Sau đại dịch Covid, làn sóng ‘làm giàu từ chứng khoán’ đã cuốn tôi – một nhân viên văn phòng – vào vòng xoáy của những đêm mất ăn mất ngủ, chỉ để mang về nhiều bài học quý giá về cuộc sống. Không thể phủ nhận sức hấp dẫn…
Không thể phủ nhận sức hấp dẫn khủng khiếp đến mức gây nghiện của thị trường chứng khoán. Tiềm năng sinh lời nhanh chóng, cảm giác hồi hộp khi theo dõi biến động thị trường, và giấc mộng tự chủ về tài chính – tất cả tạo nên một “vòng xoay may rủi” mà ít người có thể cưỡng lại.
Là một nhân viên văn phòng điển hình, tôi đã lao đầu vào thế giới “bảng điện xanh đỏ”, khao khát thoát khỏi guồng quay công việc 8 tiếng và làm chủ thời gian của chính mình. Hành trình ấy mang lại vô vàn bài học, vừa thú vị vừa khắc nghiệt, giúp tôi hình thành nên phong cách thận trọng và góc nhìn đa chiều, không chỉ ở chứng khoán mà còn trong cuộc sống.
Hành trình của tôi bắt đầu với một sai lầm kinh điển của người mới bắt đầu – đó là đầu tư dàn trải và phân tán. Bị chi phối bởi tâm lý FOMO (sợ bỏ lỡ) và sự thiếu kinh nghiệm, tôi cho rằng càng sở hữu nhiều cổ phiếu thì càng có cơ hội gia tăng lợi nhuận.
Bất kỳ tin đồn, khuyến nghị nào từ chuyên gia hay thông tin đọc được trên mạng đều khiến tôi “xuống tiền”. Danh mục đầu tư của tôi lúc bấy giờ giống như một bộ sưu tập hỗn độn, từ Dầu khí, Bất động sản cho đến Tài chính, Chứng khoán.
Cờ bạc đãi tay mới, tôi liên tục “chốt lời” từ 2% đến 6% mỗi giao dịch, nhưng vì số vốn quá dàn trải, khi thị trường đi lên, lợi nhuận của tôi lại rất ít vì tỷ trọng dành cho một cổ phiếu quá nhỏ.
Ngược lại, khi thị trường giảm, tổn thất nhanh chóng bị khuếch đại. Danh mục đầu tư của tôi giống như một dãy domino, mỗi cổ phiếu giảm giá lại kích hoạt khoản lỗ khác. Sự phân tán vốn mà tôi cho là an toàn lại trở thành một gánh nặng, thao tác bán không kịp dẫn đến việc “chốt deal” khi giá cổ phiếu gần chạm sàn, dẫn đến nhiều khoản lỗ từ 6-10%.
Sau khi chịu hậu quả của việc phân tán vốn quá mức, tôi đã nỗ lực tinh gọn danh mục đầu tư. Tôi dồn toàn lực nghiên cứu từng cổ phiếu, và tin rằng mình đã tìm thấy 2 viên ngọc quý, đó là CTD với niềm tin vào “chu kỳ đáy của cổ phiếu xây dựng”, và HNG với “tiềm năng phát triển nông nghiệp Việt Nam”.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới năm 2022 khó khăn, VN-Index đã “phá kỷ lục” khi đạt đỉnh 1.536,45 điểm vào ngày 10/1/2022 và về đáy ở 873,78 điểm vào ngày 16/11/2022. Tính chung cả năm, chỉ số VN-Index đã giảm tới 35%.
Nhưng với niềm tin vào “ngọc quý”, tôi đã đóng bảng điện và tin rằng cổ phiếu sẽ trở về giá trị thực sớm, bỏ qua thực tế rằng thị trường chứng khoán là một hệ sinh thái. Các công ty riêng lẻ, bất kể tiềm năng đến đâu, cũng không thể thoát khỏi xu hướng kinh tế chung.
Đầu giai đoạn giảm mạnh của VNIndex, 2 cổ phiếu của tôi chỉ giảm chưa đến 30%, mang lại một chút hy vọng “ngược dòng” mong manh, nhưng khi tôi tiếp tục giữ, giá trị cổ phiếu liên tục giảm và nhanh chóng vượt qua mức lỗ của thị trường chung.
Margin là khoản vay ký quỹ mà nhà đầu tư vay từ công ty chứng khoán để mua cổ phiếu. Trong giai đoạn thị trường tăng trưởng mạnh, việc sử dụng margin có thể giúp nhà đầu tư khuếch đại lợi nhuận khi được công ty chứng khoán “tiếp thêm lửa”.
Chứng kiến đợt bán tháo lịch sử trên thị trường chứng khoán Việt Nam, nhiều nhà đầu tư, bao gồm cả tôi, đã sử dụng chiến lược “bắt đáy bằng margin” với hy vọng mua vào cổ phiếu khi giá giảm sâu và hưởng lợi từ đà tăng sau đó.
Tuy nhiên, thị trường đã không diễn biến như kỳ vọng, giá cổ phiếu tiếp tục lao dốc, khiến nhiều nhà đầu tư “bắt đáy” bị kẹt trong những khoản lỗ nặng nề.
Có những giai đoạn 2 viên “ngọc quý” này đã khiến danh mục của tôi lỗ đến hơn 2/3 tài sản, cách tiếp cận tập trung hạn hẹp của tôi đã khiến tôi bị bất ngờ bởi những thay đổi của thị trường.
Và tôi cũng dần nhận ra chứng khoán là một loại tài sản đầu tư tiềm ẩn rủi ro cao và đòi hỏi nhà đầu tư phải có kiến thức chuyên môn và sự kiên nhẫn. Sai lầm nối tiếp sai lầm đã dẫn đến khoản lỗ nặng nề cho danh mục đầu tư, quá trình này đã mang đến cho tôi nhiều bài học nhớ đời về việc “chơi chứng khoán”:
Chờ đợi tín hiệu xác nhận xu hướng: Không nên vội vàng mua vào khi giá cổ phiếu giảm sâu hoặc mua đuổi khi cổ phiếu đang tăng giá mạnh, chúng ta luôn cần xác nhận các tín hiệu xu hướng trước khi đưa ra quyết định.
Phân tích kỹ lưỡng doanh nghiệp: Trước khi mua vào, cần phân tích kỹ lưỡng tình hình tài chính, hoạt động kinh doanh và tiềm năng phát triển của doanh nghiệp.
Quản lý rủi ro hiệu quả: Luôn đặt ra mức cắt lỗ và chốt lời hợp lý và tuân thủ kỷ luật trong đầu tư. Không nên “bắt chước người thành công” vì tình trạng tài chính mỗi người sẽ khác nhau.
Sử dụng nguồn vốn nhàn rỗi: Chỉ nên sử dụng nguồn vốn nhàn rỗi để đầu tư theo chiến lược “chơi cổ phiếu”, đảm bảo không gây ảnh hưởng đến tâm lý và kéo theo nhiều quyết định sai lầm tiếp theo.
An Ninh Tiền Tệ