‘Nín thở’ chờ Fed!

(KTSG) – Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trải qua tuần giao dịch trước tương đối giằng co. Kết thúc tuần, VN-Index giảm tổng cộng 7,86 điểm (tương đương 0,75%) xuống 1.045 điểm. Đà giảm điểm tiếp tục kéo dài sang phiên đầu tuần này (20-3-2023) khi chỉ số…

Fatz Admin lúc 2023-03-23

(KTSG) – Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trải qua tuần giao dịch trước tương đối giằng co. Kết thúc tuần, VN-Index giảm tổng cộng 7,86 điểm (tương đương 0,75%) xuống 1.045 điểm. Đà giảm điểm tiếp tục kéo dài sang phiên đầu tuần này (20-3-2023) khi chỉ số VN-Index mất thêm 2% giá trị, lùi về mốc 1.023 điểm.

Đáng chú ý trong diễn biến thị trường tuần trước là hoạt động cơ cấu danh mục kỳ quí 1 của các quỹ ETF tham chiếu theo các bộ chỉ số: FTSE Vietnam Index (FTSE ETF), FTSE Vietnam 30 Index (Fubon ETF), MarketVector Vietnam Local Index (VNM ETF). Đặc biệt, với việc VNM ETF đổi chỉ số tham chiếu và tăng tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam lên 100%, lực giải ngân của khối ngoại đã tăng rõ rệt. Theo thống kê, khối ngoại đã mua ròng 2.318 tỉ đồng sau năm phiên giao dịch.

Trên thế giới, TTCK toàn cầu trải qua một tuần đầy biến động khi thông tin về sự sụp đổ của một vài ngân hàng phủ kín các phương tiện truyền thông. Tại Mỹ, sau vụ sụp đổ của Ngân hàng SBV hồi đầu tuần thì đến cuối tuần, cổ phiếu của Ngân hàng First Republic cũng đặt trong tình trạng báo động khi “bốc hơi” 33% giá trị, chốt tuần với mức giảm gần 72%. Phiên giảm này đảo ngược sự phục hồi trong phiên trước đó, khi một nhóm 11 ngân hàng tuyên bố sẽ giúp First Republic bằng cách gửi 30 tỉ đô la Mỹ vào ngân hàng này để bày tỏ sự tin tưởng vào hệ thống.

QUẢNG CÁO

Tuy vậy, vụ việc gây “rúng động” nhất trong tuần qua lại thuộc về Credit Suisse – ngân hàng Thụy Sỹ có tuổi đời 167 năm đã phải chấp nhận lời đề nghị mua lại trị giá 3,2 tỉ đô la từ ngân hàng đồng hương là UBS. Theo đó, các cổ đông của Credit Suisse sẽ nhận được cổ phần tại UBS với tỷ lệ 22,48 cổ phiếu Credit Suisse đổi được một cổ phiếu UBS. Đóng cửa phiên ngày 17-3, giá trị vốn hóa của Credit Suisse vào khoảng 7,4 tỉ franc, giảm mạnh so với mức 20 tỉ franc của một năm trước và hơn 100 tỉ franc ở thời kỳ đỉnh cao năm 2007. Đặc biệt, thương vụ được chốt chỉ trong vài ngày trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn một cuộc khủng hoảng tài chính trên diện rộng. Chính phủ Thụy Sỹ cũng tham gia hậu thuẫn với cam kết sẽ chi 9 tỉ franc (tương đương 9,7 tỉ đô la) để bù đắp cho UBS, đồng thời miễn trừ yêu cầu thương vụ cần phải được các cổ đông thông qua.

Cuộc khủng hoảng ngân hàng diễn ra vào đúng thời điểm nhà đầu tư trên toàn cầu đang chờ đợi cuộc họp chính sách tiền tệ diễn ra trong tuần này của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Câu hỏi đặt ra lúc này là liệu Fed có tiến hành tăng lãi suất với bước nhảy 0,25 điểm phần trăm hay không giữa lúc ngành ngân hàng Mỹ đang gặp những khó khăn nhất định. Theo dự báo của CME Group, xác suất để Fed nâng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp lần này đang là 53%, giảm mạnh so với trước khi diễn ra một vài vụ sụp đổ ngân hàng gần đây.

Trong khi đó, về tình hình vĩ mô trong nước, trong một động thái khá bất ngờ trong tuần trước, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Quyết định 313/QĐ-NHNN ngày 14-3-2023, theo đó giảm một số loại lãi suất điều hành như: lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4,5%/năm xuống 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng giảm từ 7%/năm xuống 6%/năm. Cùng với việc lãi suất điều hành được điều chỉnh giảm, phiên giao dịch ngày 15-3 cũng chứng kiến diễn biến đáng chú ý trên thị trường mở khi NHNN đã quay trở lại chào thầu OMO kỳ hạn 28 ngày với lãi suất 5,5%/năm. Hoạt động này tiếp tục được NHNN duy trì trong phiên 16-3. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 11-2022, NHNN sử dụng kỳ hạn 28 ngày cho các hợp đồng cho vay cầm cố giấy tờ có giá. Đi cùng với việc bơm thanh khoản dài hạn hơn, NHNN cũng tiếp tục dừng phát hành tín phiếu hút thanh khoản. Trong khi, có hàng chục ngàn tỉ đồng tín phiếu phát hành trước đó đáo hạn. Theo giới phân tích, việc giảm lãi suất điều hành đánh dấu bước thay đổi chính sách tiền tệ, từ thận trọng sang linh hoạt, nới lỏng một phần. Việc giảm lãi suất sẽ hỗ trợ các tổ chức tín dụng trong việc tiếp cận vốn từ NHNN qua các công cụ như cho vay tái chiết khấu, cho vay liên ngân hàng; qua đó, giúp các tổ chức tín dụng có điều kiện giảm lãi suất cho vay.

Về xu hướng thị trường, sau phiên giảm mạnh đầu tuần này, VN-Index nhiều khả năng sẽ sớm kiểm định lại ngưỡng hỗ trợ tâm lý xung quanh 1.000 điểm. Hiện các nhà đầu tư đang “nín thở” chờ thông tin từ cuộc họp của Fed. Nếu không có bất ngờ quá lớn xảy ra, thị trường sẽ có cơ hội dần ổn định trở lại. Tuy vậy, rõ ràng trong ngắn hạn, rủi ro đang có phần lấn át cơ hội. Theo đó, việc mở vị thế mua mới sẽ cần sự cẩn trọng và suy xét kỹ lưỡng.

Bình An

Kinh tế Sài Gòn Online

Share
Bài viết bởi

Fatz Admin

Bình luận đã bị đóng.