(KTSG) – Thị trường chứng khoán (TTCK) trong nước trải qua tuần đầu tháng, đầu quí tương đối giằng co với việc VN-Index “rung lắc” trong vùng 1.120-1.140 điểm. Áp lực bán liên tục xuất hiện mỗi khi chỉ số hướng tới ngưỡng kháng cự khiến nhiều cổ phiếu quay…
(KTSG) – Thị trường chứng khoán (TTCK) trong nước trải qua tuần đầu tháng, đầu quí tương đối giằng co với việc VN-Index “rung lắc” trong vùng 1.120-1.140 điểm. Áp lực bán liên tục xuất hiện mỗi khi chỉ số hướng tới ngưỡng kháng cự khiến nhiều cổ phiếu quay đầu giảm điểm.
Tuy vậy, lực cầu bất ngờ xuất hiện về cuối phiên cuối tuần giúp thị trường bật tăng mạnh mẽ để tiếp cận lại khu vực 1.140 điểm. Kết phiên cuối tuần trước (7-7-2023), chỉ số VN-Index đóng cửa tại mốc 1.138 điểm, tăng 17,9 điểm, tương đương 1,6% so với tuần trước đó.
Trong bối cảnh thị trường hồi phục tích cực, khối ngoại lại có tuần bán ròng gần 2.000 tỉ đồng. Cụ thể, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 1.946 tỉ đồng, trong đó bán ròng 516 tỉ đồng trên kênh khớp lệnh và bán ròng 1.430 tỉ đồng trên kênh thỏa thuận.
Sự hồi phục của TTCK gần đây (tăng hơn 4% trong tháng 6, thanh khoản có nhiều phiên chạm ngưỡng tỉ đô) đã giúp thu hút sự quan tâm trở lại của các nhà đầu tư mới. Theo số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), nhà đầu tư trong nước đã mở mới 145.864 tài khoản chứng khoán trong tháng 6. Con số này tăng hơn 45.000 tài khoản so với tháng 5 và là mức cao nhất trong vòng 10 tháng kể từ tháng 9-2022.
Đây là tháng thứ 2 liên tiếp lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư nội tăng mạnh sau khi chạm đáy vào tháng 4-2023. Như vậy, tính đến cuối tháng 6-2023, tổng số tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước đã vượt mức 7,25 triệu tài khoản, tương đương khoảng hơn 7,2% dân số.
Trên thế giới, TTCK Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hoàn tất một tuần giảm điểm khi nhà đầu tư không thể rũ bỏ nỗi lo về việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể tăng lãi suất trong cuộc họp chính sách tháng 7 này.
Theo đó, cả ba chỉ số chính tại Mỹ cùng có một tuần đi xuống khi S&P 500 giảm 1,16%; Nasdaq giảm 0,92% và Dow Jones giảm 1,96%. Áp lực gây ra phiên giảm điểm của TTCK Mỹ cuối tuần trước đến từ Báo cáo việc làm của Bộ Lao động Mỹ.
Theo bản báo cáo này, khu vực phi nông nghiệp có thêm 209.000 công việc mới trong tháng 6 và tỷ lệ thất nghiệp là 3,6%. Trước đó, các chuyên gia kinh tế được hãng tin Dow Jones khảo sát dự báo số công việc mới là 240.000 và tỷ lệ thất nghiệp là 3,6%.
Tuy nhiên, một số phần khác của báo cáo trên, bao gồm tiền lương tăng mạnh hơn dự kiến, tiếp tục đẩy cao mối lo ngại sẵn có của thị trường rằng Fed có thể tìm được lý do để nối lại việc tăng lãi suất trong cuộc họp tháng tháng 7. Tiền lương bình quân theo giờ tăng 0,4% trong tháng 6 và tăng 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Việc tỷ lệ thất nghiệp giảm 0,1 điểm phần trăm từ mức 3,7% của tháng 5 cũng gây lo lắng vì chừng nào tỷ lệ thất nghiệp còn thấp, tiền lương sẽ còn tăng mạnh và cuộc chiến chống lạm phát của Fed còn gian nan. Sau báo cáo việc làm, các nhà giao dịch tiếp tục đặt cược cao vào khả năng Fed sẽ tăng lãi suất trong cuộc họp sắp tới.
Theo dữ liệu từ FedWatch Tool của CME Group, thị trường lãi suất tương lai đang đặt cược với xác suất 92% Fed sẽ tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng này. Trong cuộc họp tháng trước, Fed phát tín hiệu có thể tăng lãi suất thêm hai lần nữa trong thời gian còn lại của năm 2023.
Về các tin tức vĩ mô trong nước, động thái nới lỏng chính sách tiền tệ qua những lần cắt giảm lãi suất điều hành liên tiếp gần đây của Ngân hàng Nhà nước đang là động lực chính giúp dòng tiền quan tâm trở lại TTCK. Các lãi suất chủ chốt gồm lãi suất tiền gửi tiết kiệm, lãi suất trái phiếu chính phủ và lãi suất liên ngân hàng đều đã giảm khá mạnh.
Tuy nhiên, áp lực tỷ giá lại đang tăng trở lại. Chênh lệch lãi suất ngắn hạn giữa đô la Mỹ và tiền đồng hiện đang ở mức cao nhất lịch sử và tiền đồng đang thuộc nhóm các đồng tiền mạnh nhất khu vực.
Tính từ thời điểm Fed bắt đầu nâng lãi suất vào tháng 3-2022, tiền đồng mới chỉ mất giá khoảng 3% trong khi JPY đã mất giá trên 25%, CNY mất 15%, KWD, TWD, THB mất quanh 10%. Điều này ít nhiều có thể ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu cũng như gây lo ngại cho dòng vốn gián tiếp vốn nhạy cảm với rủi ro mất giá của tiền đồng.
Về xu hướng của VN-Index, vùng cản mạnh 1.140-1.150 điểm sẽ là thử thách lớn với VN-Index trong tuần này. Việc các nhóm cổ phiếu luân phiên giữ nhịp thị trường đang giúp cho dòng tiền được duy trì, không có dấu hiệu rút ra. Tuy vậy, trước mỗi ngưỡng cản quan trọng, hoạt động quản lý rủi ro danh mục vẫn nên được ưu tiên hàng đầu.
Do đó, nhà đầu tư nên linh hoạt, co gọn danh mục, cắt giảm các cổ phiếu mang tính đầu cơ ngắn hạn, chỉ nên nắm giữ những cổ phiếu có nền tảng và triển vọng kết quả kinh doanh tích cực.
Kinh tế Sài Gòn Online