VN-Index chịu áp lực điều chỉnh khi chạm vùng 1.130 điểm!

(KTSG) – Thị trường chứng khoán trải qua tuần giao dịch trước với xu hướng tăng điểm. Cụ thể, chỉ số VN-Index diễn biến khá tích cực khi tăng mạnh ở vùng giá 1.110 điểm trong hai phiên đầu tuần nhưng sau đó chịu áp lực điều chỉnh ở vùng…

Fatz Admin lúc 2023-06-22

(KTSG) – Thị trường chứng khoán trải qua tuần giao dịch trước với xu hướng tăng điểm. Cụ thể, chỉ số VN-Index diễn biến khá tích cực khi tăng mạnh ở vùng giá 1.110 điểm trong hai phiên đầu tuần nhưng sau đó chịu áp lực điều chỉnh ở vùng giá 1.125-1.130 điểm. Kết thúc tuần giao dịch từ 12 đến 16-6-2023, VN-Index tăng 0,7% so với tuần trước đó, lên mức 1.115 điểm – ghi nhận tuần tăng điểm thứ ba liên tiếp.

Đây cũng là tuần ghi nhận nhiều sự kiện quan trọng như Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ngừng tăng lãi suất trong cuộc họp chính sách định kỳ tháng 6 hay Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) quyết định giảm lãi suất điều hành lần thứ 4 kể từ đầu năm. Thêm vào đó là hoạt động cơ cấu quí 2 của hai quỹ ETF ngoại là VNM ETF và FTSE Vietnam ETF trong phiên cuối tuần.

QUẢNG CÁO

Về diễn biến các nhóm ngành, nhóm cổ phiếu dầu khí có diễn biến tích cực nổi bật khi nhiều mã tăng giá tốt với thanh khoản gia tăng, như PVG (+12,22%), PVS (+5,88%), PVB (+5,83%), ASP (+5,77%), PGC (+2,22%). Trong khi đó, nhóm ngân hàng phân hóa hơn khi nhiều mã vượt vùng đỉnh cũ như VCB (+4,48%), SHB (+3,70%), STB (+3,2%)… nhưng cũng có nhiều mã chịu áp lực điều chỉnh như PGB (-6,64%), VBB (-3,64%), NVB (-3,16%), LPB (-2,61%)…

Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng khá sôi động khi thanh khoản thị trường vẫn duy trì ở mức cao, nhiều mã vượt vùng giá tuần trước như SHS (+6,3%), SSI (+3,37%), MBS (+3,28%). Xét theo mức độ đóng góp, STB, HPG và VCB là những mã có tác động tích cực nhất tới thị trường. Tính riêng VCB đã đóng góp gần 1,8 điểm cho chỉ số chung.

Điểm tích cực trong tuần qua là khối ngoại đã chuyển hướng sang trạng thái mua ròng cả năm phiên với giá trị gần 1.800 tỉ đồng trên sàn HOSE, tập trung ở nhóm cổ phiếu thép, dịch vụ tài chính, chứng khoán. Trên sàn HNX, khối này mua ròng với giá trị 94,55 tỉ đồng. Xét riêng theo từng mã cổ phiếu, dòng tiền ngoại ghi nhận giá trị giao dịch mua ròng mạnh nhất tại cổ phiếu “quốc dân” HPG cùng hai cái tên đầu ngành chứng khoán là VND và SSI, giá trị đều trên 300 tỉ đồng.

Trên thế giới, thị trường chứng khoán Mỹ khép lại một tuần thành công sau nhiều thông tin kinh tế khả quan. Theo đó, chỉ số S&P 500 tăng 2,6% trong tuần qua, đạt kết quả tốt nhất kể từ tháng 3-2023 đến nay, đồng thời đánh dấu tuần tăng điểm thứ 5 liên tiếp. Chỉ số này hiện đã tăng hơn 26% so với mức thấp nhất được ghi nhận vào tháng 10 năm ngoái. Trong khi đó, chỉ số Nasdaq Composite cũng tăng khoảng 3,3% trong tuần, lập chuỗi tăng điểm dài nhất kể từ năm 2019 (tám tuần tăng liên tục).

Thông tin quan trọng nhất trong tuần liên quan đến lạm phát và kết quả cuộc họp của Fed đều nằm hoặc vượt kỳ vọng của nhà đầu tư tại Mỹ. Cụ thể, chỉ số CPI tháng 5 của Mỹ chỉ tăng 4% so với cùng kỳ (giảm so với mức 4,9% của tháng 4 và thấp hơn so với dự báo ở mức 4,1%). Trong khi đó, Fed đã quyết định tạm ngưng tiến trình tăng lãi suất sau cuộc họp hai ngày (13 đến 14-6) dù vẫn phát đi thông điệp không loại trừ khả năng sẽ có thêm các đợt tăng lãi suất nữa trong năm nay.

Về các tin tức vĩ mô trong nước, NHNN đã quyết định điều chỉnh giảm thêm một loạt các lãi suất điều hành, áp dụng từ ngày 19-6, đánh dấu đợt giảm lãi suất điều hành lần thứ 4 kể từ đầu năm 2023 đến nay. Nhìn chung, sức ép từ mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% cho cả năm 2023 đang đè nặng lên hai quí cuối năm, khi GDP quí 1 chỉ tăng 3,32% và quí 2 dự kiến chỉ tăng 4,5-5%. Điều này buộc Chính phủ phải có động thái quyết liệt để hỗ trợ nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng.

Tuy vậy, giảm lãi suất mới chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ là sự hồi phục của nhu cầu thế giới và trong nước thì nhiều khả năng sẽ cần thêm thời gian để kiểm chứng. Trên cơ sở đó, số liệu cần theo dõi chặt chẽ trong thời gian tới là tăng trưởng tín dụng và chỉ số PMI để có thể nắm bắt sớm những tín hiệu đảo chiều của kinh tế Việt Nam.

Về xu hướng thị trường, sau khi gặp áp lực “rung lắc” trong phiên cuối tuần trước, chỉ số VN-Index nhiều khả năng sẽ kiểm định lại vùng hỗ trợ quanh 1.100 điểm trong tuần này. Nếu dòng tiền vẫn duy trì được ở các nhóm ngành dẫn dắt như ngân hàng, bất động sản, chứng khoán… thì VN-Index vẫn có cơ hội hướng lên các vùng điểm cao hơn tại 1.150-1.160 điểm.

Mặc dù vậy, trong lúc các tín hiệu chưa được xác nhận thì nhà đầu tư vẫn nên duy trì sự cẩn trọng trong quản trị danh mục, phân bổ tỷ trọng cổ phiếu hợp lý nhằm tránh sự bị động khi VN-Index không diễn biến theo kịch bản kỳ vọng.

Thanh Thủy

Kinh tế Sài Gòn Online

Share
Bài viết bởi

Fatz Admin

Bình luận đã bị đóng.