Tuần qua, các chỉ số chứng khoán trong nước điều chỉnh với xu hướng bán áp đảo ở đa số nhóm ngành, tiêu biểu là bất động sản. Bước sang tuần mới, dự báo của giới phân tích có phần thận trọng, tuy nhiên rủi ro giảm mạnh đã vơi…
Nhà đầu tư giữ tâm lý thận trọng của sau khi tỷ giá USD vượt lên 24.000 đồng. Lực bán mạnh ở các cổ phiếu bất động sản và lan sang toàn thị trường.
Mặc dù các phiên giữa và cuối tuần xuất hiện nhịp hồi phục nhẹ, tuy nhiên xu hướng điều chỉnh vẫn là chủ đạo. VN-Index kết tuần tại mức 1.227 điểm, giảm 14,1 điểm, tương đương 1,1% so với cuối tuần trước. VIC (-9,3%), VHM (-6,5%) và HPG (-4,1%) là các cổ phiếu chủ chốt kéo giảm thị trường.
Ngược lại, dòng dầu khí kéo dài đà tăng nhờ giá dầu tiếp tục tăng cao. Cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán giúp nâng đỡ thị trường với thông tin lãi suất huy động tiếp tục giảm cũng như kỳ vọng của nhà đầu tư vào hệ thống giao dịch KRX. GAS (+7,2%), VPB (+3,4%) và SSI (+5,2%) chống đỡ thị trường.
Áp lực bán tuần này tăng mạnh khiến giao dịch bình quân của 3 sàn đạt giá trị 30.306 tỷ đồng (tăng 9,5% so với tuần trước). Khối ngoại bán ròng mạnh 2.154 tỷ đồng trên HoSE
Chuyên gia của Công ty chứng khoán VNDirect nhận định, VN-Index đang giằng co trong biên độ hẹp với vùng hỗ trợ 1.205-1.215 điểm và vùng kháng cự tại đỉnh cũ 1.240-1.250 điểm. Tuần tới, thị trường sẽ đón nhận thông quan trọng liên quan tới cuộc họp lãi suất của Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed), và kỳ vọng Fed sẽ tạm dừng tăng lãi suất trong cuộc họp tới. Thông tin quan trọng hơn sẽ đến từ biên bản cuộc họp với những đánh giá của các quan chức Fed về xu hướng lạm phát, việc làm, tăng trưởng và định hướng lãi suất trong giai đoạn tới.
“Nhìn chung, chúng tôi cho rằng cuộc họp sắp tới khó gây ra sự bất ngờ và biến động lớn cho thị trường. Bên cạnh cuộc họp của Fed, diễn biến tỷ giá cũng là điều mà nhà đầu tư đặc biệt quan tâm. Theo đó, áp lực tỷ giá gia tăng trong những tuần gần đây và động thái liên tục bán ròng của khối ngoại đã làm giảm sự hưng phấn của thị trường”, chuyên gia VNDirect nhận định.
Ở chiều tích cực hơn, theo chuyên gia, dòng tiền trong nước sẽ tiếp tục đổ vào thị trường chứng khoán trong bối cảnh mặt bằng lãi suất hạ nhiệt nhanh. Dòng tiền chực chờ ngoài thị trường sẽ giúp thị trường khó giảm sâu. Do vậy, trong bối cảnh thị trường đang giằng co tích lũy, nhà đầu tư có thể áp dụng chiến thuật giao dịch linh hoạt hơn ở thời điểm hiện tại. Theo đó, nhà đầu tư có thể xem xét gia tăng tỷ trọng cổ phiếu khi thị trường về vùng hỗ trợ 1.205 – 1.215 điểm, và hạ tỷ trọng khi thị trường tiến gần tới vùng kháng cự 1.240 – 1.250 điểm.
Nhóm phân tích của Chứng khoán DSC kỳ vọng, VN-Index giữ được trên vùng hỗ trợ 1.220 điểm trong tuần sau. Rủi ro giảm điểm mạnh đã vơi đi phần nào khi dòng tiền quay trở lại nhóm vốn hóa lớn ngân hàng và bất động sản. Tác nhân gây điều chỉnh lớn là nhóm cổ phiếu Vingroup tiệm cận vùng quá bán. Bên cạnh đó, diễn biến chứng khoán thế giới tương đối tích cực; khối ngoại giảm bớt áp lực bán ròng.
Chuyên gia tại Chứng khoán KB Việt Nam nhận định, xu hướng tăng ngắn hạn của VN-Index sẽ tiếp tục được bảo lưu. “Sự xuất hiện của 3 phiên phân phối gần đây cho thấy rủi ro mở rộng thêm nhịp điều chỉnh của VN-Index với 2 vùng hỗ trợ đáng lưu ý, gần là 121x và sâu hơn quanh 1190. Mặc dù vậy, khi xu hướng tăng ngắn hạn vẫn đang được bảo lưu, VN-Index được kỳ vọng sẽ tìm lại động lực tăng điểm tại các điểm đỡ này.
Nhà đầu tư tiếp tục thực hiện giao dịch quay vòng nhẹ tại vùng hỗ trợ gần và có thể trải lệnh tăng thêm 1 phần tỷ trọng trong trường hợp chỉ số rơi xuống vùng hỗ trợ sâu hơn”, chuyên gia KBSV phân tích.
Tiền Phong