Góc nhìn chuyên gia: Khả năng thị trường tiếp tục đi lên, “săn” cơ hội ở nhóm cổ phiếu có triển vọng KQKD tốt và đang phát tín hiệu tăng

Theo chuyên gia, dòng tiền được kỳ vọng sẽ tiếp tục luân chuyển sang các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ chưa tăng mạnh, tiêu biểu như các cổ phiếu thuộc nhóm ngành bất động sản, xây dựng, dệt may và bảo hiểm. Thị trường chứng khoán có tuần…

Fatz Admin lúc 2024-03-03
Góc nhìn chuyên gia: Khả năng thị trường tiếp tục đi lên, "săn" cơ hội ở nhóm cổ phiếu có triển vọng KQKD tốt và đang phát tín hiệu tăng

Theo chuyên gia, dòng tiền được kỳ vọng sẽ tiếp tục luân chuyển sang các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ chưa tăng mạnh, tiêu biểu như các cổ phiếu thuộc nhóm ngành bất động sản, xây dựng, dệt may và bảo hiểm.

Thị trường chứng khoán có tuần giao dịch 26/2 – 1/3 tương đối khởi sắc với thanh khoản và dòng tiền vận động sôi nổi. VN-Index ghi nhận tuần tăng điểm thứ 4 liên tiếp, lên sát ngương 1.260 điểm. Dòng tiền duy trì tốt trong thị trường, lan tỏa và luân chuyển xoay vòng trong các nhóm ngành với nhiều cổ phiếu vượt đỉnh như ngân hàng, chứng khoán, thép, thủy sản, bất động sản, bán lẻ, hóa chất. Khối ngoại có tuần mua ròng cả tuần đạt 116 tỷ đồng, trong đó bán ròng 56 tỷ khớp lệnh và mua ròng 172 tỷ thoả thuận.

Với diễn biến hưng phấn, các chuyên gia nghiêng về kịch bản thị trường sẽ tiếp diễn đà tăn, tuy nhiên lưu ý rủi ro điều chỉnh có thể xảy ra khi chỉ số lên ngưỡng điểm cao. Nhà đầu tư được khuyến nghị tránh mua đuổi và kiên nhẫn chờ đợi gia tăng tỷ trọng khi VN-Index có nhịp điều chỉnh.

vnindex_ind.png

Rủi ro đảo chiều ở mức thấp, tập trung vào việc lựa chọn các doanh nghiệp có yếu tố cơ bản tốt

QUẢNG CÁO

Theo quan điểm của ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng phân tích – Nghiên cứu Chứng khoán Agriseco mặc dù áp lực chốt lời có phần gia tăng trong hai phiên cuối tuần, việc VN-Index lần nữa bảo vệ thành công ngưỡng hỗ trợ gần quanh 1.230-1.240 điểm cho thấy lực cầu từ phe mua vẫn đang chiếm ưu thế và xu hướng tăng trong trung hạn vẫn đang được bảo lưu. Rủi ro đảo chiều xu hướng ở thời điểm hiện tại là thấp khi mà nhiều mã cổ phiếu vốn hóa lớn, cổ phiếu dẫn dắt hiện vẫn chưa chạm vùng cản mạnh. Trong khi đó, việc chỉ số tiếp tục bám sát biên trên của dải Bollinger càng làm củng cố thêm cho đà tăng trong ngắn hạn của thị trường. Trong tuần tới, Vn-Index được kỳ vọng sẽ tiếp tục xu hướng tăng điểm và tiệm cận ngưỡng cản đáng lưu ý quanh 1.280 (+-5) điểm.

Theo số liệu thống kê trong tháng 2 cho thấy, các cổ phiếu thuộc nhóm ngành vốn hóa lớn, đặc biệt là VN30-Index ghi nhận mức tăng vượt trội so với mặt bằng chung. Trong bối cảnh thị trường vẫn giao dịch khá sôi động với thanh khoản và điểm số có sự cải thiện đáng kể, dòng tiền được kỳ vọng sẽ tiếp tục luân chuyển sang các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ chưa tăng mạnh, tiêu biểu như các cổ phiếu thuộc nhóm ngành bất động sản, xây dựng, dệt may và bảo hiểm.

Với kỳ vọng dòng tiền sẽ tiếp tục luân chuyển trong thị trường, ông Khoa khuyến nghị các nhà đầu tư nên tập trung vào việc lựa chọn các doanh nghiệp có yếu tố cơ bản tốt với mức giá hiện vẫn đang ở gần các vùng hỗ trợ đáng lưu ý như MA20 hay đi ngang tích lũy trong biên độ hẹp với thanh khoản giảm dần. Đối với các mã cổ phiếu trong danh mục đã tăng quá cao và giá cổ phiếu rời xa vùng nền tích lũy, cần cân nhắc bán hạ tỷ trọng để bảo toàn lợi nhuận, chờ khi giá cổ phiếu có diễn biến tích lũy trở lại trước khi giải ngân mới.

Theo chuyên gia Agriseco, số liệu kinh tế trong 2 tháng đầu năm cho thấy bức tranh có phần tích cực hơn khi mà lạm phát vẫn tiếp tục trong tầm kiểm soát, xuất khẩu ghi nhận mức tăng trưởng khả quan và số vốn FDI đăng ký cho thấy Việt Nam tiếp tục là diểm ưa thích của các nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, chỉ số PMI cũng lần đầu vượt lên mức 50 điểm và duy trì trong suốt 2 tháng qua cho thấy tình hình kinh doanh đang dần được cải thiện với số lượng đơn hàng hồi phục trở lại. Theo đó, có cơ sở để kỳ vọng những điều xấu nhất đã qua đi và Việt Nam nói chung cũng như các doanh nghiệp niêm yết nói riêng đang trên đà hồi phục và quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng bền vững trong trung và dài hạn. Tiềm năng tăng trưởng sáng lạn sẽ là yếu tố thu hút dòng vốn đầu tư của khối ngoại quay trở lại Việt Nam trong tương lai.

Rung lắc trên đường đi lên, nhà đầu tư tránh mua đuổi tại những nhịp tăng mạnh

Theo đánh giá của ông Nguyễn Đình Thuận, Chuyên viên phân tíchChứng khoán KB Việt Nam, thị trường có tuần giao dịch ở trạng thái tương đối tích cực với dòng tiền lan toả sang nhiều nhóm ngành khác nhau. Từ nhóm ngân hàng, dòng tiền luân phiên tìm tới các ngành như thuỷ sản, chứng khoán, thép, dầu khí,….

Trong kịch bản cơ sở cho tuần tới, ông Thuận cho rằng VN-Index có thể tiếp tục đà phục hồi với thanh khoản duy trì nhưng sẽ xuất hiện nhiều hơn những pha rung lắc trên đường đi lên. Đặc biệt, vị chuyên gia này lưu ý tới rủi ro chỉ số chính có nhịp điều chỉnh trong ngắn hạn cũng sẽ tăng dần khi thị trường tiếp cận gần các ngưỡng kháng cự tại vùng cao và xuất hiện áp lực chốt lời.

Ông Thuận cho rằng dòng tiền sẽ tìm đến nhóm ngành có yếu tố tích cực từ triển vọng kết quả kinh doanh trong năm 2024 và giá cổ phiếu đang ở vùng nền tích luỹ hoặc chỉ mới phát đi tín hiệu tăng. Một số nhóm ngành với câu chuyện kỳ vọng trong 2024 có thể lưu ý như nhóm bán lẻ với kỳ vọng phục hồi tăng trưởng KQKD từ nền thấp, nhóm Bất động sản KCN với câu chuyện dòng vốn FDI hay nhóm xuất khẩu với trạng thái nhu cầu phục hồi,… Bên cạnh đó, một số nhóm ngành trễ nhịp hơn so với thị trường rất có thể sẽ được sự chú ý của dòng tiền trong một vài phiên tới.

Trong bối cảnh hiện tại, nhà đầu tư được khuyến nghị nên nắm giữ cổ phiếu với mức tỷ trọng vừa phải. Trên cơ sở kỳ vọng vào sự luân chuyển của dòng tiền giữa các nhóm ngành, danh mục nên ưu tiên duy trì những cổ phiếu có triển vọng KQKD tích cực trong 2024 và giá đang ở nền tích luỹ hoặc vừa mới phát đi tín hiệu tăng. Với danh mục có tỷ trọng cổ phiếu cao, nhà đầu tư nên cân nhắc hạ dần tỷ trọng với những cổ phiếu đã tăng nóng và xuất hiệu dấu hiệu suy yếu, vi phạm xu hướng tăng.

Về thời điểm giải ngân mới, nhà đầu tư nên tránh mua đuổi tại những nhịp tăng sớm và kiên nhẫn chờ đợi gia tăng tỷ trọng chỉ khi VN-Index có nhịp điều chỉnh về những ngưỡng hỗ trợ đáng lưu ý cùng xu hướng của dòng tiền vẫn được duy trì tích cực.

Vị chuyên gia của KB Việt Nam cũng kỳ vọng vào sự trở lại của dòng vốn ngoại trong thời gian tới. NếuViệt Nam được các tổ chức thế giới nâng hạng từ thị trường cận biên mới nổi trong năm 2025, nguồn vốn hàng tỷ USD từ các quỹ đầu tư lớn của nước ngoài sẽ được giải ngân vào thị trường. Bên cạnh đó, Việt Nam là quốc gia với tiềm năng phát triển kinh tế mạnh mẽ cùng nền chính trị ổn định. Những nỗ lực gần đây của chính phủ trong việc cải thiện môi trường đầu tư càng khiến Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư ngoại. Trong bối cảnh vĩ mô ổn định và định giá của thị trường hiện nay vẫn tương đối hợp lý, dòng vốn nước ngoài còn nhiều động lực để quay trở lại đầu tư vào thị trường Việt Nam trong tương lai gần.

Nhà đầu tư nên chấp nhận rủi ro cao hơn, nhịp chỉnh là cơ hội gia tăng tỷ trọng cổ phiếu

Dưới góc nhìn của ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Phân tích Chứng khoán Yuanta Việt Nam,đà hưng phấn của nhóm ngân hàng đã lan toả đến một số nhóm cổ phiếu khác như dòng chứng khoán, thép, bất động sản, thực phẩm,… Nhìn chung, nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn thay nhau đóng vai trò dẫn dắt giúp VN-Index bật tăng mạnh về điểm số.

Hiện dòng tiền vào chứng khoán quá mạnh và bản chất thị trường không có nhiều lý do để điều chỉnh quá sâu, chuyên gia Yuanta nhận định mức hỗ trợ 1.200-1.210 điểm khá mạnh cho những nhịp điều chỉnh sắp tới.

Theo ông Minh,VN-Index vẫn sẽ có sức bật tốt lên vùng 1.300 điểm, tích cực hơn là 1.414 điểm. Rung lắc sẽ khó tránh khỏi trong quá trình đi lên, nhưng chuyên gia cho rằng đây là cơ hội gia tăng tỷ trọng cổ phiếu cho tầm nhìn cả ngắn, trung và dài hạn.

Về chiến lược đầu tư thời điểm này, chuyên gia Yuanta cho rằng nhà đầu tư nên chấp nhận rủi ro cao hơn. Cơ hội vẫn xuất hiện tại một số nhóm cổ phiếu mới bắt đầu tăng như thép, một vài cổ phiếu bất động sản và chứng khoán.

Phương Linh

An ninh Tiền tệ

Share
Bài viết bởi

Fatz Admin

Bình luận đã bị đóng.