(KTSG Online) – Động thái bất ngờ bán tháo hàng loạt trong phiên chiều ngày 15-4 khiến chỉ số VN-Index đảo chiều lao dốc, giảm mạnh gần 60 điểm với hơn 100 mã giảm sàn trên HOSE. Rất nhiều mã giảm hết biên độ trong phiên ngày 15-4. Nguồn: Vietstock…
(KTSG Online) – Động thái bất ngờ bán tháo hàng loạt trong phiên chiều ngày 15-4 khiến chỉ số VN-Index đảo chiều lao dốc, giảm mạnh gần 60 điểm với hơn 100 mã giảm sàn trên HOSE.
Trái với diễn biến lưỡng lự trong phiên sáng với thanh khoản ở mức thấp, lực bán tăng nhanh vào buổi chiều khiến nhiều nhà đầu tư đua nhau bán tháo. Dù lực cầu có xuất hiện nhưng không đủ để “cứu” thị trường, thậm chí áp lực bán còn mạnh hơn trong phiên ATC.
Mức giảm khoảng 10 điểm vào đầu phiên chiều nhanh chóng mở rộng lên 50 điểm. VN-Index chốt phiên 15-4 giảm đến 59,99 điểm, tương ứng giảm 4,7%, xuống mức 1.216,61 điểm.
Áp lực bán tháo rất lớn và ở trên nhiều ngành nghề khiến chỉ số VN-Index gần như “rơi tự do”. Trên sàn HOSE, có 475 mã giảm điểm, trong đó có 111 mã giảm sàn, vượt trội so với 40 mã tăng. Còn tính tổng ba sàn, số mã giảm sàn lên đến 157 trong tổng số 587 mã giảm, 726 mã giữ tham chiếu và 122 mã tăng giá.
Vấn đề thị trường giảm sâu là vì nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đều giảm mạnh. Chỉ số VN30-Index cũng giảm 4,42%, trong đó có 29 mã giảm, gồm 6 cổ phiếu giảm sàn. Cổ phiếu ngân hàng, bất động sản, bán lẻ, chứng khoán, hàng tiêu dùng đều giảm sâu.
Thanh khoản trên thị trường cũng tăng mạnh trong buổi chiều, với giá trị giao dịch đạt 33.200 tỉ đồng trên HOSE. Đáng chú ý là khối ngoại tiếp tục “mạnh tay” bán ròng với giá trị gần 1.200 tỉ đồng. Khối ngoại còn tập trung vào bán các cổ phiếu nhóm trụ, vốn hóa lớn nên càng gây áp lực đến chỉ số VN-Index.
Với mức giảm trong ngày 15-4 cũng ghi nhận phiên lao dốc mạnh nhất của chỉ số VN-Index trong gần hai năm qua, trước đó là mức giảm 4,82% (tương ứng 63 điểm) trong phiên ngày 12-5-2022.
Hiện nay, các thông tin vĩ mô được cho là khá tiêu cực đối với thị trường chứng khoán trên toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng. Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang chịu áp lực lớn từ xu hướng tăng của tỷ giá.
Trong tuần trước, VN-Index “ngược dòng” thế giới khi tăng 21,49 điểm, trong đó nhóm dịch vụ tài chính (chứng khoán) dẫn dắt đà tăng của thị trường. Thanh khoản toàn thị trường giảm 26% so với tuần trước, còn 21.358 tỉ đồng, trong đó thanh khoản qua khớp lệnh giảm 32,4% xuống mức 18.334 tỉ đồng.
Kinh tế Sài Gòn Online