“Nếu mua 100 cổ phiếu và bị lỗ, bạn có thể tự nói với trái tim rằng mình đã học được một trải nghiệm. Nhưng chúng ta đều biết trên thị trường chứng khoán thì trải nghiệm lỗ bao nhiêu cũng không đủ”, ông Phạm Minh Tiến – Phó Giám…
“Vấn đề của người Việt Nam là chỉ quan niệm đầu tư bao gồm đầu tư đất, vàng, chứng khoán. Khi tư duy như vậy mọi thứ thật khó khăn. Ta không đủ tiền để mua đất quận 1, chưa đủ tiền mua 100 cổ phiếu Vietcombank, không đủ tiền mua một cây vàng và cũng không muốn xếp hàng nữa”, ông Phạm Minh Tiến – Phó Giám đốc Phát triển và Marketing tại Ngân hàng số Timo chia sẻ trong series podcast Extra Money của Rising Vietnam.
Theo vị sếp ngân hàng này, nếu nhìn như vậy thì thấy trên đời có rất ít thứ để đầu tư. Ông cho rằng con đường an toàn hơn nhiều là đầu tư vào năng lực bản thân, để từ đó sinh ra những công việc kinh doanh và dòng tiền.
“Hầu hết báo cáo cho thấy số người chiến thắng trên thị trường chứng khoán chỉ chiếm vài phần trăm. Khi bước vào một cuộc chơi chỉ có vài phần trăm người thắng nghĩa là bạn có tới hơn 90% thua.
Còn giả sử tôi mài giũa khả năng của bản thân, tạo mối quan hệ với bạn, có nguồn lực để làm podcast thì tôi sẽ lập kênh và phát triển nó. May mắn sẽ có doanh thu từ booking, thất bại thì không có, nhưng mình có thêm kỹ năng mới đưa vào CV để deal lương”, ông Tiến nói với người dẫn podcast.
“Như vậy, đầu tư vào bản thân để luyện kỹ năng, dùng kỹ năng đấy làm một công việc nào đó, thì nếu thua ta vẫn có kỹ năng đấy để làm chuyện khác. Còn nếu mua 100 cổ phiếu và bị lỗ, bạn có thể tự nói với trái tim rằng mình đã học được một trải nghiệm. Nhưng chúng ta đều biết trên thị trường chứng khoán thì trải nghiệm lỗ bao nhiêu cũng không đủ”, ông Tiến nêu quan điểm.
Khi được hỏi rằng có góc nhìn tài chính nào của bản thân trong quá khứ muốn thay đổi hay không, ông Tiến kể hai câu chuyện. Thứ nhất, trước đây ông cũng đổ tiền vào đầu tư tài chính, trong khi từ lần thất bại đầu tiên ông đã nhận ra rõ rằng bản thân không có những tố chất, tính cách phù hợp với chuyện này.
“Vào thời điểm đó, chúng ta thường được bảo rằng nếu không biết đầu tư thì đến lớp học của thầy cô nào đó, đời bạn sẽ thay đổi. Câu chuyện đó màu hồng và đẹp. Nhưng đáng tiếc số liệu thống kê chỉ ra nó không đúng. Sai lầm của tôi là cố làm một chuyện mà bản thân tôi không có tố chất.
Sai lầm thứ hai của tôi là từng rất căng thẳng về chuyện phải sớm đạt cột mốc tài chính. Sau khi đạt được tôi mới nhận ra là không sướng như mình tưởng”, ông Tiến chia sẻ.
Ông cho biết đặc thù công việc của mình là phải nói chuyện với nhiều người, từ nghèo đến giàu, trong đó có những người đã tự do tài chính.
“Tôi từng nói chuyện với một người cũng bảo rằng sau khi tự do tài chính chỉ sướng được mấy hôm rồi cũng bình thường. Khi được hỏi lý do, người này cho biết điều anh ấy khao khát nhất là sự thừa nhận của gia đình, nhưng tự do tài chính rồi vẫn không có điều đó.
Việc được ngủ đến 11h mỗi ngày, không phải đi làm cũng chỉ vui được tháng đầu tiên, tháng sau đó phát bệnh vì ngủ nhiều, rồi ở nhà mãi cũng chán. Đến một ngày, chi phí cuộc sống tăng đủ nhiều để đuổi kịp tự do tài chính.
Về cá nhân mình, tôi đã chuyển từ tư duy tự do tài chính sang làm thế nào để khó đẩy được tôi vào sự nghèo khó. Ví dụ nếu bây giờ tôi lấy toàn bộ tài sản của bạn và sa thải bạn, liệu bạn có quay lại được không là câu hỏi thú vị. Câu hỏi thứ hai là mất bao lâu để quay lại. Tôi nghĩ đấy là câu hỏi về sự tự do chân chính”, sếp Timo nêu góc nhìn.
An Ninh Tiền Tệ