(KTSG) – Nhiều dự báo cho thấy, lợi nhuận các ngân hàng trong năm nay sẽ chứng kiến tốc độ tăng trưởng suy giảm và tiếp tục có sự phân hóa lớn khi hoạt động ngành này chịu nhiều yếu tố ảnh hưởng tiêu cực từ kinh tế vĩ mô…
(KTSG) – Nhiều dự báo cho thấy, lợi nhuận các ngân hàng trong năm nay sẽ chứng kiến tốc độ tăng trưởng suy giảm và tiếp tục có sự phân hóa lớn khi hoạt động ngành này chịu nhiều yếu tố ảnh hưởng tiêu cực từ kinh tế vĩ mô trong thời gian qua.
Giảm tốc và phân hóa
Trái với quá nhiều lo ngại tại thời điểm cuối năm ngoái, thị trường tài chính ngân hàng từ đầu năm đến nay diễn biến theo chiều hướng khá tích cực, với chính sách tiền tệ đã nhanh chóng xoay chiều nới lỏng trở lại nhờ lạm phát được kiểm soát tốt, thanh khoản hệ thống cũng dồi dào hơn nhiều, tăng trưởng huy động vốn của các ngân hàng vẫn ổn định, xu hướng lãi suất theo đó cũng giảm nhanh giúp các ngân hàng dần kéo giảm chi phí vốn đầu vào trở lại.
Chính vì vậy, một số tổ chức gần đây đã có những đánh giá lạc quan hơn về ngành ngân hàng, dù vẫn thừa nhận tăng trưởng của ngành này có thể sẽ giảm tốc trong năm nay.
Đơn cử như Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) mới đây dự báo xu hướng giảm của hệ số NIM (biên lãi ròng) toàn ngành sẽ chậm lại và có khả năng cải thiện trong nửa cuối năm 2023 nhờ lãi suất huy động giảm. Theo đó, VCBS dự báo lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng giảm tốc trong năm 2023 với tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 10%, trong đó có sự phân hóa về triển vọng lợi nhuận giữa các nhóm ngân hàng.
VCBS dự báo lợi nhuận tiếp tục có sự phân hóa mạnh trong năm 2024, một số ngân hàng thuộc nhóm quy mô nhỏ sẽ tiếp tục giảm tốc, thậm chí tăng trưởng âm trong năm 2024 trong trường hợp thị trường bất động sản và tình hình kinh tế vĩ mô thế giới tiếp tục xấu đi khiến tín dụng chậm lại và khả năng trả nợ của khách hàng khó hồi phục, đồng thời với việc các chính sách hỗ trợ hết hiệu lực.
Đáng lưu ý, VCBS dự báo lợi nhuận tiếp tục có sự phân hóa mạnh trong năm 2024, một số ngân hàng thuộc nhóm quy mô nhỏ sẽ tiếp tục giảm tốc, thậm chí tăng trưởng âm trong năm 2024 trong trường hợp thị trường bất động sản và tình hình kinh tế vĩ mô thế giới tiếp tục xấu đi, khiến tín dụng chậm lại và khả năng trả nợ của khách hàng khó hồi phục, đồng thời với việc các chính sách hỗ trợ hết hiệu lực.
Quỹ đầu tư Dragon Capital trong nhận định mới đây cũng cho rằng “cổ phiếu ngành ngân hàng sẽ tiếp tục dẫn dắt trong nửa sau năm 2023 nhờ vào tăng trưởng tín dụng cao hơn nửa đầu năm, và NIM được cải thiện”. Theo đó, Dragon Capital cho rằng triển vọng đối với ngành ngân hàng vẫn tích cực, tuy nhiên mức dự phóng tăng trưởng lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) cũng tương ứng ở mức khoảng 10% cho năm 2023.
Như vậy, sau ba năm liên tục tăng trưởng mạnh mẽ vừa qua, bất chấp những ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, ngành ngân hàng giờ đây lại đối mặt với thách thức suy giảm tốc độ tăng trưởng. Đây cũng là bài toán chung của nền kinh tế, với GDP sáu tháng đầu năm nay ghi nhận mức tăng trưởng thấp thứ 2 trong 13 năm qua, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp hoạt động kinh doanh, thậm chí chấp nhận rút lui, ngừng hoạt động. Ngân hàng với vai trò xương sống dẫn vốn của nền kinh tế, rõ ràng khó tránh khỏi ảnh hưởng.
Không có gì chắc chắn
Trong bối cảnh các nguồn thu nhập ngoài lãi khác đang bị ảnh hưởng tiêu cực, đặc biệt ở mảng trái phiếu doanh nghiệp và bán bảo hiểm (bancassurance) do bị kiểm soát chặt chẽ sau những tai tiếng gần đây, trong khi các khoản đầu tư trái phiếu chính phủ có lãi suất cố định giai đoạn trước đây cũng có nguy cơ gặp rủi ro lãi suất, thì tín dụng đang quay trở lại là hoạt động đóng góp chính vào lợi nhuận của các ngân hàng trong năm nay và có thể là trong cả giai đoạn tới.
Tuy nhiên, mức tăng trưởng tín dụng quá thấp trong nửa đầu năm nay đang phác họa một bức tranh không mấy tích cực về ngành ngân hàng, do chịu tác động tổng hòa từ nhiều yếu tố, như nhu cầu vay thấp, lãi suất cho vay cao, nâng cao tiêu chuẩn rủi ro.
Số liệu cập nhật mới nhất cho thấy tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 6 vừa qua chỉ đạt 4,7% so với đầu năm nay, chỉ bằng một nửa mức tăng của cùng kỳ năm ngoái. Đáng lưu ý, một số ngân hàng thậm chí chứng kiến mức tăng trưởng còn thấp hơn mức tăng trưởng chung của toàn ngành, do đó lợi nhuận có giảm tốc cũng là điều tất yếu.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nới hạn mức tín dụng trong năm nay cho các ngân hàng, đẩy mức toàn ngành lên gần chạm mức mục tiêu cho cả năm nay là 14%, nhằm thúc đẩy các ngân hàng tăng tốc tín dụng trong nửa cuối năm để hỗ trợ tăng trưởng. Dù vậy, như nhiều ý kiến đã chỉ ra, câu chuyện tăng trưởng tín dụng hiện nay chủ yếu nằm ở phía cầu vốn, khi triển vọng nền kinh tế không mấy tích cực khiến các doanh nghiệp không có động lực vay vốn để mở rộng hoạt động đầu tư kinh doanh, trong khi các doanh nghiệp còn lại muốn vay vốn nhưng lại không đáp ứng đủ điều kiện.
Trong khi đó, dù một số dự báo cho rằng hệ số NIM của các ngân hàng có thể cải thiện hơn trong nửa cuối năm nay, dựa trên lãi suất huy động đã giảm đáng kể từ đầu năm đến nay sau khi NHNN có đến bốn lần giảm lãi suất điều hành, nhưng xu hướng này vẫn chưa có gì chắc chắn.
Từ đầu năm đến nay, lãi suất tiền gửi có vẻ giảm nhanh hơn lãi suất cho vay, do các ngân hàng vẫn đang phải gánh một lượng vốn lớn huy động ở mặt bằng lãi suất cao trước đây, nhưng xu hướng ngược lại vẫn có thể diễn ra trong nửa cuối năm nay.
Cụ thể, Chính phủ mới đây đã yêu cầu các ngân hàng phải giảm lãi suất cho vay tối thiểu từ 1,5-2 điểm phần trăm, đặc biệt áp dụng đối với cả khoản vay mới và khoản vay hiện hữu. Trước đây, Chính phủ cũng đã nhiều lần yêu cầu ngành ngân hàng phải giảm lãi suất cho vay, nhưng định lượng ở một con số cụ thể như vậy là khá hiếm hoi.
Nếu phải giảm lãi suất cho vay theo định hướng này, trong khi dư địa giảm lãi suất tiền gửi đã trở nên hạn hẹp hơn, hệ số NIM của các ngân hàng chưa chắc sẽ có sự cải thiện như kỳ vọng.
Bên cạnh đó, rủi ro nợ xấu gia tăng vẫn hiện hữu và sẽ tác động tiêu cực lên lợi nhuận của các ngân hàng. Dù NHNN hồi tháng 4 đã ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN cho phép các ngân hàng tái cơ cấu nợ cho khách hàng gặp khó khăn, đồng thời giãn lộ trình trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cho các khoản vay tái cơ cấu này – kéo dài đến 2024, nhưng rõ ràng việc tái cơ cấu nợ theo Thông tư 02 không phải dễ dàng.
Thông tin từ hội nghị sơ kết sáu tháng đầu năm của ngành ngân hàng, tính đến cuối tháng 6-2023, đã có trên 18.800 lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; tổng dư nợ cả gốc, lãi được cơ cấu giữ nguyên nhóm gần 62.500 tỉ đồng.
Theo giới phân tích, hoạt động tái cơ cấu nợ vẫn đang có những hạn chế nhất định, khi các ngân hàng sẽ chỉ cơ cấu nợ với điều kiện tiên quyết là doanh nghiệp được cơ cấu nợ có khả năng phục hồi, đồng thời các ngân hàng đánh giá được đúng bản chất nợ xấu.
Cuối cùng, việc tăng quy mô kinh doanh từ đó tác động lên tăng trưởng lợi nhuận cũng sẽ phụ thuộc lớn vào tốc độ tăng vốn điều lệ của mỗi ngân hàng, từ đó cải thiện các hệ số an toàn. Trong khi đó, tốc độ tăng vốn của từng ngân hàng sẽ đối mặt với những thuận lợi và khó khăn khác nhau, khiến quy mô vốn đã có sự chênh lệch lớn hiện nay càng mở rộng hơn trong giai đoạn tới. Với bệ đỡ vốn khác nhau, tốc độ tăng trưởng của các ngân hàng sẽ tiếp tục có sự phân hóa cũng là điều dễ hiểu.
Kinh tế Sài Gòn Online