kế hoạch kinh doanh năm 2023 với dự báo lợi nhuận khá thận trọng trong bối cảnh toàn ngành phải đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn. Tại Hội nghị triển khai công tác Đảng và…

Fatz Admin lúc 2023-03-02
Nhiều ngân hàng dự kiến tăng trưởng lợi nhuận giảm tốc trong năm nay

Từ đầu năm đến nay, một số ngân hàng đã công bố kế hoạch kinh doanh năm 2023 với dự báo lợi nhuận khá thận trọng trong bối cảnh toàn ngành phải đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn.

Tại Hội nghị triển khai công tác Đảng và nhiệm vụ kinh doanh năm 2023, lãnh đạo Vietcombank đã công bố sơ bộ kế hoạch kinh doanh năm 2023 với lợi nhuận trước thuế tăng tối thiểu 12% so với năm trước, ước vượt 41.000 tỷ đồng.

Như vậy, Vietcombank đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận tương tự năm trước dù dự tính tăng trưởng tín dụng cao hơn, ở mức 12,8% chưa bao gồm việc nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng yếu kém.

Kế hoạch kinh doanh trên được Vietcombamk đưa ra dựa trên dự báo kinh tế thế giới năm 2023 sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi tăng trưởng kinh tế chậm lại, lãi suất tiếp tục ở mức cao nhằm kiểm soát lạm phát, thương mại toàn cầu giảm do tổng cầu suy giảm, tắc nghẽn nguồn cung. Do đó, triển vọng kinh tế Việt Nam 2023 cũng đan xen giữa thách thức và cơ hội.

QUẢNG CÁO

Trước đó, lợi nhuận lũy kế cả năm 2022 của Vietcombank đạt kỷ lục 37.359 tỷ đồng, tăng 35,9% so với năm 2021 và vượt xa kế hoạch tối thiểu đề ra hồi đầu năm.

VIB mới đây cũng đã công bố tài liệu phục vụ cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên với mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2023 đạt 12.200 tỷ đồng, tăng 15,3% so với năm 2022. Mức tăng trưởng lợi nhuận dự kiến này chỉ bằng một nửa so với năm 2022 (31%) và thấp hơn nhiều so với con số thực tế đạt được của năm trước là 32%.

Nam A Bank cũng vừa công bố tài liệu phục vụ cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên với mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2023 đạt 2.400 tỷ đồng, chỉ tăng hơn 9% so với năm trước. Trước đó, nhà băng này đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2022 tăng 25% so với năm 2021, ở mức 2.250 tỷ đồng. Kết quả, lợi nhuận Nam A Bank đạt 2.268 tỷ đồng, cao hơn một chút so với kế hoạch đề ra.

Tại Eximbank, nhà băng này đưa ra kế hoạch kinh doanh năm 2023 với lợi nhuận trước thuế ước đạt 5.000 tỷ đồng, tăng 35% so với mức đạt được của năm 2022. Trước đó, Eximbank là ngân hàng có lợi nhuận trước thuế tăng trưởng nhanh nhất hệ thống trong năm 2022 khi đạt 3.709 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần năm 2021 và vượt xa kế hoạch đề ra (tăng trưởng 107%).

Có thể thấy, nhiều ngân hàng năm nay đặt mục tiêu tăng trưởng khá thận trọn khi triển vọng toàn ngành đang gặp nhiều trở ngại hơn do áp lực hy sinh lợi nhuận (NIM thu hẹp), chính sách tiền tệ bị thắt chặt, tăng trưởng tín dụng chậm lại và đối mặt với những lo ngại về chất lượng tài sản.

Theo FiinGroup, mặt bằng lãi suất huy động liên tục tăng cao khiến chi phí vốn của ngân hàng bị đội lên, tỷ suất tài sản sinh lời có thể tăng chậm hơn, cùng với việc cho vay có độ trễ tái định giá 3 – 6 tháng dẫn đến NIM có thể thu hẹp nhẹ trong 1 – 2 quý tới.

Thêm vào đó, tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng lên sau khi Thông tư 14/2020/TT-NHNN về giãn nợ cho cá nhân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 hết hiệu lực từ tháng 6/2022.

Đồng thời, rủi ro nợ xấu tiềm ẩn từ danh mục tín dụng bất động sản, bao gồm cho vay chủ đầu tư bất động sản, cho vay người mua nhà và nợ xấu chéo từ trái phiếu bất động sản… đòi hỏi các ngân hàng phải gia tăng “bộ đệm” dự phòng rủi ro, tác động lợi nhuận.

Tương tự, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ giảm tốc trong năm 2023 với tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 10%, trong đó có sự phân hóa về triển vọng lợi nhuận giữa các nhóm ngân hàng.

Nhóm phân tích cho rằng tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn ngành ở mức 13 – 15% trong năm 2023, trước áp lực từ các yếu tố vĩ mô lạm phát, tỷ giá và bất ổn chính trị trên thế giới vẫn tiếp diễn. Trong khi tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) chịu áp lực giảm đến giữa năm 2023 do lãi suất huy động tăng nhanh và CASA tăng chậm lại. Đồng thời, nợ xấu có xu hướng gia tăng do sự đóng băng của thị trường bất động sản và tăng trưởng kinh tế

Trước đó, kết quả khảo sát của Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy, các tổ chức tín dụng tỏ ra thận trọng hơn khi dự báo cho thời gian tới với 56,4 – 75,4% tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn trong quý I và cả năm 2023, nhưng mức độ kỳ vọng cải thiện thấp hơn so với năm 2022; 95,3% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận tăng trưởng dương trong năm 2023 so với năm 2022; còn 2,8% tổ chức tín dụng dự kiến lợi nhuận tăng trưởng âm và 1,9% dự kiến lợi nhuận không thay đổi so với năm 2022.

Quang Hưng

Nhịp sống Thị trường

Share
Bài viết bởi

Fatz Admin

Bình luận đã bị đóng.