(KTSG Online) – Chi phí chuyển đổi xanh quá lớn, thời gian chuyển đổi dài và những vướng mắc pháp lý là những nút thắt cản trở quá trình “xanh hoá” hoạt động sản xuất – kinh doanh của nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Dệt may là một trong những…
(KTSG Online) – Chi phí chuyển đổi xanh quá lớn, thời gian chuyển đổi dài và những vướng mắc pháp lý là những nút thắt cản trở quá trình “xanh hoá” hoạt động sản xuất – kinh doanh của nhiều doanh nghiệp Việt Nam.
Thế khó của doanh nghiệp chuyển đổi xanh
Nhận thức rõ về lợi ích dài hơi của kinh tế xanh và việc “xanh hoá” hoạt động sản xuất – kinh doanh nên nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu chuyển đổi. Tuy vậy nhiều doanh nghiệp tiên phong trong xu hướng này đang chịu áp lực do chính sách chậm thay đổi và thiếu vốn ưu đãi.
Ông Nguyễn Hải Anh, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Shinec – một đơn vị quản lý, đầu tư các dự án khu công nghiệp (KCN) và cụm công nghiệp tại Việt Nam cho biết, KCN Nam Cầu Kiền ở Hải Phòng hiện đã xác lập được ba vòng tuần hoàn chính trong KCN và thải rác công nghiệp ra bên ngoài. Tuy nhiên, việc chuyển đổi của hơn 70 doanh nghiệp trong khu công nghiệp gặp nhiều vướng mắc khi có 60 doanh nghiệp mong muốn, nhưng loay hoay khi chuyển đổi để đáp ứng định hướng quốc gia.
“Nhiều doanh nghiệp phản ánh hành lang pháp lý phát triển nguồn vốn tín dụng xanh, trái phiếu xanh cũng như chính sách riêng khuyến khích từng lĩnh vực hoạt động rất hạn chế”, ông Hải Anh nói tại một hội thảo về hoàn thiện khuôn khổ pháp lý phát triển tín dụng xanh.
Cũng theo vị này, việc chuyển đổi sang KCN sinh thái, phấn đấu đáp ứng các tiêu chí tốn rất nhiều chi phí như cây xanh, quỹ đất, thuê kiểm toán, tư vấn tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội, quản trị)… Tuy nhiên ưu đãi cho hoạt động này tương đối hạn hẹp, thiếu vắng cơ chế khuyến khích doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi và xây dựng mới khu công nghiệp sinh thái.
Thực tế, doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng tái tạo hiện chiếm áp đảo với 45% vốn tín dụng ngân hàng cho vay tín dụng xanh, nhưng phần lớn gặp vướng mắc. Cụ thể, sau nhiều lần trì hoãn, kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được thông qua nhưng chính sách theo sau rất chậm, khung giá điện cho các dự án năng lượng tái tạo mới chưa có.
Trong khi đó, ngân hàng cho vay căn cứ vào doanh thu, khả năng trả nợ của doanh nghiệp. Điều này dẫn tới tình trạng ngân hàng sẵn sàng cho vay nhưng các doanh nghiệp, dự án vẫn khó tiếp cận tín dụng xanh.
Trong bối cảnh các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu và doanh nghiệp xuất khẩu phải đối mặt với áp lực lớn từ việc thực hành ESG để không bị tụt hậu hay bị loại khỏi “cuộc chơi”. Một khảo sát về dòng vốn doanh nghiệp sử dụng chuyển đổi ESG với 10 nhà máy lớn và vừa, do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) công bố vào tháng 3-2024 cho thấy, nhiều doanh nghiệp đang sử dụng dòng vốn sản xuất kinh doanh để thực hành ESG.
Theo đó, chỉ số ít doanh nghiệp nhận được nguồn vốn xanh, tập trung vào lĩnh vực năng lượng tái tạo và nông nghiệp. Còn tổng dư nợ vốn xanh chỉ khoảng 4,5% tính đến cuối năm 2023, một con số rất khiêm tốn.
Thậm chí, PGS. TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và môi trường (TNMT) cho biết, không ít doanh nghiệp đã “hụt hơi” trong tiến trình chuyển đổi xanh, phải rời khỏi thị trường một cách đột ngột thời gian qua. “Một số doanh nghiệp dệt may buộc phải rời khỏi thị trường đột ngột, dừng hoạt động vì gây ảnh hưởng đến môi trường”, ông Thọ nhấn mạnh.
Cơ hội nào cho doanh nghiệp?
Nhấn mạnh thông điệp doanh nghiệp không thể “đi một mình” trong quá tình thực hành ESG mà cần có hệ sinh thái, ông Bùi Quang Duy, Phó giám đốc đầu tư toàn cầu thuộc Bộ phận tài chính khí hậu – Quỹ respons Ability Investments AG (Thụy Sĩ) cho biết, trong xu thế xanh hóa, lãnh đạo cấp cao hiểu và tích cực về vấn đề xanh, phát triển xanh bền vững là rất tốt. Điều này giúp họ định hướng được đầu tư vào đâu trong chiến lược dài hạn. Nhưng để đầu tư vào chuyển đổi xanh, bền vững cần một khoản đầu tư lớn, nên cần có tầm nhìn dài hạn đầu tư vào máy móc thiết bị hiện đại, tiết kiệm năng lượng…
Về phía doanh nghiệp, cần đưa ra chủ trương, chính sách phù hợp và phải có nhân lực chuyên trách làm ESG. Còn phía quỹ sẽ hỗ trợ doanh nghiệp những gói kỹ thuật và khoản viện trợ đầu tư dài hạn.
“Đó là sự cộng hưởng của doanh nghiệp, hệ thống tài chính, ngân hàng trong việc đầu tư, hợp tác đưa nguồn vốn xanh đi vào thực tế”, ông Huy nói tại một toạ đàm về ESG diễn ra cuối tháng 3-2024.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Huyền, Tổng giám đốc Công ty cổ phần sản xuất và xuất khẩu quế hồi Việt Nam (Vinasamex) cho biết, yếu tố tiên các quỹ đầu tư đòi hỏi hỏi từ doanh nghiệp là báo cáo chứng minh tác động từ các hoạt động của doanh nghiệp với môi trường. Nếu doanh nghiệp không đo lường tác động và không đưa ra báo cáo này, cơ hội tiếp cận với nguồn vốn đầu tư sẽ bị hạn chế.
“Chúng tôi may mắn khi có những số liệu cụ thể và bảng đo lường các chỉ tiêu này, giúp doanh nghiệp vượt qua vòng ‘sát hạch’ đầu tiên. Đáp ứng các điều kiện này đã tạo ra cơ hội cho chúng tôi tiếp cận các nguồn vốn xanh từ các quỹ đầu tư và ngân hàng”, bà Huyền nói.
Từ góc độ ngân hàng, ông Lê Ngọc Lâm, Tổng giám đốc BIDV cho biết, ngân hàng đã mở ra kênh huy động vốn mới, làm tiền đề gia tăng năng lực cung ứng vốn xanh cho nền kinh tế thông qua phát hành trái phiếu xanh. Mới đây BIDV đã thực hiện thành công đợt phát hành với quy mô 2.500 tỉ đồng trái phiếu theo chuẩn trái phiếu xanh của Hiệp hội Thị trường vốn Quốc tế (ICMA). Hoạt động này đưa BIDV thành ngân hàng đầu tiên phát hành trái phiếu xanh theo tiêu chuẩn quốc tế tại thị trường trong nước..
Nhưng để thúc đẩy dòng vốn xanh, qua đó tiếp thêm nguồn lực cho doanh nghiệp chuyển đổi xanh, ông Lâm cho rằng cần thực hiện một số giải pháp.
Thứ nhất, hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý liên quan đến trái phiếu xanh như quy định phân loại và xác nhận dự án xanh quốc gia để áp dụng các chính sách khuyến khích. Ngoài ra, cần xem xét sự tương đồng giữa các tiêu chí xanh của Việt Nam và các tiêu chuẩn quốc tế. Điều này giúp thuận tiện cho doanh nghiệp trong việc triển khai dự án, thu hút đầu tư trong và ngoài nước theo cùng hệ quy chuẩn.
Xem xét quy định các tiêu chí xanh, gồm các cấp độ tương ứng với các mức độ ưu đãi về chính sách khác nhau. Điều này giúp doanh nghiệp phát hành trái phiếu xanh có thể tiếp cận dần với các chính sách ưu đãi, cũng như tạo lập được các mục tiêu/động lực để đạt tới sự tăng trưởng bền vững. Đồng thời, ban hành các hướng dẫn cho hoạt động phát hành và báo cáo sau phát hành trái phiếu xanh, trong đó xem xét đến các quy định đặc thù giữa hoạt động của tổ chức tín dụng và tổ chức kinh tế.
Thứ hai, khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi xanh và phát hành trái phiếu xanh thông qua việc tiếp tục nghiên cứu, mở rộng các chính sách hỗ trợ chi phí phát hành, ưu đãi thuế. Ngoài ra, doanh nghiệp đẩy mạnh việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực về môi trường.
Thứ ba, khuyến khích nhà đầu tư tham gia đầu tư trái phiếu xanh qua các giải pháp như xem xét ban hành các chính sách ưu đãi đủ lớn để khuyến khích nhà đầu tư mua trái phiếu. Chẳng hạn ưu đãi nhà đầu tư về hạn mức tín dụng, thuế đánh trên lợi suất đầu tư. Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức về trách nhiệm của nhà đầu tư đối với phát triển bền vững, cộng đồng và xã hội.
Về kinh nghiệm phát hành trái phiếu xanh, ông Lâm cho biết BIDV đã chủ động nghiên cứu các thông lệ, nguyên tắc trái phiếu xanh quốc tế. Đồng thời, nhờ sự tư vấn kỹ thuật của Ngân hàng Thế giới (World Bank) để xây dựng Khung Trái phiếu xanh theo chuẩn ICMA và đạt định hạng rất cao của Moody’s.
“Đây là yếu tố quan trọng để xác lập thành công của đợt phát hành. Trong vòng hai tháng sau phát hành, BIDV đã giải ngân hết vốn trái phiếu tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo và giao thông bền vững”, ông Lâm nói.
Góp ý vấn đề thẩm định, tư vấn về danh mục xanh – một yếu tố quan trọng trong huy động vốn từ trái phiếu xanh, Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, nên thuê tư vấn độc lập, vì để Nhà nước thực hiện sẽ dẫn đến tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” hoặc lo sợ trách nhiệm. Bên cạnh đó, có thể xây dựng cơ chế thẩm định minh bạch gồm đơn vị tư vấn và hội đồng thẩm định. Cũng theo chuyên gia này, quy định tiêu chí môi trường và việc xác nhận với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh là vấn đề mới nên phải có cơ chế đủ mạnh.
Kinh tế Sài Gòn Online