Kiểm toán sợ ‘lỗi’, doanh nghiệp than, nhà đầu tư ‘gánh’

(KTSG Online) – Giữa những câu chuyện ồn ào với giữa chủ doanh nghiệp và công ty kiểm toán, các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán vẫn còn nhiều lý do để nghi ngại về chất lượng báo cáo tài chính, dù nhà quản lý thị trường vẫn…

Fatz Admin lúc 2024-12-01

(KTSG Online) – Giữa những câu chuyện ồn ào với giữa chủ doanh nghiệp và công ty kiểm toán, các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán vẫn còn nhiều lý do để nghi ngại về chất lượng báo cáo tài chính, dù nhà quản lý thị trường vẫn đang nỗ lực cải thiện.

Cả doanh nghiệp niêm yết cũng như công ty kiểm toán đều nói mình có áp lực riêng. Ảnh: Dũng Minh.

Doanh nghiệp ‘chê’ kiểm toán

Sau khi có tân tổng giám đốc tháng 11, Tập đoàn Novaland (NVL) mới đây quyết định thay đổi đơn vị kiểm toán từ PwC sang Công ty TNHH Kiểm toán và Dịch vụ Tin học Moore AISC, được giới thiệu là một trong những công ty kiểm toán thành lập đầu tiên tại Việt Nam, phục vụ hơn 1.000 khách hàng.

QUẢNG CÁO

Theo Novaland, lý do thay đổi là vì công ty kiểm toán thuộc nhóm “big 4 quyền lực” này không đáp ứng được tiến độ, khiến NVL vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin. Ngoài ra, cả hai bên cũng chưa thống nhất được được tiến độ làm việc để phát hành báo cáo kiểm toán năm 2024.

Giữa tháng 9, cổ phiếu NVL lại bị đưa vào diện cảnh báo vì chậm nộp báo cáo tài chính bán niên soát xét, sau khi đã “thoát” khỏi trạng thái này vào cuối năm 2023, cũng vì chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022.

Một trong những lý do khiến báo cáo soát xét giữa năm vừa qua chậm nộp có thể là vì khoản đánh giá lại lợi nhuận. Theo báo cáo tự lập thì Novaland đang lãi gần 345 tỉ đồng, nhưng sau soát xét thì lại lỗ 7.327 tỉ đồng, nguyên nhân vì yêu cầu “thận trọng” của PwC.

Theo đó, khoản lỗ ghi nhận phần lớn đến từ hai khoản, một là yêu cầu trích lập dự phòng cho số tiền thuê đất, sử dụng đất phải nộp (dù Novaland không đồng ý về việc xác dịnh thời điểm tính tiền sử dụng đất); hai là khoản mục giảm trừ doanh thu hoạt động tài chính (chưa thu được bằng tiền).

Không chỉ Novaland, tranh cãi về quan điểm kiểm toán ở Công ty Xây dựng Hòa Bình (HBC) trước đó cũng thu hút dư luận không kém. Theo đó, HBC cho rằng kiểm toán viên của Công ty AASC đã “quá thận trọng” khi đưa ra ý kiến ngoại trừ cho các khoản nợ phải thu khi chưa thu thập đủ bằng chứng, về định giá tài sản. Đây cũng là công ty kiểm toán thay thế cho Công ty kiểm toán EY Việt Nam, một đơn vị nằm trong nhóm big 4, đã “theo sát” HBC từ năm 2011.

Bên cạnh việc tranh cãi, nhiều công ty niêm yết còn gặp rắc rối khi kiểm toán viên bị đình chỉ tư cách hoạt động. Gần đây nhất là Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (QCG), khi Vụ Giám sát công ty đại chúng, thuộc Ủy ban chứng khoán, nói đã đình chỉ hoạt động của các kiểm toán viên thực hiện kiểm toán cho QCG năm 2023. Theo đó, các kiểm toán viên viên chưa thu nhập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để đưa ra ý kiến kiểm toán theo yêu cầu của chuẩn mực kiểm toán.

Một trường hợp thú vị nổi tiếng khác là Công ty cổ phần Tân Tạo (ITA), hiện cổ phiếu đã chuyển từ diện hạn chế giao dịch sang diện đình chỉ giao dịch hồi cuối tháng 9, cũng liên quan đến việc vi phạm công bố thông tin quá nhiều về báo cáo tài chính. Các kiểm toán viên thực hiện kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2021, 2022 và soát xét bán niên 2023 cho ITA đã bị đình chỉ tư cách kiểm toán.

Trên thực tế, những trường hợp đình chỉ tư cách kiểm toán ở trên ngày càng phổ biến, nhất là sau khi sự kiện thao túng cổ phiếu hay sai phạm được đưa ra ánh sáng, như nhóm cổ phiếu FLC, Louis, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, SCB… Nhưng trên ba sàn niêm yết có hơn 1.500 công ty đại chúng, liệu có bao nhiêu sai phạm kiểm toán còn chưa “bị lộ” hết?

Chất lượng kiểm toán cần cải thiện

Hiện nay, số liệu cho thấy trên sàn HOSE có 42,1% doanh nghiệp được kiểm toán bởi nhóm Big 4, trong khi sàn HNX và UPCOM ghi nhận tỷ lệ thấp hơn, lần lượt là 14,1% và 11,7%. Nhóm Big 4 trong kiểm toán thường là cái tên bảo chứng cho chuẩn mực niêm yết cao hơn cũng như quy mô vốn hóa, nhóm này cũng thường có đặc thù là nhu cầu gọi vốn ngoại cao.

Tuy nhiên, không hẳn cứ big 4 kiểm toán thì công ty sẽ “an toàn”, ngược lại ở Việt Nam đã có một số vụ việc cũng xuất hiện đến những cái tên trong nhóm này. Trên thế giới, những đơn vị kiểm toán toàn cầu lớn nhất cũng thường xuyên bị phạt tiền. Điều này nghĩa là việc cải thiện chất lượng kiểm toán của một thị trường chứng khoán gần 25 năm niêm yết là còn tương đối dài và nhiều việc phải làm.

Theo báo cáo tổng hợp kết quả kiểm tra chất lượng dịch vụ kiểm toán năm 2023 của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, có 1/10 công ty kiểm tra đợt này không đạt yêu cầu, nhưng cũng có nhiều kiểm toán viên ký hồ sơ kiểm toán của số công ty còn lại cũng không đạt yêu cầu. Hướng xử lý là đình chỉ tư cách chấp thuận kiểm toán đối với các kiểm toán viên, hoặc cả công ty, nhưng khu biệt cho các đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán.

Theo báo cáo, có rất nhiều sơ sót được nhắc đến trong khâu kiểm toán và lập báo cáo. Một số vấn đề có thể điểm qua là một vài hồ sơ chưa xem xét đầy đủ rủi ro, Ban Giám đốc khống chế các kiểm soát, gian lận trong việc ghi nhận doanh thu…

Ngoài ra, kiểm toán viên cũng chưa kiểm tra đầy đủ độ tin cậy của tài liệu, thông tin từ khách hàng cung cấp. Chẳng hạn như báo cáo tài chính của công ty con thiếu thuyết minh, chưa được kiểm toán, chưa có đóng dấu xác nhận của lãnh đạo, báo cáo tuổi nợ các khoản phải thu của đơn vị chưa có kiểm tra phân loại tuổi nợ có phù hợp không…

Án phạt còn thấp, chưa đủ tính răn đe cũng được coi là một nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng hiện nay. Chiều ngày 29-11, Quốc hội biểu quyết thông qua nhiều dự luật sửa đổi, bổ sung, trong đó có Luật Kiểm toán độc lập với nhiều sửa đổi. Việc tăng cường mức phạt khi đi vào thực tế, có thể tình trạng chậm nộp báo cáo tài chính sẽ tăng lên, nhưng điều này là rất cần thiết để bảo vệ niềm tin thị trường.

Bên cạnh đó, thông tin từ các đại biểu quốc hội cũng cho thấy các có hai luồng ý kiến, một là làm rõ cơ sở mức xử phạt hành chính, bảo đảm tính răn đe; nhưng cũng có ý kiến chỉ nên tăng mức xử phạt tối đa gấp 2 lần so với hiện nay và thời hiệu xử phạt tối đa là 2 năm do nhu cầu về nhân sự kiểm toán còn thiếu so với quy mô thị trường.

Từ góc nhìn các công ty kiểm toán, câu chuyện xoay quanh khái niệm “sai sót trọng yếu”, nghĩa là ý kiến của kiểm toán viên về báo cáo tài chính không phải là sự đảm bảo tuyệt đối, mà chỉ là đảm bảo báo cáo đã trình bày hợp lý, nếu có sai sót lớn thì nói đến.

Trở lại với câu chuyện ở ITA, doanh nghiệp này vẫn còn đang mòn mỏi đi tìm đơn vị kiểm toán thay thế sau những sự việc kiểm toán viên bị đình chỉ. Vấn đề trở nên nghiêm trọng khi ITA cho biết đã liên hệ tới tất cả đơn vị kiểm toán được phép (30 công ty) nhưng đều bị từ chối. Theo ITA, các kiểm toán “sợ” khi nhìn vào 4 kiểm toán viên bị đình chỉ trước đó. Giá cổ phiếu ITA nay chỉ còn 2.350 đồng/cổ phiếu, giảm gần 64% so với đầu năm. Nhà đầu tư nào còn đang “gánh” cổ phiếu ITA vẫn chưa thấy lối ra vì chưa có báo cáo tài chính kiểm toán.

D. Nguyễn

Share
Bài viết bởi

Fatz Admin

Bình luận đã bị đóng.