Đầu tư gì trong 2023?

Việt Nam đã có một năm hết sức thành công trong 2022 khi tăng trưởng GDP đạt 8.02%, cao nhất trong vòng một thập kỷ, qua đó giúp Việt Nam trở thành một trong những quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới. Ngoài chỉ số GDP, thì tất cả…

fatz.research lúc 2023-01-16

Việt Nam đã có một năm hết sức thành công trong 2022 khi tăng trưởng GDP đạt 8.02%, cao nhất trong vòng một thập kỷ, qua đó giúp Việt Nam trở thành một trong những quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới. Ngoài chỉ số GDP, thì tất cả các lĩnh vực khác cũng đạt kết quả tuyệt vời từ xuất nhập khẩu, đầu tư, FDI, tiêu dùng cho đến kiểm soát lạm phát.

Việt Nam có một năm tăng trưởng cực kỳ ấn tượng

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là năm 2023 sẽ có nhiều thuận lợi. Ngược lại những dấu hiệu suy giảm trong những tháng cuối năm và những tồn đọng của nền kinh tế trong 2022 sẽ trở thành những mối nguy và thách thức cho Việt Nam trong 2023, trong đó có cả yếu tố nội tại lẫn bên ngoài.

  • Xuất khẩu giảm sút do nhu cầu giảm

Trong những tháng cuối năm 2022, xuất khẩu đã xuất hiện những dấu hiệu giảm tốc rõ rệt khi xuất khẩu trong tháng 11 và tháng 12 giảm tương ứng 8.4% và 14% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù tính nguyên năm 2022, xuất khẩu của cả nước vẫn tăng mạnh 17.2% nhưng rõ ràng việc giảm tốc trong tháng 11 và tháng 12 là dấu hiệu đáng lo. Lý do của việc giảm tốc này là bởi nhu cầu tiêu dùng suy giảm ở những thị trường chính của Việt Nam bao gồm Mỹ, EU, Nhật Bản và cả Trung Quốc. Vấn đề lạm phát vẫn là một thách thức lớn cho các nền kinh tế phương Tây bất cho gần đây cho thấy nó đang hạ nhiệt. Nhưng do lãi suất tại các nền kinh tế này gia tăng quá nhanh, như tại Mỹ tăng từ loanh quanh 0% lên 4.25% và chưa có dấu hiệu nào cho thấy FED sẽ giảm lãi suất, điều này làm cho người dân tại các nền kinh tế này buộc phải tiết kiệm, giảm tiêu dùng một cách đáng kể.

QUẢNG CÁO
Tăng trưởng xuất khẩu hàng tháng trong năm 2022

Tuy nhiên, trong khó khăn cũng có những dấu hiệu khả quan. Thứ nhất đó là chi phí vận tải hàng hải đã giảm đáng kể trong năm 2022, điều này sẽ giúp cho các doanh nghiệp trong nước giảm được chi phí xuất khẩu, qua đó hạ giá bán để kích cầu và thúc đẩy tăng trưởng. Thứ hai là ngay cả trong thời kỳ đại dịch thì xuất khẩu của Việt Nam cũng không giảm 3 tháng liên tiếp. Do đó chúng ta có thể hi vọng, nhịp tăng trưởng xuất khẩu sẽ dần được hồi phục trong quý 1 năm 2023. Ngoài ra một thống kê cho thấy, ngay cả khi xuất khẩu suy giảm thì nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng, ví dụ như năm 2009. Khi đó xuất khẩu giảm 8.9% nhưng GDP vẫn tăng 5.4%.

  • Sản xuất công nghiệp giảm tốc

Sự phục hồi kinh tế của Việt Nam trong 2022 thể hiện rất rõ ở sản lượng sản xuất công nghiệp. Sau khi nền kinh tế mở cửa thì sản xuất công nghiệp đã gia tăng mạnh mẽ. Tuy nhiên những tháng cuối năm do căng thẳng trên thị trường ngân hàng, bất ổn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, suy giảm xuất khẩu đã làm cho sản lượng công nghiệp giảm tốc một cách đáng kể. Điều này thật sự là một mối lo lắng hết nghiêm trọng cho nền kinh tế trong 2023

Sản xuất công nghiệp giảm tốc đáng kể trong những tháng cuối năm 2022
  • Tăng trưởng tiêu dùng cũng suy giảm nhẹ

Năm 2022 là một năm bùng nổ của thị trường tiêu dùng bán lẻ khi hầu hết người dân đã không thể chi tiêu trong năm đại dịch 2021. Do đó khi nền kinh tế mở cửa trở lại, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng, du lịch tăng lên một cách mạnh mẽ. Trong cả năm 2022, doanh số tiêu dùng bán lẻ tăng tới 19.8% so với mức suy giảm 3.8% của năm 2021. Tuy nhiên, cũng xuất hiện vài dấu hiệu cho thấy mức tiêu dùng có chiều hướng suy giảm vào những tháng cuối năm. Điều này cũng dấy lên những lo lắng cho nhà đầu tư.

Tăng tr ưởng tiêu dùng lũy kế trong 2022

Tuy nhiên nếu nhìn kỳ chúng ta sẽ thấy mức suy giảm là không lớn và vẫn nằm ở khung tăng trưởng rất cao. Trong rất nhiều năm, chúng ta hiếm khi thấy tiêu dùng tăng trưởng mạnh mẽ như vậy. Nhưng sang 2023, tiêu dùng sẽ khó có thể giữ được mức tăng trưởng cao như 2022 mà quay về mức tăng trưởng bình quân của những năm trước khoảng 9-10%/năm.

  • Áp lực tỷ giá và lãi suất

FED vẫn đang kiểm soát lạm phát một cách rất sát sao, bất chấp lạm phát có dấu hiệu thuyên giảm nhưng hiện tại vẫn chưa thấy dấu hiệu nào cho thấy FED sẽ sớm giảm lãi suất. Tới thời điểm hiện tại, một kỳ vọng được xem là lạc quan đó là FED ngưng tăng lãi suất. Như vậy, áp lực tỷ giá USD/VND vẫn còn ở mức rất cao. Điều này làm cho NHNN vẫn phải theo sát thị trường quốc tế và can thiệp kịp thời vào thị trường ngoại hối. Bởi lãi suất USD vẫn ở mức cao chính vì vậy, lãi suất VND trước mắt vẫn khó có thể giảm được. Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng rằng, lãi suất có thể bắt đầu giảm vào nửa cuối 2023, có thể đó sẽ là một động lực tạo ra tăng trưởng kinh tế mới cho Việt Nam trong 2023.

Do vấn đề nghiêm trọng của thị trường TPDN và thị trường bất động sản đã làm cho thanh khoản của hệ thống ngân hàng trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết. Điều này đã đẩy lãi suất huy động tăng cao một cách đột ngột làm cho chi phí lãi vay của doanh nghiệp nhảy dựng. Không chỉ có lãi vay mà việc tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp cũng trở nên vô cùng khó khăn. Điều này là một cản trở rất lớn cho tăng trưởng kinh tế trong năm 2023.

Lãi suất huy động tăng nhanh đã đẩy chi phí vốn của doanh nghiệp lên cao một cách đầy rủi ro

Trong ngắn hạn, thị trường bất động sản vẫn làm khó nền kinh tế bởi thị trường này gần như rơi vào tình trạng đóng băng. Điều này dẫn đến một lượng vốn lớn đã bị chôn dưới đất, gây ra căng thẳng trên thị trường ngân hàng. Do đó, nếu lãi suất tiếp tục nằm ở mức cao như hiện nay thì đó thật sự là một áp lực cực kỳ lớn cho tăng trưởng nền kinh tế trong năm 2023

  • Năm 2023 là một năm đầy bất ổn và bất định

Có thể nói năm 2023 là một năm đầy những bất ổn và bất định từ việc tăng giảm lãi suất của FED, cho đến cuộc chiến tranh giữa Nga và Ucraina hay việc mở cửa nền kinh tế của Trung Quốc cũng sẽ ảnh hưởng đáng kể lên chính sách kinh tế của các quốc gia trên phạm vi toàn cầu. Chỉ cần một vài yếu tố hoặc sự kiện bất ngờ xảy ra thì toàn bộ những dự báo có thể trở nên lỗi thời và sai lệch. Trong cái rủi có cái may đó là nền kinh tế của Việt Nam vẫn sẽ tăng trưởng dù tốc độ tăng trưởng sẽ giảm mạnh đáng kể so với 2022 về mức khoảng 6.0%. Trong trường hợp các yếu tố thách thức không được giải quyết triệt để như lãi suất, tỷ giá, trái phiếu doanh nghiệp hay BĐS thì tăng trưởng kinh tế có thể bị kéo về mức 5.0%. Nhưng dù vậy, thì đó cũng là một mức tăng trưởng rất cao nếu so với nền kinh tế khác như Trung Quốc, EU, Nhật Bản hay Mỹ. Ngoài ra chúng ta còn một số biện pháp tài khóa hoàn toàn có thể cải thiện tốc độ tăng trưởng kinh tế đó là đầu tư công. Do đó trong viễn cảnh xấu nhất thì nền kinh tế Việt Nam vẫn sẽ tăng trưởng nhưng với một tốc độ chậm hơn mà thôi.

CHIẾN LƯỢC ĐẦU TƯ THẾ NÀO LÀ HỢP LÝ?

Với những bất ổn và bất định như vậy một chiến lược đầu tư đa dạng hóa, phòng thủ là một chiến lược được xem là phù hợp trong năm 2023. Bởi nếu các yếu tố bất định này thay đổi một cách đột ngột thì toàn bộ thị trường cũng sẽ phản ứng một cách nhanh chóng và khốc liệt. Chính vì vậy, chúng ta cần phải đa dang hóa danh mục đầu tư và luôn luôn tự bảo vệ mình trong một tình huống xấu nhất.

  • Gửi tiết kiệm

Với lãi suất tiền gửi cao như hiện nay, khoảng 10% thậm chí 11-12%, thì việc gửi tiết kiệm khoảng 20-30% tổng tài sản đầu tư của bạn là một trong những quyết định sáng suốt. Bởi lẽ với mức lãi suất cao như hiện nay thì việc đầu tư cổ phiếu để kiếm lợi nhuận 15-20% là một vấn đề không phải đơn giản. Hơn nữa, việc gửi tiết kiệm với lãi suất cao sẽ giúp bạn luôn có một khoảng dự phòng an toàn cho bất kỳ tình huống xấu nào xảy ra, ngoài ra cũng giúp bạn có được một mức thu nhập khá hấp dẫn.

  • Đa dạng hóa danh mục đầu tư cổ phiếu

Nếu trước đến nay hầu hết các NĐT cá nhân đều all in vào 1-2 cổ phiếu thì việc đa dạng hóa danh mục đầu tư của bạn trong một rổ cổ phiếu sẽ giúp bạn tối thiểu hóa những rủi ro cần thiết. Đương nhiêu việc đa dạng hóa danh mục đầu tư cũng sẽ làm giảm hiệu suất sinh lợi của bạn nhưng ngược lại nó sẽ đem lại cho bạn một biên độ an toàn cao hơn rất nhiều. Giả sử đầu tư cổ phiếu bạn nên phân bổ tối đa 40-50% tài sản của bạn.

Trong năm 2023, những ngành sau nên đặc biệt quan tâm giải ngân:

  • Ngân hàng:

Bất chấp khó khăn về thanh khoản hệ thống về chi phí vốn tăng cao do lãi suất huy động tăng cao, nhưng ngành ngân hàng vẫn sẽ tăng trưởng tốt. Bởi ngân hàng là ngành trụ cột, cốt lõi của nền kinh tế, là nơi bơm vốn cho nền kinh tế, do đó nếu kinh tế tăng trưởng thì ngành ngân hàng vẫn sẽ tăng trưởng. Dự kiến tăng trưởng tín dụng trong năm 2023 có thể đạt mức 10-12%. Một trong những lý do chính nên đầu tư vào ngân hàng đó chính là mức định giá của ngành. Hiện tại chỉ số P/B bình quân ngành chỉ đang ở mức 1.0, thấp hơn rất nhiều so với VN-Index khoảng 1.6. Hơn nữa mức định giá P/B 1.0 của ngân hàng được xem là siêu hấp dẫn. Ngoài chỉ số P/B cực thấp thì chỉ số P/E của ngành ngân hàng cũng thấp không tưởng là 5-6 lần thu nhập, so với chỉ số VN-Index là 10.5. Trong hơn một năm qua thì cổ phiếu ngành ngân hàng cũng đã sút giảm đáng kể từ 30-50% so với mức đỉnh của tháng 6/2021, do đó sức bật hồi phục của ngành này sẽ là rất cao. Tuy nhiên do những rủi ro tiềm ẩn trong lĩnh vực bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp thì việc chọn lọc cổ phiếu ngân hàng phải hết sức kỹ lưỡng. Khi chọn cổ phiếu ngân hàng, bạn cần phải né những ngân hàng có dính líu nhiều đến TPDN và cho vay bất động sản. Những ngân hàng bị vạ lây bởi 02 yếu tố này sẽ chịu áp lực rất cao về thanh khoản và rủi ro trong năm 2023, ngược lại những ngân hàng không bị ảnh hưởng bởi 02 yếu tố này sẽ vươn lên một cách mạnh mẽ. Với tiêu chí đó, tôi cho rằng những ngân hàng sau là cực kỳ tiềm năng, bao gồm STB, ACB và LPB.

Cổ phiếu LPB đã thoát khỏi trend giảm và đang hồi phục mạnh mẽ
  • Du lịch và những ngành liên quan đến du lịch

Việc TQ mở cửa nền kinh tế được kỳ vọng sẽ là cú hích cho ngành du lịch của Việt Nam. Trong những năm chống dịch, TQ đã gần như phong tỏa toàn bộ đất nước, điều này đã làm cho hơn 33% lượng khách du lịch TQ đến Việt Nam gần như biến mất. Với hơn 5.8tr du khách hàng năm từ TQ thì doanh thu ước tính đem về khoảng 5.8 tỷ USD. Do đó việc mở cửa lại thị trường du lịch TQ sẽ được kỳ vọng là bước tiếp đà lớn cho nền kinh tế. Ngoài du lịch quốc tế thì du lịch trong nước vẫn sẽ tiếp tục hồi phục mạnh mẽ. Các ngành dịch vụ cung ứng cho du lịch như vận tải, ăn uống, khách sạn, nhà hàng đều sẽ được hưởng lợi. Trong đó phải kể đến ACV, Tổng Công ty Cảng Hàng Không Việt Nam, một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải hàng không. Khi lượng du khách đến Việt Nam gia tăng và việc du khách trong nước di chuyển nhiều hơn cho hoạt động du lịch thì doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp này kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh mẽ.

Lợi nhuận sau thuế của ACV kỳ đã hồi phục mạnh trong 2022

Ngoài những doanh nghiệp du lịch trong lĩnh vực quốc tế thì các doanh nghiệp trong nước cũng tăng trưởng mạnh mẽ. Đơn cử như Đầm Sen Nước (DSN), khi lợi nhuận của doanh nghiệp này tăng vượt mức trước đại dịch là 2019. Kỳ vọng trong 2023, lợi nhuận của DSN sẽ tiếp tục tăng mạnh. Theo kế hoạch, DSN sẽ chi trả mức cổ tức trong năm 2022 là 40%.

Cổ phiếu DSN cũng thoát khỏi trend giảm và đang tăng tốt
  • Chứng khoán

Nếu chúng ta kỳ vọng rằng chỉ số VN-Index sẽ hồi phục mạnh mẽ trong năm 2023 sau một năm sút giảm cực kỳ mạnh thì nhóm cổ phiếu mà chúng ta không nên bỏ qua chính là nhóm chứng khoán. Bởi đây là nhóm ngành thường xuyên diễn biến theo sự vận hành của chỉ số VN-Index. Trong một báo cáo mới đây của CTCK Tiên Phong thì trong quá khứ chỉ có 4 lần chỉ số P/E của VN-Index nằm ở mức loanh quanh 10 lần, đó là vào các năm 2009, 2012, 2016, 2020 và hiện tại. Trong đó hầu hết các năm sau đó đều hồi phục mạnh mẽ từ 35-150%. Như vậy, với mức P/E hiện tại của thị trường chỉ khoảng 10.5, được xem là một mức định giá cực kỳ hấp dẫn và cực kỳ thấp, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng chỉ số này sẽ tăng tốt trong năm 2023. Như vậy, nhóm ngành chứng khoán hoàn toàn có thể tăng rất tốt trong năm 2023.

Trong 4 lần P/E của VN-Index chạm mốc loanh quanh 10 thì cả 4 lần đều hồi phục mạnh mẽ trong năm sau đó

Tuy nhiên khi chọn lọc cổ phiếu chứng khoán cũng hay tránh xa những công ty liên quan đến TPDN và chọn lọc những công ty có nền tảng vững chắc, tài chính lành mạnh như SSI, VCI hay HCM…

Ngoài những ngành cần quan tâm đầu tư thì ngược lại những ngành sau cần tránh xa và giảm thiểu tỷ trọng

  • Bất động sản

Trong môi trường lãi suất cao như hiện nay, tình hình room tín dụng dành cho bất động sản cũng bị siết chặt thì khó khăn của ngành bất động sản sẽ còn kéo dài trong một khoảng thời gian tương đối dài. Tình trạng đóng băng thị trường và sụt giảm lợi nhuận sẽ xảy ra trên bình diện toàn ngành, gây ra rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp. Ước tính ngành bất động sản có thể phải mất ít nhất 1-2 năm mới có thể bắt đầu hồi phục. Còn trong hiện tại, ngành bất động sản là cực kỳ khó.

Nhóm cổ phiếu BĐS giảm không phanh và chưa thấy điểm hồi

Nói như vậy cũng không có nghĩa là tất cả đều xấu, trong đó bất động sản KCN vẫn là một lĩnh vực được xem là sáng sủa khi FDI vào Việt Nam được kỳ vọng là sẽ tiếp tục tăng trưởng bền vững. Do đó những doanh nghiệp bất động sản KCN còn dư địa đất cho thuê, có nguồn tài chính mạnh (nên chọn những doanh nghiệp không có nợ vay hoặc nợ vay cực kỳ thấp) thì là những điểm sáng. Trong đó có thể kể đến PHR, NTC…

  • Xây dựng

Với lãi suất cao và tình trạng đóng băng bất động sản như hiện nay thì ngành xây dựng và vật liệu xây dựng sẽ tiếp tục gặp khó khăn. Ngoài ra các doanh nghiệp đầu đàn như CTD hay HBC đều đang gặp những khó khăn của riêng họ, việc hồi phục hay tăng trưởng dường dư là một viễn cảnh xa vời. Ngay cả lĩnh vực vật liệu xây dựng như ngành thép cũng sẽ tiếp tục khó khăn tuy rằng đáy của chu kỳ kinh doanh ngành thép đã trôi qua, điều xấu nhất đã qua nhưng tương lại phía trước cũng không phải là hoàn toàn sáng sủa. Chỉ duy nhất một điểm sáng trong ngành xây dựng đó chính là đầu tư công. Đầu tư công được kỳ vọng là sẽ phải tăng mạnh tốc độ giải ngân để kích thích nền kinh tế trong một năm đầy thách thức và khó khăn như 2023. Tuy nhiên nếu nhìn lại chặng đường đã qua trong 2022 thì kỳ vọng tốc độ giải ngân trong lĩnh vực đầu tư công dường như cũng sẽ hạn chế chứ không phải là một màu hồng tươi sáng. Nếu phải chọn những doanh nghiệp xây dựng được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ chính sách đâu tư công thì hãy chọn những công ty xây dựng địa phương, có tài chính và nền tảng tốt. Đó sẽ là những doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận tốt trong năm 2023, đơn cử như LHC, LBM, hay THG… Đó là những doanh nghiệp có nền tảng vững chắc, nợ vay không có và tiền mặt rất cao.

  • Dầu khí và các ngành đang ở đỉnh chu kỳ

Năm 2022 là một năm cực kỳ tươi sáng với ngành dầu khí khi lợi nhuận của các công ty dầu khí tăng mạnh như GAS. Lợi nhuận sau thuế của GAS trong năm 2022 kỳ vọng sẽ đạt mức cao kỷ lục trong lịch sử nhờ vào giá dầu và giá khí tăng cao do cuộc chiến Nga và Ucraina. Tuy nhiên khi FED kiểm soát lạm phát, nhu cầu suy giảm thì giá dầu cũng theo đó mà điều chỉnh. Tính tới nay giá dầu đã giảm hơn 40% so với đỉnh. Điều này cũng sẽ làm cho lợi nhuận của các công ty dầu khí sút giảm nghiêm trọng trong năm 2023. Ngoài dầu khí thì các ngành sau cũng sẽ chịu tác động tương tự như phân bón, hóa chất và vận tải biển cũng sẽ gặp tình trạng tương tự. Do đó những NĐT thiếu kinh nghiệm sẽ mua vào những cổ phiếu này khi lợi nhuận công bố vượt kỳ lục, tuy nhiên sau đó sẽ là những chuỗi ngày giảm sút thê thảm. Chính vì vậy, hãy tránh xa những cổ phiếu ở đỉnh chu kỳ này.

LNST của GAS đạt đỉnh trong năm 2022 và sẽ suy giảm mạnh trong 2023

Ngoài gửi tiết kiệm và cổ phiếu bạn còn có thể đầu tư gì khác?

  • BẤT ĐỘNG SẢN

Ngoài tiết kiệm và cổ phiếu, NĐT có thể đầu tư một ngành mà có thể nhiều người sẽ rất thắc mắc, đó chính là Bất Động Sản. Đây chính xác hơn không phải là đầu tư mà là tích lũy và đáp ứng nhu cầu thực sự. Giá bất động sản nhất định sẽ giảm và đó là cơ hội cho những ai thật sự có nhu cầu về nhà ở. Cơ hội mua nhà giá rẻ và đáp ứng nhu cầu THẬT SỰ của bạn sẽ xuất hiện. Nếu bạn mua một căn nhà dành cho chính gia đình mình thì bạn sẽ chẳng bận tâm đến việc bán nó kiếm lời hay lỗ lã trong ngắn hạn. Bởi đơn giản đó là việc đầu tư rất dài hạn cho tài sản gia đình, cho hạnh phúc gia đình. Do đó hãy để ra một khoản tiền nhất định để mua bất động sản giảm giá hoặc những bất động sản có chính sách ân hạn trả tiền trong một thời gian dài. Tuy nhiên, hãy hết sức cẩn trọng tính pháp lý của dự án. Hãy chọn những doanh nghiệp cực kỳ uy tín, luôn giao nhà, giao sổ đúng hạn như Vinhome, Nam Long hay Khang Điền… Tránh xa những doanh nghiệp BĐS yếu tài chính và luôn sai lệch thời gian giao nhà, gia sổ.

  • GIA ĐÌNH

Ngoài tất cả những thứ trên từ tiết kiệm, cổ phiếu cho đến bất động sản thì thứ mà bạn luôn cần phải đầu tư hàng ngày, hàng giờ đó chính là GIA ĐÌNH. Bởi đây là nơi duy nhất bạn có thể về, nơi duy nhất bạn có thể dùng làm điểm tựa cho dù cả 3 mảng đầu tư trên thất bại hoàn toàn. Đó là thứ tài sản duy nhất sẽ trường tồn theo thời gian. Hãy dành nhiều thời gian cho con cái, cho người bạn đời của bạn càng nhiều càng tốt.

Đối với tôi mà nói, tất cả thứ tôi đầu tư từ cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản hay bất kỳ thứ gì đem lại lợi nhuận cho tôi cuối cùng cũng chỉ phục vụ một chủ thể duy nhất đó chính là Gia Đình tôi. Do đó nó phải là trọng tâm của mọi thương vụ, trước khi đầu tư hãy nghĩ tới gia đình bạn, ít nhất nó báo cho bạn biết dừng lại trước những rủi ro cao. Chúc các bạn may mắn

#quansucamap

Share
Bài viết bởi

fatz.research

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x