Nút thắt vốn đối ứng cho cao tốc Bến Lức – Long Thành đã được gỡ

(KTSG Online) – Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) được giao trách nhiệm tự cân đối, bố trí vốn đối ứng còn lại để tiếp tục triển khai, sớm hoàn thành dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành….

Fatz Admin lúc 2023-03-31

(KTSG Online) – Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) được giao trách nhiệm tự cân đối, bố trí vốn đối ứng còn lại để tiếp tục triển khai, sớm hoàn thành dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành.

Một cây cầu trên tuyến cao tốc Bến Lức-Long Thành đang thi công dở dang thì ngừng từ năm 2019. Ảnh: Thanh Xuân

TTXVN đưa tin, ngày 30-3, Chính phủ ban hành Nghị quyết về việc bố trí vốn đối ứng của dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành. Theo đó, Chính phủ quyết nghị thống nhất chủ trương Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) có trách nhiệm tự cân đối, bố trí vốn đối ứng còn lại để tiếp tục triển khai, sớm hoàn thành dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành như đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Nghị quyết của Chính phủ cũng nêu rõ, các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông Vận tải, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ về tính chính xác của các thông tin, số liệu báo cáo, đề xuất. Trong đó, có số liệu về số vốn đối ứng đã bố trí, giải ngân và số vốn đối ứng cần tiếp tục bố trí để hoàn thành dự án.

QUẢNG CÁO

Chính phủ cũng yêu cầu VEC cân đối, bố trí vốn đối ứng và triển khai dự án bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật, lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan, tránh thất thoát, lãng phí nguồn vốn đầu tư, bảo đảm tiến độ, chất lượng và hiệu quả, không để phát sinh tranh chấp, khiếu kiện phức tạp; chịu trách nhiệm đảm bảo nghĩa vụ trả nợ với Chính phủ và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định.

Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục dự án và Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt đầu tư tháng 10-2010, hoàn thành trong năm 2023.

Tổng chiều dài dự án là 57,8 km, đi qua các tỉnh Long An (2,7 km), TPHCM (26,4 km) và Đồng Nai (28,7 km). Tổng mức đầu tư 31.320 tỉ đồng, sử dụng 3 nguồn vốn, gồm vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) là 13.654,6 tỉ đồng, vốn vay Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) là 11.975,7 tỉ đồng và vốn đối ứng trong nước là 5.689,7 tỉ đồng.

Dự án có 11 gói thầu xây lắp, gồm đoạn 1 phía Tây (gói thầu A1÷A4) sử dụng vốn vay ADB, đoạn 2 (gói thầu J1÷J3) sử dụng vốn vay JICA và đoạn 3 phía Đông (gói thầu A5÷A7) sử dụng vốn vay ADB.

Trước đó, trong quá trình thực hiện, do gặp một số vướng mắc về cơ chế với các nguồn vốn. Trong đó, nguồn vốn đối ứng còn có ý kiến khác nhau về trách nhiệm bố trí nên từ năm 2019 đến nay dự án chưa được giao vốn đối ứng.

Do dự án dừng thi công trong thời gian dài từ năm 2019 đến nay nên một số nhà thầu đã đề nghị chấm dứt hợp đồng. Vì vậy, VEC kiến nghị cấp thẩm quyền cho sử dụng số tiền 758 tỉ đồng từ nguồn thu phí các dự án đường cao tốc do VEC quản lý đang tạm thời nhàn rỗi khi VEC chưa đến kỳ trả nợ vay làm đường cao tốc cho nhà nước, để làm vốn đối ứng cho dự án.

Theo TTXVN, liên quan đến tiến độ dự án nay, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho hay, bộ đang chỉ đạo chủ đầu tư lựa chọn nhà thầu và triển khai thi công trở lại, phấn đấu hoàn thành các gói thầu phía Tây (bao gồm các gói thầu A1 và A2-1 nằm trên địa phận tỉnh Long An) trong quí 1-2024.

N.Tân

Kinh tế Sài Gòn Online

Share
Bài viết bởi

Fatz Admin

Bình luận đã bị đóng.