VN-Index ‘rung lắc’ khi tiến vào vùng kháng cự!

(KTSG) – Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trải qua tuần giao dịch từ ngày 6 đến 10-5-2024 khá tích cực khi chỉ số VN-Index duy trì xu hướng phục hồi khá tốt sau giai đoạn sụt giảm mạnh. Ba phiên đầu tuần ghi nhận VN-Index tăng tốt lên…

Fatz Admin lúc 2024-06-28

(KTSG) – Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trải qua tuần giao dịch từ ngày 6 đến 10-5-2024 khá tích cực khi chỉ số VN-Index duy trì xu hướng phục hồi khá tốt sau giai đoạn sụt giảm mạnh.

Ba phiên đầu tuần ghi nhận VN-Index tăng tốt lên trên vùng 1.250 điểm trước khi chịu áp lực “rung lắc” nhất định trong hai phiên cuối tuần. Kết thúc tuần, VN-Index tăng 1,94% lên mức 1.244 điểm. Thanh khoản thị trường cũng có sự cải thiện so với tuần trước đó, đạt xấp xỉ 20.000 tỉ đồng/phiên.

Trong tuần qua, khối ngoại trở lại mua ròng vào đầu tuần song bất ngờ bán ròng đột biến trong ba phiên cuối tuần. Ảnh minh họa: TL

Đáng chú ý, thị trường có sự phân hóa mạnh khi đà phục hồi tập trung chủ yếu ở các mã có kết quả kinh doanh quí 1-2024 tích cực. Theo đó, giá nhiều cổ phiếu đã tiệm cận vùng đỉnh cũ. Nổi bật nhất là nhóm cổ phiếu công nghệ với nhiều mã tiếp tục tăng giá mạnh như CMG (+30,6%), ELC (+17,3%), FOX (+7,7%), VGI (+5,4%)… Cổ phiếu nhóm dệt may sau thời gian tích lũy cũng có diễn biến nổi bật khi hầu hết đều tăng giá mạnh với thanh khoản đột biến trong nhiều năm như VGT (+27,5%), TNG (+10,9%), MSH (+10,5%)…

QUẢNG CÁO

Trong bối cảnh đó, khối ngoại trở lại mua ròng vào đầu tuần song bất ngờ bán ròng đột biến trong ba phiên cuối tuần. Lũy kế năm phiên, tổng cộng khối ngoại bán ròng 2.991 tỉ đồng trên toàn thị trường. Lực bán của khối ngoại khả năng cao đến từ các tổ chức cũng như các quỹ ETF lớn trên thị trường. Trong đó, quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF bất ngờ bị rút ròng sau giai đoạn hút vốn mạnh.

Cụ thể, trong phiên ngày 9-5, quỹ này đã bị rút ròng một triệu chứng chỉ quỹ, tương ứng khoảng 10 tỉ đồng. Mặc dù vậy, quỹ Fubon vẫn đang là điểm sáng hiếm hoi trong giao dịch của khối ngoại khi liên tục hút ròng vốn kể từ phiên cuối tháng 4 (ngày 26-4) và kéo dài xuyên suốt bốn phiên đầu tháng 5, với tổng giá trị hút ròng hơn 21 triệu đô la Mỹ (khoảng 524 tỉ đồng), toàn bộ đều giải ngân mua cổ phiếu Việt Nam. Lũy kế từ đầu năm 2024 đến nay, quỹ Fubon vẫn đang vào ròng 9 triệu đô la.

Tại ngày 9-5, quy mô danh mục của quỹ đạt hơn 831 triệu đô la (khoảng 21.100 tỉ đồng) với 100% đầu tư vào cổ phiếu Việt Nam theo chỉ số tham chiếu là FTSE Vietnam 30 Index. Trong cơ cấu danh mục của quỹ, HPG hiện là cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất với 10,24% (nắm giữ 71,1 triệu cổ phiếu), xếp tiếp theo lần lượt là VIC (42,7 triệu cổ phiếu, tỷ trọng 9,16%), VHM (45,4 triệu cổ phiếu, tỷ trọng 8,78%), VCB (19,8 triệu cổ phiếu, tỷ trọng 8,64%), VNM (25,1 triệu cổ phiếu, tỷ trọng 7,9%)…

Trên TTCK Mỹ, cả ba chỉ số chứng khoán chính của nước này đều khép lại tuần qua trong sắc xanh. Cụ thể, chỉ số Dow Jones tăng 2,16%, ghi nhận tuần tăng tốt nhất kể từ tháng 12-2023, đồng thời là tuần tăng điểm thứ 4 liên tiếp. Tương tự, chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite cũng đều tăng tuần thứ 3 liên tiếp, khi lần lượt tiến thêm 1,85% và 1,14%.

Tuy vậy, tâm lý tích cực của giới đầu tư đã có phần chững lại trong phiên ngày thứ Sáu sau khi chỉ số tâm lý người tiêu dùng sơ bộ tháng 5 được Đại học Michigan công bố ở mức 67,4 điểm – mức thấp nhất trong vòng sáu tháng qua, đồng thời thấp hơn nhiều so với mức dự báo là 76 điểm. Diễn biến này làm dấy lên lo ngại mặt bằng giá cả tăng cao đang tác động tới nhu cầu chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ.

Trong tuần này, TTCK Mỹ sẽ đón nhận thông tin quan trọng liên quan đến chỉ số PCE tháng 4 – một trong những thước đo lạm phát yêu thích của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Gần đây, nhà đầu tư đã lạc quan hơn sau khi Fed cho biết động thái tiếp theo sẽ khó có thể là nâng lãi suất sau khi dữ liệu lao động đã hạ nhiệt hơn. Định hướng điều hành của Fed hiện sẽ phụ thuộc rất nhiều vào các số liệu thực tế. Do vậy, PCE tháng 4 sẽ cực kỳ quan trọng trong việc giúp nhà đầu tư tìm được manh mối về định hướng chính sách tiếp theo của Fed.

Về xu hướng TTCK Việt Nam, sau khi đi vào vùng kháng cự 1.250-1.260 điểm, chỉ số VN-Index đã gặp áp lực chốt lời không nhỏ và hiện vẫn đang có xu hướng dần tích lũy trở lại. Các chỉ báo kỹ thuật như RSI, ADX đang nằm trong vùng trung tính yếu, cho thấy chỉ số hiện chưa đủ sức mạnh để vượt ngay qua vùng kháng cự trên. Nhiều khả năng VN-Index sẽ dao động tích lũy trong vùng từ 1.220-1.250 điểm trong tuần này.

Theo đó, các vị thế ngắn hạn vẫn nên duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức vừa phải, chưa nên đẩy lên mức quá cao, đề phòng trường hợp thị trường sẽ điều chỉnh về mức sâu hơn. Khi đó, mới là cơ hội để nhà đầu tư gia tăng thêm vị thế ngắn hạn. Còn đối với các vị thế trung và dài hạn, tiếp tục tích lũy từng phần trong các nhịp điều chỉnh của chỉ số vẫn nên là chiến lược được áp dụng lúc này.

Thanh Thủy

Share
Bài viết bởi

Fatz Admin

Bình luận đã bị đóng.