Doanh nghiệp nào tạo ấn tượng, bất ngờ về kết quả kinh doanh vẫn có thể được dòng tiền chú ý. Bên cạnh đó, việc mua tích lũy sẽ không làm cho thị trường tăng lên nhanh, thay vào đó sẽ là những nhịp tăng giảm đan xen. Tuần qua,…
Tuần qua, VN-Index có 3 phiên tăng, 2 phiên giảm, nhưng với một phiên giảm mạnh hơn 3% khiến thị trường tiếp tục có tuần giảm điểm thứ 4 liên tiếp. Thanh khoản bình quân đạt 14.670 tỷ đồng/phiên, giảm 21% so với tuần trước đó (hơn 18.600 tỷ/phiên).
Sau đợt điều chỉnh, nhà đầu tư đang thận trọng giải ngân? Liệu mùa công bố kết quả kinh doanh đang tới – vốn được nhận định có phần sáng sủa hơn có cải thiện được sức cầu trên thị trường?
Chúng tôi ghi nhận ý kiến của các chuyên gia:
Hai vấn đề quan trọng nhất
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Giám đốc Phân tích Khách hàng cá nhân Maybank Investment Bank (MSVN)
VN-Index giảm 2,2% trong tuần qua, mức giảm có phần ít đi so với mức giảm 2,8% của tuần trước. Về thanh khoản, trong bối cảnh thị trường đang rơi, thanh khoản giảm bớt, tôi nghiêng về hướng không hẳn đây là điều tiêu cực. Bởi khi thị trường đi xuống, thanh khoản không cao thậm chí giảm cho thấy áp lực bán chủ động không ở mức quá lớn, chủ yếu do bên mua thận trọng không tham gia nhiều.
Tuần qua vẫn là tuần mất điểm, là phiên giảm thứ 4 liên tiếp nhưng nhìn rộng ra mức độ giảm điểm tuần rồi có phần đỡ hơn.
Thị trường đang đứng trước mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III. Nhưng tôi cho rằng, vấn đề hiện tại không nằm ở kết quả kinh doanh, sự thận trọng của nhà đầu tư nằm ở câu chuyện về tỷ giá, động thái NHNN hút tiền qua tín phiếu… Những điều này khiến cho nhà đầu tư có sự lo ngại, liệu tỷ giá có căng thẳng, có đảo chiều chính sách…
Tôi nghĩ đó là những yếu tố quan trọng nhất. Nếu vẫn ở trong tình trạng lo lắng, kể cả kết quả kinh doanh có ra thì cũng khó có thay đổi xu hướng thị trường.
Ngược lại, nếu những vấn đề trên hạ nhiệt thì thị trường sẽ tốt lên. Lo lắng về tỷ giá bớt đi, kể cả kết quả kinh doanh không như kỳ vọng thì thị trường vẫn sẽ lên. Tôi nghĩ đặt trong bối cảnh này, kết quả kinh doanh không phải là yếu tố “đưa” thị trường đi lên lúc này.
Tuy nhiên, hoàn toàn có thể có tình trạng phân hóa. Nên nhớ đây là giai đoạn thanh khoản thấp, tiền đang lưỡng lự lựa chọn. Trong bối cảnh đó, tôi cho rằng, doanh nghiệp nào tạo ấn tượng, bất ngờ về kết quả kinh doanh vẫn có thể được dòng tiền chú ý. Tất nhiên, trong tình huống các vấn đề lớn ở trên vẫn căng thẳng thì kết quả kinh doanh quý III sẽ bị lu mờ đi khá nhiều.
Nói về quốc tế, yếu tố quan trọng nhất vẫn là chỉ số đồng đô la Mỹ (DXY) và lợi suất trái phiếu, đây là điều cần quan sát. Trong trường hợp USD mạnh lên thì cần dè chừng khi NHNN ở trong giai đoạn còn quá nhiều dư địa trong điều hành chính sách. Ngược lại, nếu đà chững của USD duy trì sẽ là tin tốt, giúp áp lực tỷ giá với VND giảm hơn.
Tóm lại, mục tiêu tăng trưởng GDP được Thủ tướng yêu cầu hướng theo kịch bản với tăng trưởng quý IV trên 10%. Điều này có nghĩa Chính phủ chọn quyết tâm kích thích tăng trưởng trở lại.
Tôi vẫn giữ quan điểm từ nay tới cuối năm, nếu tỷ giá được kiểm soát tốt, không tạo thêm lo lắng cho nhà đầu tư, đợt giảm điểm của VN-Index vừa rồi đã phản ánh đủ nỗi lo của thị trường.
Nếu như câu chuyện tỷ giá nguội lại là môi trường đủ tốt để chứng khoán có con sóng tăng cuối cùng trong năm. Nếu tình huống này xảy ra tôi nghiêng về hướng thị trường quay đầu tăng trở lại. Tuy nhiên mức điểm tích cực đạt được sẽ xoay quanh vùng đỉnh đã tạo ra từ đầu năm tới nay.
Còn nếu câu chuyện tỷ giá chưa xử lý được, tôi cho rằng thị trường sẽ giằng co loanh quanh khu vực hiện nay, không có nhiều cơ hội tăng cho thị trường.
Thanh khoản cạn kiệt , V N-I ndex sẽ tăng trở lại và bước vào sóng mới
Ông Hoàng Anh Tuấn, Chuyên viên tư vấn đầu tư KHCN cao cấp, CTCK MB (MBS)
Kết thúc tuần đầu tiên của tháng 10, VN-Index giảm 25,61 điểm (-2,22%), kèm theo đó là thanh khoản sụt giảm. Tôi cho rằng thị trường đang cố gắng tạo đáy ngắn hạn quanh ngưỡng 1.110 – 1.130 điểm.
Lực bán sụt giảm và liên tục có những phiên phục hồi. Khi thanh khoản cạn kiệt thì hiển nhiên VN-Index sẽ tăng trở lại và bước vào sóng mới. Tôi không cho rằng đây là sự thận trọng khi giải ngân mua cổ phiếu mà đây là sự ung dung gom dần cổ phiếu ở mỗi nhịp giảm mạnh của thị trường. Việc mua tích lũy này sẽ không làm cho thị trường tăng lên nhanh, thay vào đó sẽ là những nhịp tăng giảm đan xen.
Thị trường đang bước vào mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2023. Kỳ báo cáo này sẽ trải dài từ ngày 1/10/2023 đến ngày 20/10/2023 đối với các công ty bình thường. Còn đối với công ty mẹ, Tổng công ty Nhà nước chậm nhất là tới ngày 15/11/2023.
Các thông tin quý III đa phần sẽ tích cực do nền lợi nhuận quý III/2022 khá thấp. Vì vậy thị trường sẽ phản ánh tích cực hơn. Tuy nhiên, do kinh tế toàn cầu cũng như Việt Nam mới chỉ bước đầu phục hồi, vì vậy kết quả kinh doanh chưa thể tốt đồng đều ở tất cả các doanh nghiệp. Giá cổ phiếu cũng như thanh khoản sẽ tăng nếu như doanh nghiệp có thông tin tốt và ngược lại.
Tôi cho rằng các yếu tố vĩ mô trong và ngoài nước đều đang tác động khá mạnh mẽ tới thị trường chứng khoán. Về yếu tố ngoài nước như tỷ giá VND/USD đang tăng liên tục trong các tuần vừa rồi. Điều này tạo áp lực lên tâm lý nhà đầu tư do nhà đầu tư e ngại sẽ lặp lại lịch sử vào tháng 11/2022. Việc tỷ giá tăng cũng gây nên hiện tượng bán ròng ở nhà đầu tư nước ngoài khi họ cần thu USD về.
Về các yếu tố trong nước, tôi chưa thấy có gì ảnh hưởng lớn đến nội tại nền kinh tế. Việc NHNN đã rút ròng 110.000 tỷ đồng khỏi hệ thống ngân hàng và đẩy lãi suất liên ngân hàng tăng nhẹ, điều này chỉ ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư, khiến họ e ngại giải ngân vào cổ phiếu. Tuy nhiên, để biết được NHNN có đảo chiều chính sách hay không thì chúng ta phải đợi cuối tháng 10/2023, khi NHNN bơm lại 110.000 tỷ đồng đã hút ra trở lại nền kinh tế. Nếu lãi suất tiếp tục tăng thì đây sẽ là mối e ngại thực sự.
Về kịch bản VN-Index trong ngắn hạn, tôi cho rằng sẽ dao động trong khoảng 1.100 – 1.200 điểm. Trong thời gian này, cổ phiếu nào có kết quả kinh doanh quý III tốt thì sẽ tăng lên. Còn doanh nghiệp nào có kết quả kinh doanh xấu thì sẽ tạo đáy mới.
Thị Trường Tài Chính Tiền Tệ