Với việc xu hướng tăng trung và dài hạn vẫn đang được duy trì, chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục nắm giữ các vị thế trung và dài hạn trong danh mục. Mặt khác, việc nâng tỷ trọng chỉ nên được thực hiện ở các vùng nền…
VN-Index đầu tuần giằng co quanh ngưỡng 1.250 điểm với nhiều phiên rung lắc liên tục cùng thanh khoản suy giảm dưới mức trung bình, thể hiện áp lực bán không mạnh trong khi lực cầu vẫn tỏ ra thận trọng. Phiên cuối tuần 12/4 ghi nhận sự tích cực lan tỏa toàn thị trường khi VN-Index tăng hơn 18 điểm khi UBCK làm việc với FTSE Russell và Morgan Stanley bàn về công tác nâng hạng thị trường. Kết tuần 9-12/4, VN-Index tăng 1,7% lên 1.276,6 điểm.
Khối ngoại mặc dù có động thái mua ròng trở lại trong một vài phiên song giá trị không quá lớn, tổng cộng vẫn bán ròng khoảng 1.000 tỷ đồng trên toàn thị trường trong tuần qua.
Theo dự báo của các chuyên gia, thị trường chứng khoán vẫn đang trong xu hướng điều chỉnh để tìm kiếm một điểm cân bằng. Nhà đầu tư được khuyến nghị cần thận trọng, duy trì tỷ trọng cổ phiếu vừa phải và hạn chế sử dụng đòn bẩy trong giai đoạn này.
Thị trường chưa thực sự tích cực, tránh mua đuổi hưng phấn ở vùng giá cao
Xét về bối cảnh thế giới, ông Bùi Văn Huy – Giám đốc Chi nhánh Chứng khoán DSC đánh giá nhiều áp lực trở lại với việc CPI của Mỹ cao hơn dự đoán tháng thứ 3 liên tiếp khiến lộ trình hạ lãi suất của FED có thể chậm lại. Lợi suất trái phiếu và đồng Dollar tăng mạnh trở lại. Trong khi đó xung đột đẩy thị trường hàng hóa tăng mạnh đồng thời gây áp lực lạm phát tiềm ẩn. Các thị trường chứng khoán quốc tế cũng đang thể hiện sự suy yếu. Do đó tác động từ thị trường chứng khoán thế giới nhìn chung là tiêu cực.
Trong nước, tình hình cũng chịu những áp lực nhất định. Tuy nhiên trong mùa KQKD và ĐHCĐ, một số thông tin tích cực riêng lẻ khiến các cổ phiếu tăng đột biến, bao gồm các cổ phiếu trụ như ngân hàng giúp chỉ số được nâng đỡ.
Mặc dù thị trường tăng điểm tốt trong tuần qua, nhưng ông Huy cho rằng cho rằng tín hiệu tích cực quay về vùng đỉnh là nhờ sự nâng đỡ của nhóm cổ phiếu trụ, trong khi đó thanh khoản và độ rộng vẫn chưa thuyết phục. Về độ rộng, hiện chưa đến 40% số lượng cổ phiếu trên HOSE duy trì được xu hướng tăng ngắn hạn. “Rõ ràng thị trường áp sát đỉnh cũ với chưa đến phân nửa cổ phiếu duy trì được xu hướng tăng là điều không tích cực“, ông Huy cho hay.
Ở khía cạnh khác, với một mức độ biến động không thái quá, tỷ giá, giá vàng hay động thái khối ngoại sẽ không tác động quá lớn đến thị trường. Hiện tại 3 trụ cột chính của thị trường, thứ nhất là môi trường lãi suất thấp và nới lỏng tiền tệ; thứ hai là sự phục hồi kinh tế trong nước và thứ ba là kỳ vọng nâng hạng thị trường và KRX.
“Thị trường có thể chưa chiết khấu xong các thông tin mới trong và ngoài nước và khả năng tiếp tục tích lũy với thanh khoản thấp. Hỗ trợ hiện tại quanh 1.240-1.250 điểm; kháng cự mạnh quanh vùng 1.280-1.300 và đây là ngưỡng không dễ vượt qua trong ngắn hạn. Xu hướng tuần tới vẫn là điều chỉnh và tích lũy; dù chỉ số có tăng thì thanh khoản và độ rộng cũng khó lan tỏa“, ông Huy đánh giá.
Về chiến lược giao dịch, trong bối cảnh hiện tại có nhiều yếu tố rủi ro trong ngắn hạn và có thể thị trường chưa chiết khấu xong các thông tin, tỷ trọng cổ phiếu nên duy trì ở mức vừa phải, đồng thời tránh trạng thái căng cứng, đặc biệt là hạn chế sử dụng đòn bẩy cao. Trong mùa KQKD, các nhóm ngành có triển vọng tích cực như ngân hàng, chứng khoán, BĐS KCN, dầu khí thượng nguồn, xuất nhập khẩu hay thép có thể được cân nhắc. Tuy nhiên, ông Huy khuyến nghị việc nâng tỷ trọng chỉ nên được thực hiện ở các vùng nền giá, tránh mua đuổi hưng phấn ở vùng giá cao.
Dòng tiền khối ngoại có thể tiếp tục rút ròng và tác động rõ ràng hơn tới thị trường
Theo quan sát của ông Nguyễn Anh Khoa – Trưởng phòng Phân tích và Nghiên cứu Chứng khoán Agriseco, tuần qua VN-Index chủ yếu là đi ngang tích lũy và với việc thành công giữ được mốc hỗ trợ quan trọng 1.250 sau nhiều lần kiểm định kiểm định lực cầu tại vùng này thì thị trường đã có sự bứt phá cuối tuần nhờ sự trở lại của nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán và nhóm bất động sản. Chỉ báo cũng cho tín hiệu tích cực khi tạo đáy thành công cho thấy tâm lý nhà đầu tư phần nào đã tích cực hơn. Tuy nhiên, ông Khoa cho rằng VN-Index vẫn sẽ cần một nhịp kiểm định lại vùng 1.270-1.275 điểm trước khi xác định xu hướng chính trong ngắn hạn.
Trong kịch bản tích cực nơi nhóm vốn hóa lớn tiếp tục dẫn dắt, VN-Index có thể trở lại với xu hướng tăng giá trong ngắn hạn và sẽ sớm tiến lên vùng 1.290 (+-5) điểm trong tuần tới. Ngược lại, nếu lực cầu gia tăng yếu hơn kỳ vọng, nhiều khả năng VN-Index sẽ lùi về vùng 1.250 và xa hơn là 1.235 điểm để tìm thêm lực cầu hỗ trợ tham gia thị trường.
Nhiều khả năng dòng tiền sẽ sớm được trở lại trong tuần tới và thanh khoản được cải thiện khi đã có sự biến động với biên độ lớn về mặt điểm số trong phiên cuối tuần. Cả lực cung lẫn cầu đều có khả năng cao sẽ sớm trở lại nơi sự giằng co diễn ra mạnh hơn.
Điểm tích cực khác tới từ bức tranh KQKD quý 1 nhìn chung sẽ tích cực và đạt được mức tăng trưởng tốt trên mức nền thấp cùng kỳ. Nguyên nhân đến từ nhu cầu tiêu dùng trong nước được kỳ vọng phục hồi; các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc có tín hiệu khả quan; chi phí tài chính giảm trong bối cảnh mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp. Trong đó, ông Khoa kỳ vọng các nhóm ngành nghề và doanh nghiệp có mức tăng trưởng lợi nhuận cao sẽ tạo ra các câu chuyện đầu tư có thể kể đến như nhóm ngành thép, cao su, chứng khoán, bán lẻ và chăn nuôi.
Về việc tỷ giá tăng nhanh giai đoạn đầu năm, một số nguyên nhân kể đến như FED có thể chưa sớm hạ lãi suất như kỳ vọng của thị trường; tình trạng chênh lệch lãi suất giữa VND và USD tiếp tục duy trì; giá vàng tăng cao; nhu cầu nhập khẩu phục hồi cũng sẽ tạo áp lực lên tỷ giá. Việc tỷ giá tăng nhanh, theo ông Khoa, có thể gây sức ép lên lạm phát và chính sách tiền tệ. Nếu tỷ giá tiếp tục leo thang, NHNN có thể phải tiếp tục thực hiện bán USD cùng với đó là nâng lãi suất nhằm kiểm soát tỷ giá. Qua đó sẽ ảnh hưởng tới dòng tiền trên thị trường và dòng tiền vào kênh chứng khoán.
Trong khi đó, động thái bán ròng của khối ngoại chưa có nhiều tác động tới thị trường do dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân vẫn đang dồi dào và tạm thời đang là điểm tựa cho thị trường. Tuy nhiên trước những thông tin về lạm phát Mỹ không mấy khả quan và việc FED có thể chưa sớm hạ lãi suất như kỳ vọng, ông Khoa lưu ý dòng tiền khối ngoại có thể tiếp tục rút ròng và tác động rõ ràng hơn tới thị trường.
Với việc xu hướng tăng trung và dài hạn vẫn đang được duy trì, chuyên gia Agriseco khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục nắm giữ các vị thế trung và dài hạn trong danh mục. Đối với các vị thế ngắn hạn, chỉ mở mua mới trong 2 trường hợp VN-Index thành công kiểm định vùng 1.270-1.275 để xác nhận về khả năng tăng giá ngắn hạn hoặc chỉ số chính lùi về vùng 1.235 để tìm điểm cân bằng an toàn hơn.
Tiếptục giằng co trong biên độ hẹp trước khi thiếtlập xu thế mới
Theo đánh giá của ông Đinh Quang Hinh – Trưởng Bộ phận vĩ mô và chiến lược thị , Khối Phân tích VNDIRECT, thị trường chứng khoán đang chịu tác động từ 2 luồng thông tin trái chiều. Cụ thể, lạm phát tháng 3 tại Mỹ tăng vượt dự báo đã làm thị trường lo ngại về kịch bản Fed sẽ duy trì lãi suất điều hành lâu hơn nữa. Hiện tại, thị trường cho rằng đợt cắt giảm lãi suất điều hành sớm nhất của Fed sẽ rời sang quý 3 thay vì kỳ vọng trước đó là vào tháng 6. Đồng thời, thị trường cũng giảm kỳ vọng số đợt cắt giảm lãi suất điều hành của Fed trong năm 2024 về 1-2 lần thay vì kỳ vọng 3 lần trước đó. Xác suất một số ngân hàng trung ương lớn (tiêu biểu là ECB) cắt giảm lãi suất sớm hơn Fed cũng đang tăng lên. Điều này sẽ khiến DXY tiếp tục duy trì sức mạnh trong những tháng tới, qua đó tiếp tục gây áp lực lên tỷ giá trong nước. Ngoài ra, giá vàng quốc tế lẫn trong nước vẫn duy trì đà tăng cũng làm tăng thêm áp lực lên tỷ giá.
“Rõ ràng ở thời điểm hiện tại, vấn đề tỷ giá là một rủi ro cần lưu ý của thị trường. Tuy vậy, ở chiều ngược lại thị trường chứng khoán đang được hỗ trợ khi mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 1/2024 đã bắt đầu. Nhiều dự báo cho thấy tăng trưởng của các doanh nghiệp niêm yết sẽ khá tích cực do nền kinh tế phục hồi, lãi suất giảm và mức nền thấp của cùng kỳ năm 2023. Đặc biệt, một số ngân hàng thương mại đã có ước kết quả kinh doanh quý 1 với tăng trưởng khá tích cực. Việc nhóm cổ phiếu trụ có thông tin hỗ trợ sẽ góp phần cải thiện tâm lý của thị trường”, chuyên gia VNDirect cho hay.
Tổng kết lại, ông Hinh đánh giá trong bối cảnh thị trường đang có 2 luồng thông tin trái chiều, nhiều khả năng các chỉ số chứng khoán sẽ giằng co trong biên độ hẹp trước khi một xu thế mới được xác lập. Các nhà giao dịch có thể mua vào khi các chỉ số chứng khoán về vùng hỗ trợ và bán ra khi tiến sát vùng kháng cự. Hiện hỗ trợ của VN-Index nằm trong vùng 1.230-1.250 điểm và vùng kháng cự sẽ trong khoảng 1.290-1.310 điểm.
An ninh Tiền tệ