Một tuần ‘chao đảo’ của thị trường chứng khoán

(KTSG Online) – Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn bất ngờ bán tháo mạnh, đi cùng tâm lý hoảng loạn của nhà đầu tư cá nhân trước những tin đồn trong hôm thứ Năm khiến VN-Index giảm mạnh, về lại vùng điểm tích lũy hồi đầu năm. Thị trường chứng…

Fatz Admin lúc 2023-10-29

(KTSG Online) – Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn bất ngờ bán tháo mạnh, đi cùng tâm lý hoảng loạn của nhà đầu tư cá nhân trước những tin đồn trong hôm thứ Năm khiến VN-Index giảm mạnh, về lại vùng điểm tích lũy hồi đầu năm.

Thị trường chứng khoán tiếp tục giảm điểm mạnh đi cùng nhiều tin đồn. Ảnh minh họa: L.V.

Phiên hôm thứ Năm, ngày 26-10, là phiên giao dịch đáng nhớ đối với thị trường chứng khoán khi hàng chục triệu cổ phiếu VHM thuộc nhóm tập đoàn Vingroup kê lệnh bán sàn trong đợt giao dịch mở cửa ATO, khiến thị trường rơi thẳng đứng ngay sau đó.

Kết phiên, sàn HOSE có 505 mã rớt giá, trong đó 123 mã giảm sàn. Giá cổ phiếu trong rổ VN30 (nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn nhất) đều giảm, trong đó 6 mã giảm sàn là VIC, VHM, VRE, MSN, PLX, GVR.

QUẢNG CÁO

Nhiều nhà đầu tư cá nhân lẫn các nhà phân tích đều bất ngờ trước diễn biến đến từ nhóm cổ phiếu họ Vin. Trước đó, trong tối ngày 25-10, Vingroup phát thông cáo hoàn tất giao dịch phát hành thêm gần 300 triệu đô la trái phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài. Đến sáng hôm sau, thông tin từ Bloomberg đưa tin các nhà đầu tư ngoại có quyền bán số cổ phần VHM có thể nhận chuyển đổi từ lô trái phiếu do VIC phát hành. Kết quả là không chỉ có VHM mà cả hai cổ phiếu khác thuộc họ Vin là VIC và VRE đều nằm sàn từ sớm.

Ngay trong phiên 26-10, Vingroup đã lên tiếng về giao dịch này. Theo tập đoàn, một số nhà đầu tư quốc tế tham gia giao dịch khi Vingroup phát hành trái phiếu hoán đổi đã bán cổ phần VHM để hoàn tất giao dịch đầu tư vào trái phiếu. Đây là việc bán phòng vệ (hedging) giữa các nhà đầu tư với một số lượng hạn chế và VHM không phát hành thêm cổ phần mới nên không có pha loãng.

Dù vậy, sự phục hồi đã không đến như nhiều nhà đầu tư mong đợi, cho dù chỉ số thu hẹp đà giảm từ mức 52 điểm xuống còn hơn 46 điểm. Kết quả chỉ số VN-Index vẫn có phiên giảm mạnh nhất kể từ cuối tháng 8, với mức giảm 4,19% trong phiên.

Đánh giá về phiên giao dịch ngày 26-10, Công ty quản lý quỹ đầu tư Dragon Capital cho biết thị trường giảm mạnh vì hai tin tức. Một là cổ phiếu VHM đã bị bán tháo với số lượng 25 triệu cổ phiếu treo bán ở mức giá sàn. Hai là hiệu ứng tiêu cực từ thị trường thế giới, trước thông tin công ty bất động sản Country Garden của Trung Quốc lần đầu thông báo việc không trả được tiền lãi cho lô trái phiếu quốc tế trong thời gian ân hạn kết thúc vào ngày 17-10, được xem là sự kiện vỡ nợ trái phiếu.

Đến ngày 27-10, tức phiên giao dịch hôm thứ Sáu, đà rơi vẫn tiếp tục trong phần lớn thời gian, trong đó 3 mã thuộc họ Vin giảm sàn, thậm chí lần này kéo theo cả cổ phiếu MSN của tập đoàn Masan. Tuy nhiên, may mắn là đến cuối phiên, thị trường hồi phục nhờ lực mua bắt đáy tăng cao hơn, giúp VN-Index trở lại sắc xanh với mức tăng nhẹ 0,49%.

Đáng chú ý là VIC đảo chiều từ mức giá sàn trở về tham chiếu, có mã trong rổ cổ phiếu VN30 tăng giá, nhưng nhiều mã vẫn còn giảm mạnh như VHM (6,2%), MSN (5,9%), SAB (4,7%). Phía ngược lại, dòng tiền bắt đáy vào nhiều ở nhóm cổ phiếu thép, dầu khí, chứng khoán, một số mã bất động sản và xây dựng.

Theo Công ty chứng khoán VCBS, thị trường đã ghi nhận “rung lắc” trong những phiên đầu tuần nhưng đa phần là phục hồi nhẹ, đến từ hầu hết các nhóm ngành giúp chỉ số lên trên khu vực 1.100 điểm. Tuy nhiên, áp lực bán xuất hiện ở vùng kháng cự quanh mốc 1.110 điểm đã khiến thị trường nhanh chóng đảo chiều. Vào hai phiên cuối tuần, lượng bán chủ động bất ngờ gia tăng, đặc biệt tập trung ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có ảnh hưởng trực tiếp đến chỉ số chung của thị trường, từ đó khiến cho mức độ tiêu cực lan tỏa nhanh và nhiều hơn.

VN-Index tiếp tục đi xuống. Nguồn: SSI.

Như vậy, tính từ vùng đỉnh gần nhất trong ngày 13-10, VN-Index đã giảm hơn 10%, tương đương nhịp giảm từ đỉnh liền kề trước đó (giảm 11%). Với diễn biến này, chỉ số hiện trở lại vùng điểm tích lũy từ hồi đầu năm 2023.

Các nhà phân tích kỹ thuật của các công ty chứng khoán cho rằng vùng điểm này có thể tạm thời chặn đà giảm của VN-index trong những phiên tới, thậm chí có thể kỳ vọng nhiều hơn vào nhịp hồi phục mang tính kỹ thuật. Tuy nhiên, thị trường sẽ cần thêm dấu hiệu, cũng như diễn biến tâm lý của dòng tiền để xác định xu hướng sắp tới.

Xét về dòng tiền, sự lo ngại về mặt tâm lý của nhóm nhà đầu tư cá nhân tiếp tục khiến VN-Index tăng giảm khó lường, trong khi đó dòng tiền khối ngoại tiếp tục bán ròng trong tuần qua, với lượng bán ròng 2.059 tỉ đồng, dẫn đầu là MWG, VIC và tới MSN.

Việc giảm mạnh của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn khiến tâm lý các nhà đầu tư càng thêm lo ngại, thận trọng hơn và đã xuất hiện các tín hiệu bán tháo ở một số phiên. Thậm chí, vùng điểm 900-1.000 được các hội, nhóm chứng khoán trên các mạng xã hội nhắc đến nhiều hơn.

Nhận định chung hiện nay là thị trường vẫn đang còn nằm trong pha điều chỉnh, nhưng khó ai biết thị trường điều chỉnh đến bao giờ và có khả năng về vùng điểm số bao nhiêu. Nhiều cổ phiếu như VHM hay MSN đã “phá đáy” lịch sử trước đó là vào tháng 10-2022.

“Tâm lý lo ngại về rủi ro trên thị trường vẫn có thể tiếp tục duy trì cho đến khi nhà đầu tư dần tách rời được các rủi ro liên quan đến nhóm cổ phiếu VIC và VN-Index nói chung”, báo cáo cập nhật tình hình giao dịch sau hôm 26-10 của Dragon Capital nhận định.

Lo ngại hiện tại vẫn nằm ở phía cổ phiếu VHM và họ Vin, đi cùng với những diễn biến không thuận lợi của cổ phiếu VFS trên sàn quốc tế. Thực tế với VHM, câu hỏi sẽ là còn bán bao nhiêu cổ phiếu ra thị trường nữa?

“Theo giải thích từ phía công ty thì lực bán hôm 26-10 có liên quan đến một số nhà đầu tư quốc tế tham gia vào giao dịch Vingroup phát hành trái phiếu hoán đổi đã bán cổ phần Vinhomes để hoàn tất giao dịch đầu tư vào trái phiếu. Chúng tôi chưa có thêm thông tin về quy mô bán ra sẽ ở mức nào trong các phiên tới”, nhóm phân tích của Công ty chứng khoán Maybank IB Việt Nam bình luận.

Cũng cần lưu ý thêm VHM hồi cuối tuần trước nữa và đầu tuần qua được khối ngoại mua mạnh, với con số khoảng 45 triệu cổ phiếu được giao dịch thỏa thuận, theo Dragon Capital. Do đó, đơn vị này bình luận rằng một phần số cổ phiếu này có thể đã bị bán tháo và kích hoạt sự hoảng loạn trên thị trường.

Nếu tiếp tục bán ra, khối lượng cổ phiếu này cần được thị trường hấp thụ. Và nếu có thể hấp thụ được, thị trường có khả năng thoát được phiên giảm sâu hơn trong những phiên tiếp theo. Thực tế trong phiên giao dịch hôm 27-10, cổ phiếu VHM đã có lực cầu bắt đáy, thoát cảnh nằm sàn.

Dĩ nhiên khó ai có thể trả lời câu hỏi này, do đó diễn biến tâm lý nhà đầu tư cá nhân sẽ tiếp tục là yếu tố ảnh hưởng quan trọng và cũng khó lường không kém, đặc biệt là trong bối cảnh được nhiều tổ chức đánh giá là có nhiều “tin giả” và hỗn loạn.

Sau phiên giao dịch khó lường và “khó đỡ” vào hôm thứ Năm, đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Tài chính khẳng định thị trường chứng khoán “đang duy trì hoạt động ổn định”, dù chịu ảnh hưởng từ biến số vĩ mô toàn cầu, nhưng cũng khuyến cáo nhà đầu tư cẩn trọng với tin đồn thất thiệt.

Cần nhớ lại trong lần “rơi” liền kề gần đây, thị trường chứng khoán cũng đứng trước nhiều tin đồn tiêu cực. Chẳng hạn, thông tin về việc công ty chứng khoán bán ra lượng lớn cổ phiếu “kho” để tránh bị thanh tra.

Có thể nói, tâm lý nhà đầu tư đang bị dao động mạnh trước những thông tin bên lề thị trường. Tuy nhiên, một thực tế vẫn là tình hình vĩ mô vẫn đang chịu nhiều biến động từ thế giới, ảnh hưởng lớn từ mặt bằng lãi suất đồng đô la vẫn ở mức cao và những lo ngại mới về tình hình tăng trưởng, lạm phát của các quốc gia.

Trong bối cảnh này, các khuyến cáo từ công ty chứng khoán cho thấy thị trường vẫn cần thêm thời gian để tìm điểm cân bằng. Theo đó, các nhà đầu tư nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao có thể tận dụng các phiên hồi phục, còn các nhà đầu tư tỷ trọng tiền mặt cao có thể giải ngân nhưng tỷ lệ nhỏ và ngắn hạn.

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Share
Bài viết bởi

Fatz Admin

Bình luận đã bị đóng.