Khối ngoại bán ròng đột biến hơn 1.600 tỷ đồng trong phiên 5/12, điều gì đang diễn ra?

Khối ngoại bất ngờ bán ròng hơn 1.600 tỷ đồng trong phiên 5/12, mạnh nhất trong gần 11 tháng (kể từ ngày 13/1) khiến không ít nhà đầu tư có phần lo lắng. Dòng tiền không mặn mà mua đuổi giá cao khiến thị trường “nguội” sau phiên giao dịch…

Fatz Admin lúc 2023-12-05
Khối ngoại bán ròng đột biến hơn 1.600 tỷ đồng trong phiên 5/12, điều gì đang diễn ra?

Khối ngoại bất ngờ bán ròng hơn 1.600 tỷ đồng trong phiên 5/12, mạnh nhất trong gần 11 tháng (kể từ ngày 13/1) khiến không ít nhà đầu tư có phần lo lắng.

Dòng tiền không mặn mà mua đuổi giá cao khiến thị trường “nguội” sau phiên giao dịch bùng nổ. VN-Index đóng cửa phiên 5/12 với mức giảm 4,52 điểm (tương đương 0,4%) để lùi về 1.115 điểm. Thanh khoản cũng xịt hơi khi giá trị khớp lệnh trên HOSE chỉ còn 15.500 tỷ đồng, giảm 30% so với phiên giao dịch trước.

Tâm điểm đáng chú ý là giao dịch khối ngoại khi họ bất ngờ bán ròng hơn 1.600 tỷ đồng trên toàn thị trường, mạnh nhất trong vòng gần 11 tháng (kể từ ngày 13/1). Tính từ đầu năm 2023, đây là phiên thứ 4 khối ngoại ghi nhận mức bán ròng trên 1.000 tỷ đồng. Đây cũng là phiên bán ròng thứ 5 liên tiếp của khối ngoại. Lũy kế từ đầu năm tới nay, khối ngoại đã bán ròng hơn 15.000 tỷ đồng, trong đó riêng giá trị bán ròng trên sàn HoSE là hơn 17.000 tỷ đồng.

Hàng loạt cổ phiếu chịu áp lực bán ròng của khối ngoại có thể kể đến như HPG -188 tỷ đồng, VHM -172 tỷ, VCB -100 tỷ, VNM -91 tỷ, VND -83 tỷ, VPB -76,3 tỷ, DXG -76 tỷ, SSI -67 tỷ,…

QUẢNG CÁO
Khối ngoại bán ròng đột biến hơn 1.600 tỷ đồng trong phiên 5/12, điều gì đang diễn ra? - Ảnh 1.

Nhìn nhận về động thái của khối ngoại, ông Trần Trương Mạnh Hiếu – Trưởng phòng phân tích Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam cho rằng diễn biến này không quá bất ngờ bởi khi bước vào tháng cuối năm, nhiều quỹ ngoại đang cố gắng cơ cấu lại danh mục để đưa về mức mục tiêu trước đó. Điều này khiến áp lực bán ròng mạnh của khối ngoại có thể xuất hiện nhiều hơn. Tuy nhiên, vị chuyên gia nhận thấy áp lực bán ròng từ khối ngoại đang được hấp thụ từ tự doanh và nhà đầu tư cá nhân, do đó khả năng sẽ không gây tác động lớn đến thị trường chung.

Nhìn rộng hơn, việc Fed duy trì lãi suất ở mức cao như hiện tại ảnh hưởng khá nhiều dòng vốn toàn cầu. Nhiều quỹ phải cơ cấu lại danh mục của họ và chuyển hướng dòng vốn về các thị trường phát triển và Việt Nam cũng bị ảnh hưởng tương ứng trong xu thế này.

Về phần mình, ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Phân tích Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng thị trường xuất hiện tin đồn các nhóm quỹ ngoại lớn bán dẫn đến áp lực trong phiên hôm nay, song chủ yếu vẫn là do xu hướng cơ cấu danh mục của các nhóm quỹ. 

Vị chuyên gia cho rằng động thái này không tác động nhiều đến thị trường chung, vì giá trị giao dịch của khối ngoại trên toàn thị trường chỉ chiếm chưa tới 10% giao dịch. Đơn cử như giai đoạn năm 2020-2021 khối ngoại liên tục bán ròng nhưng thị trường vẫn đi lên mạnh mẽ. Dù vậy, không thể phủ nhận động thái kém phần tích cực của khối ngoại có thể ảnh hưởng đến tâm lý thị trường trong ngắn hạn.

Trên thực tế, khối ngoại đã liên tục bán ròng trong suốt từ đầu năm 2023 đến nay. Định giá chưa thực sự hấp dẫn là một trong những nguyên nhân khiến khối ngoại chưa “mặn mà” gom hàng.

Sau mùa BCTC với kết quả lợi nhuận chưa hoàn toàn hồi phục, P/E của VN-Index ghi nhận gần 13 lần. Con số này cao hơn nhiều so với thời điểm xuống đáy hồi cuối năm ngoái (P/E khoảng 9,x lần). Thậm chí, theo thống kê của FiinGroup, nếu không tính đến nhóm bất động sản, P/E thị trường đã cán mốc 23,5 lần – cao hơn định giá khi VN-Index vượt mốc 1.500 điểm để thiết lập mức đỉnh lịch sử từ trước đến nay. Vì thế, rất khó kỳ vọng vào một đợt mua ròng dồn dập của khối ngoại như giai đoạn năm trước.

Capture.PNG

Thêm nữa, thị trường trước khi điều chỉnh đã có một khoảng thời gian đi lên kéo dài nhiều tháng. Rất nhiều cổ phiếu đã tăng hàng chục phần trăm. Do đó, áp lực chốt lời mạnh là khó tránh khỏi. Mức chiết khấu trên nhiều cổ phiếu có thể cũng chưa đủ hấp dẫn đối với khối ngoại.

Ngoài ra, nhà đầu tư ngoại bán cổ phiếu có thể xuất phát từ những lo ngại về sự ảnh hưởng của các sự kiện quốc tế như chính sách của Fed, biến động của lãi suất, tỷ giá leo thang, giá dầu.. Việc Việt Nam đi ngược thế giới trong điều hành lãi suất có thể khiến dòng vốn đầu tư nước ngoài trở nên thận trọng hơn. Áp lực rút vốn được dự báo sẽ mạnh hơn trên các thị trường cận biên (frontier) như chứng khoán Việt Nam và khó có thể kỳ vọng các quỹ cận biên giải ngân thêm vào trong giai đoạn hiện nay.

Xét về yếu tố dài hạn, dòng vốn ngoại suốt nhiều năm qua vẫn “phập phù” trên thị trường chứng khoán có một phần nguyên nhân xuất phát từ nội tại. Cơ cấu thị trường Việt Nam hiện vẫn ghi nhận tỷ trọng nghiêng hẳn về nhóm tài chính (ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm) và bất động sản, trong khi các lĩnh vực công nghệ, dược phẩm, sản xuất, dịch vụ,… lại hiện diện tương đối ít, không có nhiều cái tên tiêu biểu. Hàng hoá trên thị trường thiếu hụt khiến nhà đầu tư nước ngoài không có nhiều lựa chọn.

Tuy nhiên, tiềm năng tăng trưởng của các doanh nghiệp niêm yết trên nền tảng vĩ mô ổn định được kỳ vọng sẽ dần cải thiện sức hấp dẫn của chứng khoán Việt Nam trong mắt nhà đầu tư nước ngoài. Thêm nữa, triển vọng nâng hạng ngày càng rõ ràng với nỗ lực của cơ quan quản lý và các thành viên thị trường được kỳ vọng sẽ góp phần thu hút khối ngoại trong tương lai.

Mai Chi

Đời sống Pháp luật

Share
Bài viết bởi

Fatz Admin

Bình luận đã bị đóng.