Không chỉ gây chú ý với mức tăng ấn tượng, thanh khoản của cổ phiếu ngành thép này cũng có bước nhảy vọt mạnh mẽ từ vài trăm nghìn lên đến hàng triệu đơn vị. POM: Trong bối cảnh thị trường biến động trong biên hẹp, POM của CTCP Thép…
Trong bối cảnh thị trường biến động trong biên hẹp, POM của CTCP Thép Pomina bất ngờ toả sáng khi “tím lịm” trong phiên 12/12, đánh dấu 3 phiên tăng kịch trần liên tiếp. Thị giá POM được kéo lên mức 5.810 đồng/cp, tương đương tăng gần 27% chỉ sau hơn 1 tuần giao dịch và cũng là mức cao nhất trong 2 tháng gần đây.
Không chỉ gây chú ý với mức tăng ấn tượng, thanh khoản của POM cũng có bước nhảy vọt mạnh mẽ từ vài trăm nghìn lên đến hàng triệu đơn vị. Thậm chí khối lượng khớp lệnh phiên 12/12 lên đến hơn 6 triệu đơn vị – mức thanh khoản kỷ lục trong lịch sử niêm yết của cổ phiếu ngành thép này.
Đà bứt tốc của của POM xuất hiện sau khi Thép Pominacông bố thông tin về việc hoán đổi cổ phần để cấn trừ nợ với nhà cung cấp. Theo thoả thuận, tổng số cổ phiếu cấn trừ lên đến 21 triệu cổ phiếu POM, tương đương giá trị cấn trừ gần 188 tỷ đồng. Trong đó, Pomina chủ yếu cấn trừ với giá 10.000 đồng/cp (gấp đôi thị giá). Các khoản nợ sau khi cấn trừ sẽ được xỏa bỏ, các chủ nợ là nhà cung cấp sẽ trở thành cổ đông của POM.
Gần đây, POM cũng gây chú ý khi loạt người nội bộ liên tục bán ra lượng lớn cổ phiếu. Mới đây nhất, bà Đỗ Nhung, em gái ông Đỗ Duy Thái – Chủ tịch HĐQT Thép Pomina thông báo về việc đã bán toàn bộ gần 6,6 triệu cổ phiếu (tương đương 2,35% vốn điều lệ) và thoái hết vốn khỏi công ty này từ 15/11 -11/12.Đây là lần thứ 5 bà Đỗ Nhung đăng ký bán toàn bộ cổ phiếu đang sở hữu tại Thép Pomina. Trước đó, hồi tháng 9, bà cũng đã đăng ký bán toàn bộ 6,6 triệu cổ phiếu kể trên nhưng giao dịch không thành công do không đạt được mức giá như mong đợi.
Trước đó, bà Đỗ Thị Kim Ngọc – em ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch HĐQT – đăng ký bán hơn 5,5 triệu cổ phiếu POM để giảm sở hữu từ 2,82%, về 0,84% vốn điều lệ. Giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 7/12/2023 đến ngày 4/1/2024. Trước đó, ngày 17/8, bà Ngọc đã bán 2,3 triệu cổ phiếu POM để giảm sở hữu từ 3,64%, về còn 2,82% vốn điều lệ.
Ngoài ra, bà Đỗ Thị Nguyệt – chị gái ông Đỗ Duy Thái – đã đăng ký bán ra 3,5 triệu cổ phiếu POM, giảm sở hữu từ 1,64%, về còn 0,39% vốn điều lệ, giao dịch dự kiến từ 22/11 đến ngày 20/12. Bà Đỗ Thị Kim Lang – em gái của ông Đỗ Duy Thái cũng đăng ký bán toàn bộ 354 nghìn cổ phiếu POM để giảm sở hữu từ 0,13% vốn điều lệ, về 0% vốn điều lệ, giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 4/12/2023 đến ngày 2/1/2024….
Phía Pomina cho biết động thái bán ra hàng loạt của người liên quan Chủ tịch Đỗ Duy Thái thời gian qua chủ yếu để cấn trừ nợ với các nhà cung cấp.
Giao dịch của người thân Chủ tịch Pomina diễn ra trong khi cổ phiếu POM đang bị đưa vào diện kiểm soát từ 3/10/2023 do chậm nộp Báo cáo tài chính soát xét bán niên 2023 quá 30 ngày so với thời hạn quy định.
Về tình hình kinh doanh, luỹ kế trong 9 tháng đầu năm Thép Pomina ghi nhận doanh thu đạt 2.948 tỷ đồng, giảm 74% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận âm 647 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ 707,5 tỷ đồng.
Thép Pomina cũng là một trong những doanh nghiệp hiếm hoi đặt ra kế hoạch kinh doanh với lợi nhuận sau thuế âm 150 tỷ đồng trong năm 2023. Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại con số lỗ mà công ty ghi nhận đã vượt xa so với kế hoạch lợi nhuận được đặt ra.
Với việc tiếp tục thua lỗ trong 9 tháng đầu năm, tính tới 30/9/2023, Thép Pomina đang ghi nhận lỗ luỹ kế lên tới 868,5 tỷ đồng, bằng 31% vốn điều lệ.
Đời sống Pháp luật