(KTSG) – Trong khi đà tăng của nhóm cổ phiếu công nghệ đang chững lại, nhóm cổ phiếu doanh nghiệp nhà nước lại có dấu hiệu hút tiền mạnh mẽ trong tuần trước. Nhiều công ty cổ phần có vốn nhà nước chiếm tỷ lệ vượt trội, dù kết quả…
(KTSG) – Trong khi đà tăng của nhóm cổ phiếu công nghệ đang chững lại, nhóm cổ phiếu doanh nghiệp nhà nước lại có dấu hiệu hút tiền mạnh mẽ trong tuần trước. Nhiều công ty cổ phần có vốn nhà nước chiếm tỷ lệ vượt trội, dù kết quả kinh doanh không mấy tích cực thời gian qua, nhưng bất ngờ lại nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư.
Từ cổ phiếu công nghệ tăng phi mã
Tăng hơn 60% tính từ đầu năm đến phiên giao dịch cuối tuần trước (21-6-2024), đặc biệt là tăng hơn 40% chỉ trong vòng hai tháng qua sau khi công bố thông tin hợp tác toàn diện với Nvidia phát triển hệ sinh thái giải pháp trí tuệ nhân tạo (AI), cổ phiếu FPT của Công ty cổ phần (CTCP) FPT đã mang lại cho không ít nhà đầu tư mức lợi nhuận khổng lồ chỉ trong thời gian ngắn. Diễn biến đi lên mạnh mẽ của cổ phiếu FPT minh họa cho bức tranh chung cổ phiếu công nghệ trong thời gian qua.
Trong gần nửa đầu năm nay, chỉ số nhóm cổ phiếu công nghệ, gồm cả nhóm doanh nghiệp kinh doanh phần cứng và phần mềm, đã bứt phá hơn 150%, trở thành một trong những đầu tàu dẫn dắt thị trường chung tăng trưởng. Sau tám tháng tăng liên tiếp, chỉ số này cũng đang ở mức cao kỷ lục từ trước đến nay, đặc biệt diễn biến tăng vọt diễn ra từ tháng 4 đến nay với mức tăng đến 85%.
Ngoài FPT, một số cổ phiếu công nghệ có mức tăng rất mạnh như cổ phiếu của CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Mobifone (UpCom: MFS) tăng gần 200%; CTCP Viễn thông FPT (UpCom: FOX) tăng gấp đôi; Tổng CTCP Đầu tư Quốc tế Viettel (UpCom: VGI) tăng hơn 130%; CTCP Công nghệ Tiên Phong (HOSE: ITD) tăng 110%; CTCP Tập đoàn Công nghệ CMC (HOSE: CMG) và CTCP Viễn thông – Tin học Bưu điện (HOSE: ICT) đều tăng xấp xỉ 75%; CTCP Công nghệ – Viễn thông Elcom (HOSE: ELC) tăng 50%…
Mức tăng trưởng quá nhanh và sự hưng phấn của thị trường đã đẩy định giá một số cổ phiếu trong nhóm công nghệ lên mức cao, do đó sự điều chỉnh là tất yếu, mà phiên giảm mạnh đầu tuần này, trong đó không ít cổ phiếu công nghệ lao dốc sau chuỗi tăng mạnh trước đó là minh chứng cụ thể.
Sự tăng trưởng mạnh mẽ của nhóm cổ phiếu công nghệ trên thị trường thế giới, mà dẫn đầu là Tập đoàn công nghệ Nvidia (Nasdaq: NVDA), được xem là chất xúc tác tạo sóng cho cổ phiếu công nghệ trong nước, khi các nhà đầu tư tin rằng hiệu ứng lan tỏa tất yếu sẽ diễn ra.
Trước cơn sốt AI, cổ phiếu của Nvidia đã tăng hơn 170% trong năm nay và khoảng 1.100% so với mức thấp nhất hồi tháng 10-2022, đưa vốn hóa công ty này lần lượt vượt qua Apple và Microsoft để dẫn đầu thế giới với giá trị hơn 3.300 tỉ đô la Mỹ.
Theo giới phân tích, trước xu hướng chuyển đổi số, phát triển AI, dữ liệu lớn (Big Data) và điện toán đám mây (Cloud Computing) ngày càng trở nên phổ biến, các doanh nghiệp công nghệ trong nước được kỳ vọng hưởng lợi lớn, từ khâu sản xuất, gia công, lắp ráp và thử nghiệm nếu Việt Nam thu hút các nhóm ngành công nghệ cao như chip, chất bán dẫn, năng lượng tái tạo trong dài hạn. Ngoài ra, các doanh nghiệp công nghệ trong nước như FPT cũng đang mở rộng ra thị trường Nhật Bản, Mỹ và châu Âu.
Chính phủ gần đây đặt mục tiêu Việt Nam sẽ trở thành trung tâm kỹ thuật số quan trọng của khu vực, đẩy mạnh chính sách phát triển các trung tâm dữ liệu (data center), tạo cơ sở hạ tầng cho hoạt động viễn thông. Theo đó, năm 2024-2025 được kỳ vọng là giai đoạn triển khai rộng khắp mạng 5G ở các tỉnh, thành. Bên cạnh đó, thói quen của người tiêu dùng đang thay đổi nhanh chóng, phụ thuộc vào các sản phẩm công nghệ thông tin, càng thúc đẩy các doanh nghiệp, tổ chức phải mạnh tay đầu tư công nghệ thông tin để cạnh tranh và thích nghi với thời cuộc.
Dù vậy, mức tăng trưởng quá nhanh và sự hưng phấn của thị trường đã đẩy định giá một số cổ phiếu trong nhóm công nghệ lên mức cao, do đó sự điều chỉnh là tất yếu, mà phiên giảm mạnh đầu tuần này, trong đó không ít cổ phiếu công nghệ lao dốc sau chuỗi tăng mạnh trước đó là minh chứng cụ thể. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng triển vọng kinh doanh của nhóm cổ phiếu công nghệ sẽ vẫn tăng trưởng ổn định trong dài hạn, vì vậy có lẽ không ít nhà đầu tư vẫn đang chờ đợi cơ hội mua vào từ các phiên bán tháo cổ phiếu công nghệ.
Đến sóng cổ phiếu doanh nghiệp nhà nước
Trong khi đà tăng của nhóm cổ phiếu công nghệ đang chững lại, nhóm cổ phiếu doanh nghiệp nhà nước lại có dấu hiệu hút tiền mạnh mẽ trong tuần trước. Nhiều công ty cổ phần có vốn nhà nước chiếm tỷ lệ vượt trội, dù kết quả kinh doanh không mấy tích cực thời gian qua, nhưng bất ngờ lại nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Đặc biệt là các cổ phiếu đang có kế hoạch thoái vốn từ Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), tập trung chủ yếu ở sàn UpCom.
Để đánh giá mức độ cải thiện hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước thì cần phải có thêm thời gian, do đó việc các nhà đầu tư phản ứng thái quá với cổ phiếu nhóm này trong những phiên vừa qua có lẽ chỉ mang tính nhất thời. Riêng với những doanh nghiệp nằm trong kế hoạch thoái vốn của SCIC năm nay, các đợt sóng tăng giá cổ phiếu là vẫn được kỳ vọng.
Như cổ phiếu của CTCP Nhựa Việt Nam (UpCom: VNP) tăng hơn 20% trong hai phiên giao dịch cuối tuần trước; Tổng CTCP Điện tử và Tin học Việt Nam (UpCom: VEC) tăng 28%; Tổng CTCP Vật liệu Xây dựng số 1 (UpCom: FIC) tăng 25%; Tổng CTCP Phát triển khu công nghiệp (UpCom: SNZ) tăng 14%; Tổng CTCP Phát điện 3 (HOSE: PGV) và CTCP Xây lắp và Vật liệu xây dựng Đồng Tháp (UpCom: BDT) tăng 11%. Đặc biệt, cổ phiếu của Tổng CTCP Sông Đà (UpCom: SJG) có bốn phiên tăng trần liên tiếp trong ngày 19, 20, 21 và 24-6 với tổng mức tăng gần 60%.
Ngoài khả năng về các đợt thoái vốn nhà nước sắp diễn ra, nhà đầu tư cũng kỳ vọng kết quả kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sẽ khởi sắc hơn trong giai đoạn tới. Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hôm 15-6, bên cạnh những điểm tích cực, người đứng đầu Chính phủ cũng cho rằng việc khai thác nguồn vốn, tài sản của một số DNNN chưa tương xứng với những gì được giao; hoạt động sản xuất, kinh doanh của DNNN nói chung chịu nhiều tác động bất lợi của bối cảnh khách quan, tình hình thế giới, có doanh nghiệp thua lỗ, một số tập đoàn, tổng công ty không đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Còn tại Nghị quyết 93/NQ-CP (ngày 18-6-2024) về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, Thủ tướng yêu cầu SCIC chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tiếp tục đổi mới quản trị, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, hiệu quả sử dụng nguồn vốn nhà nước cho đầu tư phát triển. Chính vì vậy, việc tái cấu trúc, quản lý nguồn lực hiệu quả, nâng cao kết quả hoạt động được xem là mục tiêu quan trọng của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong thời gian tới.
Dù vậy, để đánh giá mức độ cải thiện hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước có lẽ cần phải có thêm thời gian, do đó việc các nhà đầu tư phản ứng thái quá với cổ phiếu nhóm này trong những phiên vừa qua có lẽ chỉ mang tính nhất thời. Riêng với những doanh nghiệp nằm trong kế hoạch thoái vốn của SCIC năm nay, các đợt sóng tăng giá cổ phiếu là vẫn được kỳ vọng.
Sau khi công bố danh sách 27 doanh nghiệp sẽ thoái vốn trong đợt 1 của năm 2024, gần đây SCIC tiếp tục công bố danh sách bán vốn đợt 2 gồm 31 doanh nghiệp, trong đó có những doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn như CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (HNX: NTP); CTCP Cơ khí và khoáng sản Hà Giang (HNX: HGM); CTCP FPT (HOSE: FPT); Tổng công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam (UpCom: VGV); CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang (UpCom: AGF); CTCP Vật liệu Xây dựng Bến Tre (UpCom: VXB).