Lo ‘đứt gãy’ dòng tiền chứng khoán

(KTSG Online) – Dòng tiền chảy vào thị trường chứng khoán trong tháng 10 suy giảm đáng kể, sau nhiều lần thử thách với mốc tâm lý 1.300 điểm. Các nhà phân tích để ngỏ khả năng thị trường còn giảm điểm sâu khi dòng tiền có khả năng đứt…

Fatz Admin lúc 2024-10-29

(KTSG Online) – Dòng tiền chảy vào thị trường chứng khoán trong tháng 10 suy giảm đáng kể, sau nhiều lần thử thách với mốc tâm lý 1.300 điểm. Các nhà phân tích để ngỏ khả năng thị trường còn giảm điểm sâu khi dòng tiền có khả năng đứt gãy.

Nhóm nhà đầu tư cá nhân và khối ngoại tiếp tục bán ròng trong tuần qua. Ảnh: LÊ VŨ

Dòng tiền rút lui

Diễn biến trên thị trường chứng khoán vẫn tiếp tục ảm đạm trong tháng 10, bất chấp sự kỳ vọng lớn hơn trong tháng 9 trước những thông tin tíc cực. Chẳng hạn như có gần 1,6 triệu tài khoản chứng khoán mở mới bởi nhóm nhà đầu tư cá nhân, tăng 70% so với cùng kỳ trong tháng 9 tháng đầu năm, hay dư nợ cho vay ký quỹ tiếp tục tăng cao.

QUẢNG CÁO

Trong tuần trước, chỉ số VN-Index ghi nhận tuần giảm điểm lớn nhất kể từ tháng 6, với mức giảm 32 điểm, tương ứng giảm 2,55%. Đáng kể là lực bán lan rộng khắp thị trường sau khi nhiều cổ phiếu ngân hàng và cổ phiếu doanh nghiệp vốn hóa lớn giảm đáng kể từ đỉnh.

Tâm lý giao dịch thận trọng trước đó bỗng đôi lúc trở nên “hoang mang” khi thị trường có thời điểm giảm sâu và nhanh. Thanh khoản cũng suy giảm đáng kể trong tuần qua, xuống 15.411 tỉ đồng/phiên.

Trong đó, đáng chú ý là nhóm nhà đầu tư cá nhân chuyển sang bán ròng trong tuần. Phía ngược lại, nhóm nhà đầu tư tổ chức trong nước có động thái mua ròng, cùng với nhóm tự doanh của công ty chứng khoán duy trì đà mua ròng bốn tuần liên tiếp (nhưng giá trị thấp).

Với khối ngoại, hoạt động bán ròng tiếp tục diễn ra tuần thứ ba liên tiếp, với giá trị bán ròng đạt 1.046 tỉ đồng với trên 4/5 phiên giao dịch, nâng mức bán ròng lên 65.839 tỉ đồng. Tương tự, dòng tiền từ các quỹ ETF cũng suy giảm.

Hầu hết các nhà phân tích đánh giá VN-Index vừa trải qua một tuần giao dịch không mấy tích cực trong bối cảnh áp lực tỷ giá tăng trở lại.

Theo ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty cổ phần chứng khoán VNDirect, thị trường trải qua một tuần giảm điểm mạnh trong bối cảnh tâm lý nhà đầu tư thận trọng trước áp lực tỷ giá gia tăng, buộc Ngân hàng Nhà nước phải có những động thái đối phó. Điều này khá tương đồng với giai đoạn thị trường điều chỉnh và đi ngang trong giai đoạn tháng 6-7.

Nhìn chung, hoạt động giao dịch vẫn chưa có sự khởi sắc, thanh khoản đã liên tục giảm sút sau khi đạt đỉnh vào tháng 3. Trong cùng thời kỳ, VN-Index đã có ít nhất 6 lần nỗ lực vượt vùng 1.300 điểm nhưng đều thất bại.

Diễn biến giá trị giao dịch của các nhóm nhà đầu tư.

Kịch bản dòng tiền

Câu chuyện được nhắc đến nhiều vẫn là mốc 1.300 điểm, với nhiều lần thử thách không thành công. Chỉ số định giá PE của VN-Index hiện nay ở mức 14 lần, được đánh giá là “không đắt cũng không rẻ”, trong bối cảnh thị trường có nhiều yếu tố tích cực và tiêu cực đan xen.

Về mặt tích cực, ngoài những bước tiến mới về khả năng nâng hạng, thị trường đang đón nhận thêm kết quả kinh doanh tích cực trong quí 3 của nhiều doanh nghiệp. Tính riêng trên sàn HOSE, tính đến hết tuần qua có khoảng 160 doanh nghiệp niêm yết chiếm khoảng 23% giá trị vốn hóa, công bố kết quả kinh doanh với tổng lợi nhuận sau thuế tăng khoảng 24,4%. Trước đó, nhiều tổ chức phân tích cũng đã nâng dự báo tăng trưởng lợi nhuận bình quân.

Theo ông Hinh của VNDirect, bức tranh chung lợi nhuận theo chiều hướng khả quan sẽ hỗ trợ mặt bằng định giá của thị trường. Ngoài ra, yếu tố khác là câu chuyện của vĩ mô của tỷ giá với kỳ vọng đây chỉ là áp lực tạm thời khi thị trường vẫn đang kỳ vọng Fed sẽ tiếp tục cắt giảm 25 điểm cơ bản lãi suất điều hành trong 2 cuộc họp sắp tới vào tháng 11 và tháng 12 tới.

“Thị trường sẽ sớm chứng kiến lực cầu bắt đáy khi chỉ số VN-Index giảm về vùng hỗ trợ mạnh 1.240-1.245 điểm và xác suất thủng vùng hỗ trợ này là thấp”, ông Hinh đánh giá kịch bản cho dòng tiền.

Trong khi đó, ông Nguyễn Việt Đức, Giám đốc Kinh doanh số, Công ty Chứng khoán VPBank nhận định, thị trường trong ngắn hạn không chỉ ảnh hưởng của yếu tố lợi nhuận doanh nghiệp mà bởi vĩ mô. “Trong một năm tỷ giá chỉ nên mất 4-5% nhưng riêng tháng 10 đã mất 3%, lúc đó câu chuyện vĩ mô lấn át câu chuyện lợi nhuận doanh nghiệp”, ông nói.

Một vấn đề của kịch bản thị trường là chưa thể biết được đồng đô la Mỹ đã dừng tăng hay chưa, mà vẫn phải chờ đợi xem ai sẽ nắm quyền điều hành Nhà Trắng, qua đó biết được chính sách của Mỹ đi theo hướng nào.

“Dữ liệu cho thấy tỷ giá tăng thì thị trường xuống mạnh. Hiện chỉ số DXY ở 104 điểm thì đáy VN-Index ở mức 1.240, nếu xấu nữa thì chúng ta phải chuẩn bị cho kịch bản chỉ có nhịp hồi và test lại vùng đáy mạnh 1.200 điểm trong quí 4. Tỷ giá rõ ràng là yếu tố nên quan tâm, phản ánh tất cả câu chuyện về lạm phát, chênh lệch lãi suất và dòng tiền”, ông Đức bình luận.

Một ẩn số khác trong kịch bản dòng tiền là câu chuyện của dư nợ vay ký quỹ, hiện tăng lên đáng kể vào cuối quí 3 vừa qua. Tuy nhiên, nhóm phân tích của Công ty chứng khoán Mirae Asset cho rằng dư nợ này phần lớn tập trung ở các doanh nghiệp đang nhu cầu vay vốn, chứ không hẳn là cá nhân. Câu chuyện “margin call” do đó khó xảy ra, nhưng cũng theo dõi về diễn biến dòng tiền của doanh nghiệp.

“Diễn biến giao dịch của VN-Index đang dần có những vết nứt gãy của dòng tiền khi tâm lý giao dịch chung không được cải thiện, dẫn đến thiếu đi lực cầu cần thiết nếu áp lực dần trở nên lớn dần và lan rộng đến nhiều nhóm ngành”, báo cáo Mirae Asset bình luận.

D.Nguyễn

Share
Bài viết bởi

Fatz Admin

Bình luận đã bị đóng.