Ông Trần Thanh Hiền, Kế toán trưởng Vietnam Airlines, khẳng định tình huống bị âm vốn chủ sở hữu, lỗ lũy kế 3 năm liên tiếp của Vietnam Airlines là rất đặc biệt trong đại dịch COVID-19. Hãng mong cơ quan quản lý cân nhắc toàn diện việc huỷ niêm…
Báo cáo tài chính năm 2022 Vietnam Airlines cho thấy doanh thu hợp nhất cả năm 2022 đạt 71.701 tỉ đồng, cao hơn 20% so với kế hoạch đề ra nhưng Vietnam Airlines vẫn chưa thể thoát lỗ. Số lỗ trước thuế của công ty mẹ và hợp nhất lần lượt là âm 8.841 tỉ đồng và âm 10.945 tỉ đồng. Vốn chủ sở hữu công ty mẹ và hợp nhất tại thời điểm 31-12-2022 ước tính lần lượt là âm 3.579 tỉ đồng và âm 11.056 tỉ đồng.
Như vậy, Vietnam Airlines đã lỗ luỹ kế 3 năm liên tiếp, dẫn đến nguy cơ bị hủy niêm yết cổ phiếu Vietnam Airlines (mã HVN) trên sàn Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) theo quy định.
Báo cáo tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của Vietnam Airlines vào sáng 16-12, ông Trần Thanh Hiền, Kế toán trưởng – Trưởng ban Tài chính kế toán Vietnam Airlines, khẳng định tình huống bị âm vốn chủ sở hữu, lỗ lũy kế 3 năm liên tiếp và có nguy cơ bị hủy niêm yết cổ phiếu của Vietnam Airlines là rất đặc biệt.
Trước dịch COVID-19, Vietnam Airlines là một trong các doanh nghiệp đứng đầu top doanh nghiệp có vốn hóa lớn, khả năng sinh lời và minh bạch tài chính trên sàn HORSE.
“Tình huống Vietnam Airlines bị âm vốn chủ sở hữu, lỗ lũy kế có yếu tố ảnh hưởng khách quan là đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đối với kinh tế toàn cầu và đặc biệt là hàng không và các hãng bay đều trong tình cảnh này. Tôi tin tưởng rằng cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan liên quan sẽ nghiên cứu đánh giá các yếu tố này một cách khách quan, cẩn trọng và kỳ vọng cổ phiếu HVN vẫn duy trì trên sàn chứng khoán”- Kế toán trưởng Vietnam Airlines phát biểu.
Ông Trần Thanh Hiền cho biết Vietnam Airlines đang tiến hành xây dựng triển khai đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu trong đó giải pháp tự thân là quan trọng nhất. Hãng phải tiến tới có lãi, khả năng thanh toán từ dòng tiền kinh doanh, có giải pháp đồng bộ tái cơ cấu để khắc phục hậu quả của COVID-19.
“Dòng tiền cân đối để bảo đảm hoạt động kinh doanh 2023-2024 và các năm tiếp là tự thân Hãng thông qua các giải pháp kinh doanh, cắt giảm chi phí, nội bộ doanh nghiệp. Với các giải pháp đã xây dựng, kỳ vọng thời gian không lâu, Vietnam Airlines sẽ cân bằng tài chính và khắc phục được hệ quả của dịch COVID-19, đưa tình trạng tài chính về trạng thái an toàn, đáp ứng được các yêu cầu của cổ phiếu niêm yết trên sàn HOSE”- ông Hiền nói.
“Chúng ta cần một thời gian không dài để đưa kinh doanh của Vietnam Airlines trở thành có lãi, cần một thời gian không dài để vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines trở thành dương và khi đó chúng ta đáp ứng được yêu cầu của HOSE cũng như của thị trường chứng khoán”- ông Trần Thanh Hiền khẳng định.
Về bảo đảm dòng tiền, ông Hiền cho biết kinh doanh thua lỗ thì dòng tiền khó đảm bảo cân bằng. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường hàng không phục hồi nhanh, đặc biệt là năm 2023, nên dòng tiền Vietnam Airlines được cải thiện rất đáng kể và tích cực mặc dù con số nợ, giãn, hoãn rất lớn. Năm 2023, không những dòng tiền đảm bảo cho hoạt động sản xuất kinh doanh mà còn bố trí trên 7.000 tỉ đồng trả các khoản nợ đã cam kết, đây là điều tích cực của Vietnam Airlines.
Tổng số tiền nợ cuối năm 2022 của Vietnam Airlines là 10.438 tỉ đồng, con số đó vào cuối năm 2023 còn khoảng 8.000 tỉ đồng.
“Cùng với dòng tiền từ kinh doanh và bổ sung dòng tiền từ Đề án tái cơ cấu sẽ cam kết trả các khoản nợ giãn hoãn, là ưu tiên số 1 trong Đề án tái cơ cấu, đảm bảo khả năng thanh khoản hoạt động liên tục và dương vốn chủ, sau đó xóa lỗ lũy kế”- ông Hiền nói.
Trả lời về câu hỏi bao giờ sẽ xóa được lỗ lũy kế, Kế toán trưởng Vietnam Airlines cho rằng nếu chỉ hoạt động kinh doanh thông thường thì mất rất nhiều năm. Vietnam Airlines xác định Đề án tái cơ cấu tổng thể trong đó có tái cơ cấu về tài sản, danh mục đầu tư, tái cơ cấu nguồn vốn (có thể phát hành thêm trái phiếu hoặc các công cụ tài chính khác), đưa ra các giải pháp để có thêm thu nhập, nguồn vốn nhằm cải thiện dòng tiền sẽ từng bước xóa dần lỗ lũy kế.
Ông Hiền bày tỏ mong muốn Chính phủ có thể thông qua chủ trương tái cơ cấu sớm nhất như thoái vốn Skypec, phát hành thêm cổ phiếu để tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines.
Liên quan đến nội dung này, ông Đặng Ngọc Hoà, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietnam Airlines cho biết Tổng công ty đã xây dựng và đang báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét Đề án tổng thể các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 giai đoạn 2021-2025.
Mặc dù đã chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp tự thân để giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh gây ra, nhưng do ảnh hưởng của đại dịch là rất lớn và hậu quả vẫn còn kéo dài, Vietnam Airlines đã nghiên cứu đề xuất, kiến nghị các giải pháp hỗ trợ từ chính phủ với vai trò là chủ sở hữu, trong đó trọng tâm là gói giải pháp bổ sung dòng tiền, nguồn vốn kinh doanh.
Bên cạnh đó, Vietnam Airlines cũng kiến nghị các giải pháp ngắn hạn, cấp bách để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách cho Vietnam Airlines để thực hiện thoái vốn tại các đơn vị thành viên, các giải pháp trung hạn về kiểm soát quản lý vĩ mô ngành hàng không để tạo nền tảng vững chắc cho Vietnam Airlines phát huy vai trò sứ mệnh của Hãng hàng không quốc gia và phát triển bền vững trong dài hạn.
Người Lao Động