(KTSG) – Khả năng phục hồi của thị trường trái phiếu doanh nghiệp càng trở nên quan trọng và cấp thiết, khi phía trước vẫn còn là đỉnh điểm đáo hạn của lượng trái phiếu doanh nghiệp khổng lồ đã phát hành những năm trước đây, và áp lực phải…
(KTSG) – Khả năng phục hồi của thị trường trái phiếu doanh nghiệp càng trở nên quan trọng và cấp thiết, khi phía trước vẫn còn là đỉnh điểm đáo hạn của lượng trái phiếu doanh nghiệp khổng lồ đã phát hành những năm trước đây, và áp lực phải mua lại trước hạn của nhiều doanh nghiệp trong thời gian qua cũng như cho giai đoạn kế tiếp.
Tín hiệu khởi sắc?
Hơn 48.800 tỉ đồng là tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã phát hành thành công trong sáu tháng đầu năm 2023, giảm mạnh hơn 73% so với cùng kỳ; trong đó giá trị các đợt phát hành riêng lẻ đạt 42.787 tỉ đồng, giảm 75,6% còn giá trị các đợt phát hành công chúng đạt 5.900 tỉ đồng, giảm 15,9%.
Đáng lưu ý, sau một số đợt phát hành có giá trị cao trong tháng 3 – thời điểm ngay sau khi Nghị định 08/2023 được ban hành – với giá trị đạt hơn 26.400 tỉ đồng, hoạt động phát hành TPDN trong quí 2-2023 trầm lắng trở lại.
Cụ thể, trong quí 2-2023 có 29 đợt phát hành TPDN trong nước thành công với tổng giá trị phát hành đạt khoảng 19.281 tỉ đồng, giảm 34,4% so với quí 1-2023 và giảm mạnh 83,1% so với cùng kỳ. Trong đó, bất động sản là nhóm ngành có tỷ trọng phát hành TPDN lớn nhất trong quí 2-2023 khi chiếm hơn 34,9% tổng giá trị phát hành. Theo sau là nhóm ngân hàng chiếm 29% tổng giá trị phát hành, nhóm tập đoàn đa ngành và nhóm logistics chiếm lần lượt là 10,4% và 8,5% tổng giá trị phát hành, các nhóm ngành nghề khác chiếm 17,2% tổng giá trị phát hành.
Dư nợ TPDN đến cuối quí 2 vừa qua chỉ còn chiếm 9,4% tổng dư nợ của cả nền kinh tế, giảm 2,6% so với cuối năm 2022, theo dữ liệu từ VBMA. Dù chiếm tỷ lệ không lớn, nhưng những rối ren của thị trường TPDN vẫn có thể ảnh hưởng đáng kể lên dòng tiền ở các khu vực khác, tác động xấu đến chất lượng các khoản vay nợ khác trong hệ thống ngân hàng.
Theo các chuyên gia phân tích, khi niềm tin của các nhà đầu tư chưa quay trở lại trong bối cảnh còn nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn về sản xuất kinh doanh, khó khăn về dòng tiền dẫn tới chậm thanh toán các khoản nợ trái phiếu đến hạn và trước sự kiểm soát chặt chẽ hơn đối với các thương vụ phát hành mới, nguồn vốn vẫn ưu tiên vào các kênh đầu tư an toàn như tiền gửi ngân hàng. Đó là nguyên nhân chính khiến hoạt động phát hành TPDN trầm lắng.
Dù bức tranh chung trong quí 2 và sáu tháng đầu năm nay không mấy tích cực, nhưng nét chấm phá nổi bật hơn đã xuất hiện trong tháng 6 vừa qua, khi dữ liệu từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho thấy riêng trong tháng 6 đã có 13 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị 8.170 tỉ đồng. Nếu so với mức 2.600 tỉ đồng trong tháng 5 và 2.671 tỉ đồng trong tháng 4, xu hướng tăng mạnh như trên đang cho thấy những tín hiệu khởi sắc hơn. Đặc biệt, lượng doanh nghiệp tham gia phát hành trở lại cũng đa dạng hơn, ở nhiều ngành nghề, ngoài ngân hàng và bất động sản còn có vận tải, chứng khoán và hàng tiêu dùng.
Điểm lưu ý thứ hai là lãi suất phát hành vẫn tương đối cao so với mặt bằng hiện nay, khi có doanh nghiệp sẵn sàng trả lãi suất 12-15% cho năm đầu tiên. Theo thống kê của VBMA, loại trừ nhóm ngân hàng, lãi suất phát hành tăng tại hầu hết các nhóm ngành với mức tăng từ 1-3 điểm phần trăm/năm so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong bối cảnh xu hướng lãi suất tiền gửi ngân hàng đi xuống, thị trường cổ phiếu dần phục hồi, diễn biến của thị trường TPDN cũng đang được quan tâm rất lớn. Sự khởi sắc trở lại của kênh đầu tư quan trọng này không chỉ mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp nối lại hoạt động huy động vốn dài hạn hơn, giữa lúc kênh tín dụng ngân hàng vẫn gặp không ít khó khăn, mà còn phản ánh niềm tin thị trường đang như thế nào.
Sự phục hồi quan trọng
Bên cạnh hơn 46.300 tỉ đồng TPDN đã được đàm phán kéo dài kỳ hạn thành công trong quí 2 vừa qua, vẫn còn hơn 36.500 tỉ đồng TPDN của 41 doanh nghiệp chậm trả lãi, gốc.
Có chuyên gia cho rằng, các trường hợp được gọi là “vỡ nợ” thì thực sự cũng tương tự như nợ xấu nhóm 3 của các ngân hàng thương mại, nhưng bởi vì chưa có những quy định cụ thể nên có thể tạo ra tâm lý bất an trên thị trường khi xảy ra tình huống doanh nghiệp chậm thanh toán lãi, gốc trái phiếu khi đến hạn.
Việc xây dựng sàn giao dịch TPDN và sớm đưa TPDN lên niêm yết là một bước tiến lớn của thị trường, giúp giảm thiểu rủi ro và hỗ trợ thanh khoản cho nhà đầu tư vì có địa chỉ để giao dịch tập trung và có thể cơ cấu danh mục trái phiếu chủ động, hình thành cơ chế định giá trái phiếu, từng bước góp phần khôi phục niềm tin vào thị trường, khi nhà đầu tư cá nhân đang nắm giữ đến 25,8% lượng TPDN đang lưu hành.
Cụ thể, nếu như dư nợ tín dụng được phân loại rõ ràng thành năm nhóm, thì đến nay, Việt Nam chưa có định nghĩa hoặc quy định về phân loại xếp hạng tín nhiệm khi một doanh nghiệp rơi vào tình huống chậm trả lãi và/hoặc gốc của một hoặc một nhóm công cụ nợ hay còn gọi là “mất khả năng thanh toán” trên thị trường trái phiếu. Bởi vậy, theo ông Nguyễn Tùng Anh, Trưởng phòng Nghiên cứu tín dụng của FiinRatings, thị trường cần một hệ thống định nghĩa lại về vấn đề này để nhà đầu tư nắm rõ thực trạng chất lượng tín dụng TPDN và có các biện pháp dự phòng rủi ro cần thiết nhưng thị trường vẫn vận hành ổn định và phát triển bình thường.
Khả năng phục hồi của thị trường này càng trở nên quan trọng và cấp thiết, khi phía trước vẫn còn là đỉnh điểm đáo hạn của lượng TPDN khổng lồ đã phát hành những năm trước đây, và áp lực phải mua lại trước hạn của nhiều doanh nghiệp trong thời gian qua cũng như cho giai đoạn kế tiếp.
Trái với hoạt động phát hành ảm đạm, hoạt động mua lại trước hạn TPDN tiếp tục gia tăng, với tổng giá trị TPDN riêng lẻ được mua lại trước hạn trong quí 2-2023 đạt 73.849 tỉ đồng, tăng 76,8%. Thống kê cho thấy tốc độ mua lại trước hạn TPDN có xu hướng tăng mạnh kể từ tháng 5-2023. Áp lực đáo hạn trong quí 3 là rất lớn với gần 100.000 tỉ đồng, các nhà phát hành sẽ cần đạt được thỏa thuận gia hạn trái phiếu để tránh chậm trả gốc, lãi hoặc tìm phương án phát hành mới để tái tài trợ các khoản vay cũ đến hạn.
Lượng trái phiếu phát hành mới giảm, trong khi các doanh nghiệp lại tăng cường mua lại trước hạn, dư nợ TPDN đến cuối quí 2 vừa qua chỉ còn chiếm 9,4% tổng dư nợ của cả nền kinh tế, giảm 2,6% so với cuối năm 2022, theo dữ liệu từ VBMA. Dù chiếm tỷ lệ không lớn, nhưng những rối ren của thị trường TPDN vẫn có thể ảnh hưởng đáng kể lên dòng tiền ở các khu vực khác, tác động xấu đến chất lượng các khoản vay nợ khác trong hệ thống ngân hàng.
Chuyên gia của FiinRatings cho rằng, về xu hướng tình hình TPDN trong năm 2023 và 2024, vấn đề cần quan tâm và rủi ro chính nằm ở 396.300 tỉ đồng đến từ 302 doanh nghiệp bất động sản trong tổng giá trị TPDN 788.900 tỉ đồng đang lưu hành với 757 tổ chức phát hành là doanh nghiệp phi ngân hàng.
Bên cạnh những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường TPDN gần đây, một yếu tố khác có thể hỗ trợ cho thị trường này phục hồi là hệ thống sàn giao dịch TPDN riêng lẻ (TPDN RL) dự kiến đi vào vận hành ngay trong tháng 7 này. Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam cũng vừa có quyết định về việc ban hành Quy chế giao dịch TPDN riêng lẻ tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội.
Việc xây dựng sàn giao dịch TPDN và sớm đưa TPDN lên niêm yết là một bước tiến lớn của thị trường, giúp giảm thiểu rủi ro và hỗ trợ thanh khoản cho nhà đầu tư vì có địa chỉ để giao dịch tập trung và có thể cơ cấu danh mục trái phiếu chủ động, hình thành cơ chế định giá trái phiếu, từng bước góp phần khôi phục niềm tin vào thị trường, khi nhà đầu tư cá nhân đang nắm giữ đến 25,8% lượng TPDN đang lưu hành.
Kinh tế Sài Gòn Online