(KTSG) – Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trải qua tuần giao dịch trước (từ ngày 13 đến 17-5-2024) tương đối tích cực. Chỉ số VN-Index ghi nhận diễn biến đi ngang tích lũy trong hai phiên đầu tuần, sau đó bứt phá và tăng điểm tốt trong ba…
(KTSG) – Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trải qua tuần giao dịch trước (từ ngày 13 đến 17-5-2024) tương đối tích cực. Chỉ số VN-Index ghi nhận diễn biến đi ngang tích lũy trong hai phiên đầu tuần, sau đó bứt phá và tăng điểm tốt trong ba phiên cuối tuần. Hầu hết các nhóm ngành đều ghi nhận đà hồi phục với sự lan tỏa khá tốt của dòng tiền.
Kết thúc tuần, VN-Index tăng tổng cộng 28 điểm, tương đương 2,28% so với tuần trước đó, lên mức 1.273 điểm. Đi cùng với đà tăng điểm, thanh khoản trên sàn HOSE cũng tăng nhẹ khi đạt trung bình 20.200 tỉ đồng/phiên.
Một trong những nhóm cổ phiếu có giao dịch ấn tượng trong tuần qua là nhóm chăn nuôi. Thời gian gần đây, giá heo hơi liên tục tăng “nóng” trên diện rộng, nhiều nơi đạt mức giá 67.000 đồng/ki lô gam, tương đương mức giá đỉnh vào đầu tháng 7-2023. Có ba nguyên nhân chính dẫn đến xu hướng tăng của giá heo.
Đầu tiên là do nguồn cung heo ở phía Bắc không còn nhiều. Thứ hai là mặt bằng giá heo ở ba vùng gần như bằng nhau nên lưu chuyển heo từ miền Trung/miền Nam ra miền Bắc khá yếu. Thứ ba là heo từ Thái Lan chưa được đưa về Việt Nam dù mức chênh lệch giá trong tháng 3 khá cao.
Nhờ hiệu ứng từ giá heo tăng, cổ phiếu các “đại gia” chăn nuôi trên sàn chứng khoán cũng “nổi sóng”. Phiên ngày 17-5, các cổ phiếu DBC, BAF, HAG đồng loạt tăng mạnh, trong đó mã BAF tăng kịch trần, mã HAG có thời điểm chạm trần trong khi mã DBC cũng tăng hơn 4%.
Như vậy, chỉ trong khoảng một tháng trở lại đây, thị giá của các cổ phiếu trên đều đã tăng từ 20-30%. DBC thậm chí đã leo lên mức cao nhất trong vòng 25 tháng và chỉ còn kém đôi chút so với đỉnh lịch sử đạt được đầu tháng 3-2022. Trong khi đó, BAF cũng đang ở đỉnh 21 tháng còn HAG đang ở mức cao nhất từ đầu tháng 2-2024.
Tuần qua khối ngoại tiếp tục có tuần bán ròng mạnh với tổng giá trị bán đạt 2.457 tỉ đồng. Tâm điểm bán ròng ghi nhận tại cổ phiếu bất động sản VHM với giá trị 767 tỉ đồng. Đây là tuần thứ hai liên tiếp cổ phiếu bất động sản này bị bán ròng mạnh nhất thị trường.
TTCK Mỹ tiếp tục khép lại một tuần giao dịch mạnh mẽ khi chỉ số Dow Jones tăng 1,2%; chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite lần lượt tăng 1,5% và 2,1% – đánh dấu chuỗi leo dốc dài nhất kể từ tháng 2-2024. Đà tăng trong tuần qua giúp ba chỉ số chứng khoán chính tại Mỹ tiến vào vùng tích cực trong quí 2 sau khi có sự khởi đầu quí đầy khó khăn. Lũy kế từ đầu năm đến nay, S&P 500 và Nasdaq Composite tăng hơn 11% trong khi Dow Jones tăng hơn 6%.
Về mặt tin tức, lạm phát hạ nhiệt nhẹ trong tháng 4 đã góp phần xoa dịu tâm lý nhà đầu tư lẫn người tiêu dùng Mỹ, dù vẫn còn cao hơn nhiều so với mục tiêu của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Cụ thể, theo báo cáo của Cục Dịch vụ lao động Mỹ trong ngày 15-5, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng 0,3% trong tháng 4, thấp hơn dự báo tăng 0,4% của các chuyên gia, còn nếu so với cùng kỳ thì CPI tăng 3,4%, khớp với dự báo.
Mức tăng giá chủ yếu đến từ chi phí nhà ở và năng lượng. Chi phí nhà ở – vốn chiếm tỷ trọng cao trong rổ CPI và là vấn đề khiến Fed “đau đầu” trong năm nay – tăng 0,4% so với tháng 3 và tăng 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, mức tăng của mặt hàng năng lượng lần lượt là 1,1% và 2,6%. Nhìn chung, mức lạm phát nêu trên khiến giới đầu tư tiếp tục kỳ vọng Fed sẽ sớm có động thái cắt giảm lãi suất. Theo công cụ dự báo của CME Group, hiện xác suất để Fed giảm lãi suất sau cuộc họp chính sách tháng 9 tới đã tăng lên mức 49%, thay cho mức 45% trong tháng trước.
Về xu hướng của VN-Index, sau chuỗi phiên hồi phục liên tiếp từ đáy, hiện chỉ số này đang tiến vào khu vực kháng cự mạnh từ 1.280-1.300 điểm. Đây là vùng nhiều khả năng sẽ có lực cung mạnh ra thị trường do lượng mua bị mắc kẹt trước đây khá lớn.
Mặc dù mức độ lan tỏa của dòng tiền tại hầu hết các nhóm ngành đang dần cải thiện nhưng sự thiếu vắng của một dòng cổ phiếu dẫn dắt tiêu biểu cũng như thanh khoản thị trường vẫn khá dè dặt cho thấy VN-Index sẽ cần thêm thời gian tích lũy trước khi có thể vượt vùng cản trên.
Trong bối cảnh đó, các vị thế ngắn hạn được khuyến nghị giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức trung bình thấp, tránh mua đuổi ở vùng giá cao nhằm bảo vệ vị thế khi chỉ số tiến vào khu vực tiềm ẩn sự “rung lắc”.
Kinh tế Sài Gòn Online