Quỹ TCBF của Techcom Capital đã có liên tiếp 15 tháng bị rút ròng trong khi số nhà đầu tư tham gia cũng chưa cho thấy xu hướng hồi phục. Kể từ sau làn sóng bán tháo cuối năm 2022, quỹ mở nội địa đầu tư trái phiếu lớn nhất…
Kể từ sau làn sóng bán tháo cuối năm 2022, quỹ mở nội địa đầu tư trái phiếu lớn nhất Việt Nam – TCBF (Quỹ Đầu tư trái phiếu Techcom) vẫn liên tục bị rút tiền.
Theo thống kê mới nhất, giá trị tài sản ròng của TCBF đã giảm 505,74 tỷ đồng trong tháng 12/2023 do phải mua lại chứng chỉ quỹ. Qua đó, đã có 15 tháng liên tiếp, TCBF ghi nhận việc bị rút tiền với tổng giá trị ròng là -17,08 nghìn tỷ đồng.
Giá trị tài sản ròng của TCBF cuối tháng 12/2023 hiện còn hơn 2.500 tỷ đồng, tương đương đã giảm hơn 90% so với giai đoạn đỉnh điểm giữa năm 2021.
Tỷ trọng trái phiếu trong danh mục của TCBF chiếm hơn 75% trong đó 68% là trái phiếu niêm yết và hơn 7% trái phiếu chưa niêm yết.
Khoản đầu tư lớn nhất đang là trái phiếu niêm yết NVL122001 với tỷ trọng chiếm hơn 20% tổng tài sản. Tuy nhiên, với thị giá 51.455 đồng/trái phiếu, đây cũng là trái phiếu có mức chiết khấu gần 50% so với giá phát hành.
Trong khi đó, số lượng nhà đầu tư (bao gồm cả ký danh) của TCBF cũng tiếp tục suy giảm còn 21.810 nhà đầu tư, tương đương chưa đến 50% số lượng nhà đầu tư của tháng 9/2022.
Điều này cho thấy, niềm tin của nhà đầu tư cá nhân với thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa khôi phục trở lại. Thông qua các quỹ mở, nhà đầu tư cá nhân có thể sở hữu cả trái phiếu niêm yết và trái phiếu chưa niêm yết nhờ mua vào chứng chỉ quỹ. Trong khi đó, đối tượng của trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là những nhà đầu tư chuyên nghiệp có năng lực tài chính và trình độ chuyên môn về chứng khoán.
Nếu không có sự cải thiện sớm trong thời gian tới, thị trường trái phiếu sẽ bỏ lỡ một nguồn vốn đầu tư nhiều tiềm năng.
Thị Trường Tài Chính Tiền Tệ