Hiệu suất các quỹ đầu tư cổ phiếu tiếp tục âm nặng trong tháng 10, hai tên tuổi lớn thua lỗ gần 50% kể từ đầu năm

Trong bối cảnh thị trường kém thuận lợi, không bất ngờ khi hầu hết các tổ chức lớn trên thị trường đều ghi nhận hiệu suất hoạt động âm, từ các quỹ thụ động đến chủ động. Thị trường chứng khoán vừa trải qua tháng 10 đầy sóng gió khi…

Fatz Admin lúc 2022-11-03
Hiệu suất các quỹ đầu tư cổ phiếu tiếp tục âm nặng trong tháng 10, hai tên tuổi lớn thua lỗ gần 50% kể từ đầu năm

Trong bối cảnh thị trường kém thuận lợi, không bất ngờ khi hầu hết các tổ chức lớn trên thị trường đều ghi nhận hiệu suất hoạt động âm, từ các quỹ thụ động đến chủ động.

Thị trường chứng khoán vừa trải qua tháng 10 đầy sóng gió khi VN-Index giảm 9,2%, nhiều lúc đã thủng mốc quan trọng 1.000 điểm. Phần lớn các cổ phiếu đều giảm mạnh, thậm chí nhiều tên tuổi lớn còn thủng đáy Covid và mất hàng chục phần trăm thị giá. Do đó, không bất ngờ khi hầu hết các tổ chức lớn trên thị trường đều ghi nhận hiệu suất hoạt động âm, từ các quỹ thụ động đến chủ động.

Trong số các quỹ lớn được thống kê, mức thua lỗ nặng nhất trong tháng 10 ghi nhận tại FTSE Vietnam ETF với hiệu suất âm hơn 15%. Theo sau, hiệu suất của Fubon ETF, VNM ETF và SSIAM VNFinlead ETF cũng đồng loạt âm từ 12%-13%, mạnh hơn mức giảm của 2 chỉ số chính là VN-Index và VN30-Index.

Khả quan hơn đôi chút, DCVFM VN30 ETF có hiệu suất tương đương với mức giảm của VN30-Index trong khi DCVFM VNDiamond ETF “tích cực” nhất cũng giảm gần 9% trong tháng 10.

QUẢNG CÁO
Hiệu suất các quỹ đầu tư cổ phiếu tiếp tục âm nặng trong tháng 10, hai tên tuổi lớn thua lỗ gần 50% kể từ đầu năm - Ảnh 1.

Thực tế, các quỹ thụ động ETFs đều lựa chọn các chỉ số lớn trên thị trường làm tham chiếu và danh mục có trọng số lớn đặt vào các cổ phiếu hàng đầu như VIC, VHM, MSN, HPG, NVL,… Với SSIAM VNFinLead ETF, danh mục đều là cổ phiếu tài chính (ngân hàng, chứng khoán) như MBB, TCB, STB, SSI, VND,… trong khi Diamond ETF với MWG, FPT, PNJ, REE,… chiếm tỷ trọng lớn. Thị trường biến động và hầu hết các cổ phiếu trên chịu áp lực bán mạnh khiến thị giá rơi nhanh, đẩy hiệu suất của các ETFs giảm mạnh.

Đáng chú ý, quỹ mới thành lập DCVFM VNMidcap ETF với việc lấy chỉ số Midcap làm tham chiếu cũng phải chịu hiệu suất âm gần 12,5% trong tháng 10 vừa qua. Danh mục của VNMidcap ETF hiện ghi nhận SSB, MSB, VIB, VND, DGC, LPB, REE,… chiếm tỷ trọng lớn.

Không chỉ ETFs, các quỹ chủ động như LionGlobal Vietnam Fund hay VEIL đều ghi nhận hiệu suất âm 14,83% và 14,56% – mạnh hơn đáng kể đà giảm của các chỉ số chính của thị trường. Các quỹ khác như JPMorgan VOF và KIM Vietnam Korea là những cái tên cũng có hiệu suất kém hơn VN-Index.

Pyn Elite Fund, VOF VinaCapital đỡ tệ hơn nhưng hiệu suất cũng đều âm trên dưới 10%. Như vậy, dù chủ động hơn trong việc cơ cấu danh mục nhưng dường như nhịp điều chỉnh sâu của thị trường, đặc biệt trong nửa cuối tháng vẫn khiến các quỹ đầu tư này không kịp trở tay.

Mức giảm thấp nhất ghi nhận tại quỹ DCDS (do Dragon Capital quản lý) với mức lỗ hơn 5% trong tháng qua. Danh mục của DCDS không chỉ có cổ phiếu mà còn nắm giữ khoảng 20% tỷ trọng tiền và trái phiếu. Việc không “tất tay” vào cổ phiếu đã giúp DCDS có hiệu suất tốt hơn trong giai đoạn thị trường biến động tiêu cực.

Kết quả thất vọng của tháng 10 đã tiếp tục nới rộng mức thua lỗ của các quỹ lớn từ đầu năm 2022. Nhiều quỹ đầu tư như JPMorgan VOF, SSIAM VNFinlead ETF hay VEIL đã lỗ trên 38% sau 10 tháng, sâu hơn so với mức giảm của 2 chỉ số VN-Index và VN30-Index. Thậm chí, bộ đôi ETF tên tuổi là VNM ETF và FTSE Vietnam ETF còn có hiệu suất âm đến hơn 45%.

Hiệu suất các quỹ đầu tư cổ phiếu tiếp tục âm nặng trong tháng 10, hai tên tuổi lớn thua lỗ gần 50% kể từ đầu năm - Ảnh 2.

Những quỹ đầu tư có hiệu suất khả quan hơn đôi chút như Lion Global Vietnam Fund, KIM Vietnam Korea, VN30 ETF đều lỗ khoảng 32% sau 10 tháng trong khi Diamond ETF tích cực nhất trong nhóm các quỹ thụ động cũng lỗ gần 21%.

Mặc dù lỗ lớn, song các quỹ tên tuổi vẫn tỏ ra lạc quan hơn vào triển vọng của thị trường. Ông Petri Deryng, nhà sáng lập và quản lý PYN Eltie Fund trong chia sẻ mới đây vẫn bày tỏ niềm tin vào TTCK Việt Nam. Ông cho rằng chưa tìm thấy báo cáo của nhà kinh tế vĩ mô nào đánh giá triển vọng kinh tế của Việt Nam sẽ yếu kém trong thập kỷ này. Dù nhịp điều chỉnh mạnh đang gây sốc cho nhà đầu tư, song việc phân biệt điểm mạnh và điểm yếu của Việt Nam phải được xem xét một cách nghiêm túc để có được cái nhìn sâu sắc về những gì có thể xảy ra trong 12 tháng tới. Bước ngoặt quan trọng có thể xuất hiện khi FED chỉ ra rằng các đợt tăng lãi suất lớn nhất đang ở phía sau.. Sự biến mất của kỳ vọng tăng lãi suất tiếp theo có thể kích hoạt sự đảo chiều với đồng USD.

Vị này lạc quan nói rằng “không cần quá lo ngại về danh mục của PYN Elite” vì nền tảng của nền kinh tế Việt Nam vẫn lành mạnh và các đợt nâng lãi suất chỉ làm chậm lại đà tăng trưởng đôi chút. Ông Petri định giá cổ phiếu đang rất rẻ và các mức hợp lý của chỉ số trong vài năm tới đều cao hơn so với mức thị trường bước vào năm 2022.

Phương Linh

Nhịp Sống Thị Trường

Share
Bài viết bởi

Fatz Admin

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x