Thị trường ảm đạm, nhóm cổ phiếu công nghệ phát tín hiệu nổi sóng

(KTSG) – Sau sóng tăng mạnh mẽ khởi đầu từ giữa tháng 2 năm nay kéo dài đến tháng 6, trải qua đợt điều chỉnh giảm mạnh trong tháng 7 và lình xình trong gần hai tháng sau đó, nhóm cổ phiếu công nghệ một lần nữa phát tín hiệu…

Fatz Admin lúc 2024-11-18

(KTSG) – Sau sóng tăng mạnh mẽ khởi đầu từ giữa tháng 2 năm nay kéo dài đến tháng 6, trải qua đợt điều chỉnh giảm mạnh trong tháng 7 và lình xình trong gần hai tháng sau đó, nhóm cổ phiếu công nghệ một lần nữa phát tín hiệu chuẩn bị cho một sóng tăng mới.

Giá cổ phiếu FPT đang ở gần vùng đỉnh cao nhất lịch sử nhưng cũng tăng thêm gần 4%. Ảnh: FPT

Tăng vọt

Sau khi ông Donald Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ, thị trường chứng khoán Việt Nam đã hòa cùng nhịp điệu với thị trường chứng khoán toàn cầu và có phiên tăng mạnh trong ngày 6-11-2024, với chỉ số VN-Index tăng 16 điểm. Tuy nhiên, thị trường đã nhanh chóng giảm trở lại trong ba phiên sau đó. Nhìn chung, trong ba tuần qua, VN-Index chủ yếu dao động xoay quanh vùng 1.250 điểm, với biên độ khá chật chội từ 1.245-1.265 điểm.

QUẢNG CÁO

Trong bối cảnh thị trường chung vẫn ảm đạm, trong những phiên gần đây, dòng tiền tiếp tục phân hóa và tập trung vào một số nhóm ngành, trong đó nổi bật là ngành công nghệ. Cụ thể, trong hai phiên cuối tuần trước và phiên đầu tuần này (11-11), hàng loạt cổ phiếu công nghệ đã tăng trần mạnh mẽ, cùng với khối lượng giao dịch vượt trội, trước những kỳ vọng lạc quan dành cho nhóm ngành này trong thời gian tới.

Đơn cử như cổ phiếu của Công ty cổ phần (CTCP) Dịch vụ Kỹ thuật Mobifone (UpCom: MFS), trong vòng ba phiên ngày 7, 8 và 11-11 có lúc ghi nhận tăng hơn 35%, với khối lượng giao dịch lên mức cao nhất kể từ tháng 6 năm nay – thời điểm giá cổ phiếu này lập kỷ lục cao nhất ở mốc 76.000 đồng/cổ phiếu. Tương tự, cổ phiếu của CTCP Viễn thông – Tin học Bưu điện (HOSE: ICT) tăng gần 16% trong cùng khoảng thời gian.

Ngay cả ông lớn đầu ngành là CTCP FPT (HOSE: FPT) dù giá cổ phiếu đang ở gần vùng đỉnh cao nhất lịch sử nhưng cũng tăng thêm gần 4%, trong khi cổ phiếu của CTCP Viễn thông FPT (UpCom: FOX) tăng 12%, CTCP Dịch vụ trực tuyến FPT (UpCom: FOC) tăng hơn 8%. Ngoài ra, có thể kể đến các cổ phiếu như của CTCP Tập đoàn Công nghệ CMC (HOSE: CMG) tăng 12,5%; CTCP Công nghệ Mạng và Truyền thông (UpCom: CMT) tăng vọt 34%; CTCP Công nghệ Sao Bắc Đẩu (UpCom: SBD) tăng 28%; CTCP Công nghệ Tiên Phong (HOSE: ITD) tăng hơn 11%.

Tại họ cổ phiếu Viettel, cổ phiếu của Tổng CTCP Đầu tư Quốc tế Viettel (UpCom: VGI) tăng gần 24% cũng chỉ trong vòng ba ngày nói trên; của Tổng CTCP Công trình Viettel (HOSE: CTR) tăng 8%; của CTCP Tư vấn và Dịch Vụ Viettel (UpCom: VTK) tăng 25%; của Tổng CTCP Bưu chính Viettel (HOSE: VTP) tăng 18%, còn nếu so với cách đây một tháng thì cổ phiếu VTP đã tăng đến 49%.

Chỉ số nhóm cổ phiếu công nghệ cũng đã bật tăng trở lại trong ba tuần gần đây, đặc biệt tăng rất mạnh trong tuần trước cùng với thanh khoản gia tăng.

Lực kéo cổ phiếu công nghệ đến từ đâu?

Xu hướng chuyển đổi số tiếp tục diễn ra mạnh mẽ là một trong những trợ lực quan trọng cho hoạt động của các doanh nghiệp công nghệ. Trong chương trình chào mừng ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024 diễn ra hôm 12-10, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh “Chuyển đổi số quốc gia phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, động lực, nguồn lực, mục tiêu của sự phát triển. Phải nói thật, làm thật, hiệu quả thật để người dân, doanh nghiệp hưởng thụ thật”.

Chất xúc tác đẩy giá cổ phiếu nhóm công nghệ bật tăng trong thời gian gần đây có lẽ đến từ thông tin mạng 5G đã chính thức được thương mại hóa tại Việt Nam.

Theo kết quả đánh giá tại Báo cáo khảo sát Chính phủ điện tử được Liên hiệp quốc công bố vào tháng 9-2024, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 71 trong tổng số 193 quốc gia, tăng 15 bậc so với năm 2022, hoàn thành mục tiêu đặt ra cho năm 2024.

Tuy nhiên, chất xúc tác đẩy giá cổ phiếu nhóm công nghệ bật tăng trong thời gian gần đây có lẽ đến từ thông tin mạng 5G đã chính thức được thương mại hóa tại Việt Nam. Cụ thể, vào ngày 15-10, Viettel đã chính thức khai trương mạng 5G và trở thành mạng di động đầu tiên của Việt Nam kinh doanh dịch vụ 5G, phủ sóng tại khu vực trung tâm của 63 tỉnh, thành. Trong khi đó, MobiFone cho biết sẵn sàng cho người dùng trải nghiệm dịch vụ 5G từ tháng 11, còn Vinaphone thì đang thực hiện chương trình sử dụng thử 5G, diễn ra từ ngày 13-10 đến ngày 15-11.

Theo Quyết định 1132/QĐ-TTg về chiến lược hạ tầng số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, mạng 5G sẽ phủ sóng toàn bộ các thành phố lớn, khu công nghiệp, sân bay và cảng biển, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2025. Năm 2030, mục tiêu là 99% dân số Việt Nam được tiếp cận với mạng 5G. Theo đó, các doanh nghiệp như MFS, ICT hay nhóm Viettel được kỳ vọng sẽ tham gia xây dựng hạ tầng viễn thông dành cho mạng 5G phủ sóng rộng khắp trong thời gian tới.

Trong khi đó, giới phân tích cho rằng nhóm ngành công nghệ thông tin nói chung vẫn đang có triển vọng tích cực. Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán BSC, kết quả kinh doanh của nhóm doanh nghiệp phần mềm sẽ được thúc đẩy bởi xu hướng trí tuệ nhân tạo (AI), dịch chuyển lưu trữ, xử lý dữ liệu trên các nền tảng đám mây. Cùng với xu hướng lãi suất hạ tại Mỹ và kỳ vọng chính sách sẽ rõ ràng hơn trong năm 2025 sau khi ông Donald Trump nhận chức tổng thống Mỹ, những điều này sẽ thúc đẩy doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh đầu tư chuyển đổi số.

Như tại FPT, ngày 1-11, hội đồng quản trị công ty này đã thông qua nghị quyết tăng vốn điều lệ cho Công ty TNHH FPT Smart Cloud từ mức 200 tỉ đồng lên 1.000 tỉ đồng. FPT Smart Cloud là công ty con của FPT – sở hữu 100%, đảm nhiệm mảng cung cấp AI và điện toán đám mây (Cloud Computing). Dù mới được thành lập từ tháng 8-2020, FPT Smart Cloud chính là đơn vị đã ra mắt FPT.AI – một trong những nền tảng AI đầu tiên tại Việt Nam.

Đối với nhóm viễn thông, nhu cầu thuê/đầu tư trạm kỳ vọng bùng nổ trong quí 4-2024 và năm 2025 trước xu hướng đẩy mạnh phủ sóng tần số mạng 4G và 5G sau khi thực hiện đóng mạng 2G và 3G. Còn với nhóm doanh nghiệp trong lĩnh vực hệ thống giao thông thông minh (ITS), các gói thầu thi công ITS cho năm cao tốc còn lại thuộc cụm dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 1 đang được đấu thầu sau khi Quốc hội thông qua việc cho phép thu phí trên các cao tốc mà Nhà nước đầu tư, kỳ vọng sẽ tạo nguồn việc lớn cho nhóm ITS trong năm 2025.

Về kết quả kinh doanh, nhóm doanh nghiệp công nghệ lại đang có sự phân hóa. Tập đoàn FPT trong quí 3-2024 lãi ròng gần 2.089 tỉ đồng, tăng hơn 20% so với cùng kỳ; FOX lãi 697 tỉ đồng, tăng gần 14%; FOC lãi 45,5 tỉ đồng, tăng hơn 34%; CMT lãi 14,5 tỉ đồng, tăng mạnh 83%; VTP lãi 106,9 tỉ đồng, tăng mạnh 90%; CTR lãi 146,3 tỉ đồng, tăng nhẹ 4,1%; ngược lại một số doanh nghiệp có lợi nhuận suy giảm như VGI, CMG, SBD.

Triêu Dương

Share
Bài viết bởi

Fatz Admin

Bình luận đã bị đóng.