(KTSG) – Bốn tháng đầu năm 2024, khối ngoại đã bán ròng khoảng 20.000 tỉ đồng trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam. Mặc dù tỷ trọng giao dịch của khối ngoại hiện nay đã giảm nhiều so với các năm trước, nhưng động thái từ khối ngoại vẫn…
(KTSG) – Bốn tháng đầu năm 2024, khối ngoại đã bán ròng khoảng 20.000 tỉ đồng trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam. Mặc dù tỷ trọng giao dịch của khối ngoại hiện nay đã giảm nhiều so với các năm trước, nhưng động thái từ khối ngoại vẫn ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý nhà đầu tư và còn cho thấy góc nhìn của khối ngoại đối với TTCK nước ta hiện nay đang như thế nào.
Khối ngoại bán ròng liên tục nhưng sức ảnh hưởng đã giảm đáng kể
Theo kết quả thống kê từ đầu năm 2024 tới ngày 3-5-2024, khối ngoại đã bán ròng khoảng hơn 20.000 tỉ đồng trên TTCK Việt Nam và tỷ trọng sở hữu nước ngoài đã giảm từ 18,24% cuối năm 2023 xuống 17,89%. Điều đáng nói là động thái bán ròng của khối ngoại đã kéo dài liên tiếp từ đầu năm 2023 đến nay, ước tính hơn 44.800 tỉ đồng, và nếu mở rộng hơn – kể từ năm 2020 (năm xảy ra đại dịch Covid-19) – thì mức bán ròng đã hơn 91.000 tỉ đồng.
Mặc dù khối ngoại bán ròng liên tiếp, nhưng tác động của khối ngoại vào biến động của TTCK Việt Nam đã giảm đi đáng kể. Lý do là kể từ năm 2023 khi khối khách hàng tổ chức nước ngoài (đại diện chính cho khối ngoại) thực hiện bán ròng thì nhóm khách hàng cá nhân trong nước ngược lại là đối tượng mua ròng áp đảo. Trong khi đó, nhóm tổ chức trong nước và nhóm khách hàng cá nhân nước ngoài giao dịch khá ổn định trong cùng khoảng thời gian.
Như vậy có thể thấy, trong giai đoạn từ năm 2023 đến nay, khối nhà đầu tư cá nhân trong nước đang là thành phần giao dịch chi phối và năng động nhất trên TTCK Việt Nam, là trụ đỡ thay thế và hỗ trợ cho thị trường trong giai đoạn tổ chức nước ngoài bán ròng.
Động thái của khối ngoại hàm ý điều gì?
TTCK Việt Nam vẫn là thị trường hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài so với một số thị trường trong khu vực. Cụ thể, với các quỹ giao dịch thụ động (ETFs) thì Việt Nam vẫn là thị trường giao dịch khá năng động trong khoảng thời gian từ năm 2020-2022 so với các thị trường khác trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, xu hướng này bắt đầu đảo chiều kể từ năm 2023 đến nay, khi các quỹ thụ động cũng như khối ngoại nói chung liên tục bán ròng trên thị trường Việt Nam.
Mặc dù tỷ lệ sở hữu của khối ngoại hiện nay chỉ chiếm khoảng 17-18% của VN-Index nhưng động thái bán ròng của khối ngoại vẫn rất được các nhà đầu tư quan tâm. Lý do là vì phần lớn các tổ chức nước ngoài đều là nhà đầu tư chuyên nghiệp, có góc nhìn dài hạn từ vĩ mô cho tới doanh nghiệp. Do đó, khi nhóm này thực hiện bán ròng, các nhà đầu tư sẽ liên tưởng tới những rủi ro của TTCK Việt Nam dưới góc nhìn quốc tế.
Hơn nữa, việc thiếu đi trụ cột khối ngoại khiến cho tính biến động của TTCK Việt Nam trở nên mạnh hơn do khối nhà đầu tư cá nhân thường có tính chất đầu tư bầy đàn rất cao. Việc thị trường biến động cao sẽ khiến thị trường không bền vững trong dài hạn và vì vậy sẽ khó để thị trường phát triển hay nâng hạng.
Khối ngoại đang còn chờ đợi điều gì?
Dòng vốn toàn cầu đang trải qua hai đợt tái cơ cấu lớn, một đợt xảy ra trong giai đoạn 2020-2021 do chính sách tiền tệ của các quốc gia thay đổi để ứng phó với đại dịch Covid-19 và một đợt xảy ra từ năm 2022 đến nay khi dòng vốn thay đổi sau các xung đột địa chính trị.
Rủi ro lệch pha chính sách tiền tệ giữa các nước phát triển và đang phát triển sẽ ảnh hưởng tới kế hoạch phân bổ vốn vào các nước đang phát triển do lo ngại về rủi ro tỷ giá, trong đó có Việt Nam.
Xu hướng dòng vốn gián tiếp đầu tư vào các TTCK đang phát triển nói chung và TTCK Việt Nam nói riêng vẫn còn hết sức thận trọng. Các yếu tố chính mà nhà đầu tư toàn cầu quan tâm khi phân bổ vốn vào thị trường các nước đang phát triển hiện nay gồm:
Thứ nhất, các xung đột địa chính trị vẫn còn kéo dài và khó dự báo, điều này ảnh hưởng đến kế hoạch phân bổ vốn toàn cầu của các tổ chức đầu tư toàn cầu. Trong giai đoạn còn nhiều bất ổn và khó dự báo thì dòng vốn có xu hướng rút về nước hoặc các thị trường phát triển, chỉ đến khi các xung đột này giảm bớt thì tỷ trọng phân bổ cho thị trường các nước đang phát triển mới được nâng lên. Do đó, dòng vốn nước ngoài đầu tư vào TTCK Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng bởi yếu tố khách quan này.
Thứ hai, hiện nay chính sách tiền tệ của các nước phát triển và đang phát triển vẫn còn lệch pha. Cụ thể, chính sách lãi suất của Mỹ và EU vẫn neo cao, trong khi các nước như Việt Nam, Trung Quốc… đã giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế. Rủi ro lệch pha chính sách tiền tệ sẽ ảnh hưởng tới kế hoạch phân bổ vốn vào các nước đang phát triển do lo ngại về rủi ro tỷ giá, trong đó có Việt Nam.
Cuối cùng, xét riêng nội tại kinh tế Việt Nam thì mấy năm vừa qua cũng trải qua một giai đoạn khó khăn. Do đó, nhà đầu tư nước ngoài chờ đợi thêm những tín hiệu phục hồi chắc chắn hơn trước khi thực hiện phân bổ vốn.
Trong những yếu tố kể trên, chúng ta chỉ có thể cố gắng điều chỉnh hai yếu tố sau cùng để thu hút nhà đầu tư nước ngoài sớm trở lại, còn đối với yếu tố đầu tiên thì là khách quan và cần chờ đợi thêm.
Kinh tế Sài Gòn Online