(KTSG) – Các phiên giao dịch gần đây đã chứng kiến diễn biến tích cực ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, bất chấp thách thức nợ xấu trong ngành có dấu hiệu gia tăng từ đầu năm đến nay. Chỉ trong vòng một tuần qua (tính đến phiên đầu tuần…
(KTSG) – Các phiên giao dịch gần đây đã chứng kiến diễn biến tích cực ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, bất chấp thách thức nợ xấu trong ngành có dấu hiệu gia tăng từ đầu năm đến nay. Chỉ trong vòng một tuần qua (tính đến phiên đầu tuần này, 5-6-2023), chỉ số giá của nhóm cổ phiếu ngân hàng đã tăng nhanh gần 5,5%, đóng góp lớn vào sự đi lên của thị trường chung.
Bứt phá nhanh
Tiếp nối phiên bứt phá mạnh vào cuối tuần trước (2-6), VN-Index đã quay trở lại mốc 1.100 điểm trong phiên giao dịch đầu tuần này, trước động lực mạnh mẽ từ cổ phiếu ngân hàng mà đại diện là Vietcombank (HOSE:VCB) khi tăng gần 3,3%, đóng góp gần 3,8 điểm vào mức tăng của VN-Index. Trong vòng một tháng qua, cổ phiếu VCB đã tăng hơn 10%, song hành với xu hướng đi lên của thị trường.
Trước đó, vào phiên giao dịch cuối tuần trước, VN-Index cũng chứng kiến nhiều cổ phiếu ngân hàng tăng trần, có thể kể đến như ngân hàng Quốc tế (HOSE:VIB), Kiên Long (HOSE:KLB), Quốc Dân (HOSE:NVB); trong khi các ngân hàng còn lại cũng bứt phá mạnh mẽ, như Techcombank (HOSE:TCB) tăng 6,3%, Quân đội (HOSE:MBB) tăng 4,8%, VietinBank (HOSE:CTG) tăng 2,5%, VPBank (HOSE:VPB) tăng 2,3%. Trong 10 cổ phiếu tác động vào mức tăng điểm lớn nhất của VN-Index trong ngày này, đã có đến 8 cổ phiếu ngân hàng.
Đi cùng với diễn biến tăng điểm tích cực, giao dịch trên nhóm ngân hàng cũng đặc biệt sôi động với tổng giá trị gần 5.000 tỉ đồng, chiếm một phần tư thanh khoản toàn sàn chứng khoán. Điều này cho thấy dòng tiền sau giai đoạn im tiếng đang có dấu hiệu quay lại nhóm cổ phiếu vua. Với định giá cổ phiếu vẫn đang ở mức khá hấp dẫn, thể hiện qua hệ số thị giá so với giá trị sổ sách (P/B) chỉ nằm trong khoảng 1-1,5 lần, tiềm năng tăng giá của nhóm này vẫn còn.
Nhà đầu tư cần lưu ý đến tệp khách hàng cho vay của ngân hàng và biến động nợ xấu được công bố trên báo cáo tài chính. Các nhân tố này sẽ ảnh hưởng đáng kể đến áp lực trích lập dự phòng nợ xấu…
Thực tế cho thấy các phiên giao dịch gần đây đã chứng kiến diễn biến tích cực ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, bất chấp thách thức nợ xấu trong ngành có dấu hiệu gia tăng từ đầu năm đến nay. Chỉ trong vòng tuần qua, chỉ số giá của nhóm cổ phiếu ngân hàng đã tăng nhanh gần 5,5%, đóng góp lớn vào sự đi lên của thị trường chung.
Trước xu hướng giảm lãi suất tiền gửi trong thời gian qua vẫn đang được duy trì, các ngân hàng được cho là sẽ tránh được nguy cơ biên lãi ròng (NIM) thu hẹp, tạo điều kiện cho lợi nhuận tiếp tục tăng trưởng khả quan. Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ba lần giảm lãi suất điều hành trong thời gian ngắn đã tác động tích cực lên xu hướng lãi suất và chi phí vốn đầu vào của các ngân hàng trong thời gian qua, cũng như giảm bớt nguy cơ tạo sức ép lên nợ xấu.
Hiện mặt bằng lãi suất tiền gửi đã quay trở lại mức như thời điểm trước quí 4-2022. Đáng chú ý là một số ngân hàng gần đây cũng đã bắt đầu điều chỉnh giảm lãi suất cơ sở, cho thấy chi phí vốn thật sự đang hạ dần, tạo điều kiện giúp lãi suất cho vay giảm trong thời gian tới. Điều này có thể giúp nhu cầu vay gia tăng trở lại và các ngân hàng tăng trưởng tín dụng tích cực hơn trong thời gian còn lại của năm nay.
Đối với nguy cơ nợ xấu, thời gian qua nhà điều hành đã ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN cho phép các ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và khách hàng gặp khó khăn trả nợ vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng. Chính sách này được kỳ vọng sẽ kiềm chế nợ xấu của các ngân hàng trong thời gian tới, cũng như giãn thời gian trích lập chi phí dự phòng để tránh ảnh hưởng quá lớn lên lợi nhuận của các ngân hàng trong năm nay.
Phân hóa
Việc các ngân hàng có kế hoạch chia cổ tức khủng ngay trong tháng 6 này để tiếp tục tăng vốn, hoặc phát hành riêng lẻ thêm cho cổ đông chiến lược trong thời gian tới cũng đang là chất xúc tác hỗ trợ cho giá cổ phiếu. Như Eximbank có kế hoạch phát hành thêm 265,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 18%. ACB sẽ trả cổ tức tiền mặt 10% và cổ phiếu 15%, tương tự HDBank cũng trả cổ tức tiền mặt 10% và cổ phiếu 15%. Thời gian tới sẽ có thêm VPBank trả cổ tức tiền mặt 10%, TPBank trả theo tỷ lệ lên đến 25%.
Trong khi đó, Vietcombank mới đây đã được NHNN chấp thuận cho tăng vốn điều lệ từ mức 47.325 tỉ đồng lên 55.891 tỉ đồng theo phương án phát hành cổ phiếu để chi trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận sau thuế còn lại năm 2019, 2020, sau trích lập các quỹ và cổ tức. Theo kế hoạch, ngân hàng này sẽ còn tiếp tục tăng vốn từ nguồn lợi nhuận giữ lại của năm 2021, cũng như phát hành riêng lẻ 6,5% vốn điều lệ cho cổ đông chiến lược nước ngoài trong thời gian tới.
Dù vậy, vẫn có những ý kiến lo ngại nhóm cổ phiếu ngân hàng đang bị kéo lên nhanh có thể kích thích các hoạt động chốt lời. Tuy nhiên, với bối cảnh vĩ mô đang có những chuyển biến tích cực, triển vọng của thị trường chung được đánh giá theo hướng khả quan hơn.
Cụ thể, trong báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng dòng tiền thông minh đã bắt đầu có dấu hiệu quay trở lại thị trường, thể hiện qua việc thanh khoản cải thiện dần trong vòng một tháng gần đây. Nhà đầu tư cũng được khuyến nghị có thể tận dụng các phiên điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu, ưu tiên cổ phiếu có câu chuyện tăng trưởng hoặc được hưởng lợi từ chính sách và xu hướng lãi suất giảm trong thời gian tới như nhóm chứng khoán, ngân hàng, đầu tư công, hạ tầng năng lượng (điện, dầu khí). Thực tế đây cũng là nhóm cổ phiếu có diễn biến tích cực nhất trong thời gian gần đây.
Còn theo SSI Research, tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) của các ngân hàng có thể tiếp tục giảm trong quí 2 nhưng có thể hình thành đáy trong nửa đầu năm 2023. Ảnh hưởng của việc tăng lãi suất huy động trong quí 4-2022 đã được phản ánh đầy đủ trong quí đầu năm nay và chỉ phản ánh một phần trong quí 2. Ngoài ra, lãi suất có thể sẽ tiếp tục giảm thêm từ nay đến cuối năm.
Nhiều dự báo cũng cho rằng dòng tiền dự kiến tiếp tục đổ mạnh từ kênh gửi tiết kiệm, có thể sẽ phản ánh rõ hơn trong nửa cuối năm nay. Theo đó, dòng tiền tiếp tục duy trì xu hướng luân chuyển nhanh giữa các nhóm ngành đầu tư, giúp thị trường tiếp tục đứng vững và trở lại xu hướng tăng điểm. Chỉ số VN-Index dự kiến kết thúc tháng 6 tại khu vực 1.180-1.200 điểm.
Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu ngân hàng có thể sẽ tiếp tục phân hóa mạnh trong thời gian tới. Các chuyên gia phân tích cho rằng nhà đầu tư cần lưu ý đến tệp khách hàng cho vay của ngân hàng và biến động nợ xấu được công bố trên báo cáo tài chính. Các nhân tố này sẽ ảnh hưởng đáng kể đến áp lực trích lập dự phòng nợ xấu, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đang đối diện nhiều khó khăn.
Kinh tế Sài Gòn Online