Ảnh minh hoạ: Trọng Hiếu Bên cạnh việc đáp ứng các tiêu chí, trong quá trình đánh giá nâng hạng, Việt Nam cần chủ động trong các vấn đề khác nhằm hướng tới thu hút đầu tư như: Đáp ứng thống lệ quốc tế; chất lượng doanh nghiệp niêm yết;…
Ảnh minh hoạ: Trọng Hiếu
Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam sau hơn 20 năm hình thành và phát triển đã trải qua giai đoạn phát triển nhanh chóng. Từ xuất phát điểm chỉ có 2 doanh nghiệp niêm yết vào phiên giao dịch đầu tiên, hiện nay đã có 1.585 doanh nghiệp niêm yết và đăng ký giao dịch. Vốn hóa thị trường vào tháng 8 năm 2023 đạt 8,2 triệu tỷ đồng. Đây là một con số phát triển vượt bậc ngoài dự đoán.
Tuy nhiên, cũng như các thị trường khác ở giai đoạn đầu phát triển, hiện nay TTCK Việt Nam đang bước sang giai đoạn nâng cao chất lượng nhằm thu hút đầu tư. Nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi đã được các cơ quan quản lý cũng như các tổ chức tư vấn quốc tế nghiên cứu và chỉ ra những điểm cần cải thiện để có thể đạt được. Trong đó, các vấn đề chủ yếu bao gồm: Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, mức độ tự do chuyển đổi của đồng tiền ngoại hối, quyền bình đẳng của nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt trong thủ tục đầu tư, thời gian chu kỳ thanh toán… Các vấn đề này chủ yếu liên quan đến việc tham gia TTCK Việt Nam của các nhà đầu tư nước ngoài. Điều đó có nghĩa, một thị trường mới nổi phải là thị trường đạt các thông lệ tối thiểu và có sự thông thoáng và bình đẳng giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.
Hiện nay, các cơ quan quản lý đang nỗ lực để cải thiện các vấn đề trên, đặc biệt là các vấn đề mang tính chất kỹ thuật, thủ tục như rút ngắn thời gian cho chu kỳ thanh toán, thủ tục đối với nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) khi đầu tư vào TTCK Việt Nam. Một số vấn đề mang tính chất chính sách như mức độ tự do chuyển đổi của đồng tiền ngoại tệ hay tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài thì cần có các giải pháp mang tính chiến lược: Vừa kịp thời và đáp ứng được các tiêu chí nâng hạng thị trường, tạo điều kiện cho thị trường phát triển, thu hút đầu tư, vừa đảm bảo an toàn trong điều hành nền kinh tế.
Thực tế, các vấn đề trên về mặt lý thuyết đang được thiết kế đã cân đối hai mặt này. Tuy nhiên, khi áp dụng vào thực tế vẫn còn những rào cản khiến bản thân chính sách đã tháo gỡ nhưng vẫn được đánh giá chưa đạt hoặc còn hạn chế. Chẳng hạn, về tỷ lệ sở hữu của NĐTNN, Nghị định 60 đã cho phép nới room của NĐTNN lên 100%. Tuy nhiên, thủ tục thực hiện lại yêu cầu phải có chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông trong khi thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông theo Luật Doanh nghiệp không quy định cụ thể về vấn đề này. Điều này dẫn đến rào cản từ chính các cổ đông hiện hữu (mang tính thời điểm tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông) hoặc rào cản từ HĐQT là đơn vị có quyền quyết định đưa ra hoặc không đưa ra xin ý kiến về vấn đề này.
Với vấn đề quản lý chuyển đổi ngoại tệ, hay trình tự thủ tục đầu tư trên TTCK của NĐTNN, quy định hiện nay đang thiết kế để quản lý minh bạch dòng tiền vào và ra khỏi Việt Nam nhằm mục đích chống rửa tiền và kiểm soát cân đối nguồn ngoại tệ. Tuy nhiên, các thủ tục chưa được thiết kế nhanh chóng và tiện ích, đặc biệt đối với việc đầu tư vào một thị trường năng động như TTCK. Vì vậy, nó trở thành rào cản cho các NĐT. Để cải thiện được vấn đề này, các cơ quan quản lý liên quan phải cùng nhau thống nhất được quy trình phù hợp. Đồng thời, nhanh chóng áp dụng công nghệ thông tin, số hóa và AI vào để phục vụ nhu cầu của các NĐT.
Mục tiêu cuối cùng của việc nâng hạng thị trường là để thu hút đầu tư. Vì vậy, bên cạnh việc đáp ứng các tiêu chí trong quá trình đánh giá nâng hạng, Việt Nam cần chủ động trong các vấn đề khác nhằm hướng tới thu hút đầu tư. Trong đó, có một số nhóm vấn đề cần được lưu ý:
Các thông lệ quốc tế: Thông lệ quốc tế trong quản trị doanh nghiệp, trong trình tự thủ tục, trong các khái niệm…. Chẳng hạn, khái niệm IPO theo thông lệ quốc tế là Chào bán lần đầu ra công chúng và niêm yết. Luật Chứng khoán 2019 đã quy định bắt buộc các doanh nghiệp sau IPO lần đầu phải niêm yết chứng khoán. Tuy nhiên, thủ tục được thiết kế vẫn là 2 thủ tục độc lập, và vì vậy vẫn còn có thể có trường hợp sau khi IPO vẫn không thể niêm yết được do chưa đủ điều kiện. Việc này dễ dẫn đến sự hiểu lầm của NĐT khi tham gia đấu giá IPO do khái niệm chưa đồng nhất.
Chất lượng doanh nghiệp niêm yết: Doanh nghiệp niêm yết chính là “hàng hóa” trên TTCK. Vì vậy, nó quyết định đa số sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán. Giai đoạn hiện nay, TTCK Việt Nam đang được thanh lọc để có những doanh nghiệp niêm yết tốt hơn, xứng đáng được công chúng trong nước và quốc tế quan tâm, cũng xứng đáng hơn trong việc đại diện phong vũ biểu của nền kinh tế Việt Nam. Số lương doanh nghiệp niêm yết trong giai đoạn vừa qua tăng mạnh và cũng đạt số lượng tương đối lớn so với một TTCK hơn 20 năm tuổi. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần những doanh nghiệp niêm yết mới có chất lượng, tiêu biểu, thay thế và thanh lọc những doanh nghiệp đã niêm yết không còn phù hợp. Vì vậy, giai đoạn hiện nay cần khuyến khích các doanh nghiệp có chất lượng đủ điều kiện niêm yết, tạo “hàng hóa” mới cho TTCK.
Nâng cao trình độ và đạo đức của người hành nghề chứng khoán và nhà đầu tư: Đây là vấn đề quan trọng trong số các nhóm vấn đề cần quan tâm. Đặc biệt là vấn đề đạo đức hành nghề. Hiệp hội kinh doanh chứng khoán Việt Nam – VASB đã xây dựng Bộ quy tắc đạo đức hành nghề chứng khoán, đây là Bộ quy tắc đầu đạo đức tiên đạt chuẩn theo thông lệ quốc tế. Vấn đề chính cho các hành vi dưới chuẩn đạo đức (theo thông lệ quốc tế) chủ yếu không phải xuất phát từ “cố ý” mà do người hành nghề chưa được nhận thức về các tiêu chuẩn này. Vì vậy, VASB đã lên kế hoạch để giải quyết vấn đề này nhằm dần trang bị nhận thức cho người hành nghề.
Tính ổn định và nhất quán của chính sách kinh tế: Đây là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng trong thu hút đầu tư. Thời gian vừa qua, chúng ta đã chứng kiến việc thay đổi chính sách trong lĩnh vực năng lượng do nhiều nguyên nhân khiến cho nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài quan ngại khi quyết định đầu tư vào Việt Nam. Đã có không ít doanh nghiệp sau khi đầu tư xong nhà máy năng lượng mặt trời gặp khó khăn trong việc hòa lưới điện, mặc dù theo chính sách khuyến khích tại thời điểm đầu tư việc hòa lưới điện được ưu tiên.
Nhìn chung, việc nâng hạng thị trường mà rộng hơn là việc thu hút đầu tư là yêu cầu tất yếu cho sự phát triển không chỉ của TTCK mà của nền kinh tế Việt nam. Chúng ta có nhiều lợi thế so với các nước trong khu vực để thu hút đầu tư và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần phải từng bước giải quyết đúng và chủ động các vấn đề đã phát sinh và sẽ phải đối mặt. Hy vọng rằng, với sự quyết liệt của Chính phủ trong giai đoạn gần đây, tất cả những vấn đề đã được nhận diện sẽ có phương án giải quyết, thúc đẩy nền kinh tế Việt nam phát triển xứng với tiềm năng đáng có.
Nhà Đầu Tư