Giao dịch chứng khoán lập kỷ lục mới

(KTSG Online) – Giá trị giao dịch khớp lệnh trên sàn HOSE đạt hơn 40.000 tỉ đồng, tương ứng 1,6 tỉ đô la Mỹ, cao nhất từ trước đến nay, trong bối cảnh nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu ngày 18-3. Thanh khoản giao dịch phiên 18-3 lập kỷ…

Fatz Admin lúc 2024-03-19

(KTSG Online) – Giá trị giao dịch khớp lệnh trên sàn HOSE đạt hơn 40.000 tỉ đồng, tương ứng 1,6 tỉ đô la Mỹ, cao nhất từ trước đến nay, trong bối cảnh nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu ngày 18-3.

Thanh khoản giao dịch phiên 18-3 lập kỷ lục mới. Ảnh minh họa.

Phiên giao dịch ngày 18-3 gây bất ngờ với giá trị giao dịch tăng cao kỷ lục. Thanh khoản giao dịch trên HOSE cuối phiên đạt 43.133 tỉ đồng, trong đó khớp lệnh lên tới 40.275 tỉ đồng. Tính chung các giao dịch khác, giá trị giao dịch đạt gần 48.000 tỉ đồng.

Tổng khối lượng giao dịch tăng mạnh 60% so với phiên trước, đạt hơn 1,6 tỉ đơn vị, đi cùng giá trị giao dịch cao nhất lịch sử.

QUẢNG CÁO

Thị trường lúc vừa mở cửa sáng nay nhìn chung có diễn biến khá tích cực khi nhiều mã cổ phiếu ghi nhận sắc xanh. Chỉ số chung xoay quanh mốc tham chiếu nhưng sau đó bất ngờ bị bán mạnh sau 10 giờ sáng.

Theo đó, nhiều cổ phiếu đang từ mức giá xanh giảm mạnh, có mã giảm “thẳng đứng” về giá sàn. Hiệu ứng bán tháo sau đó lan rộng, thậm chí có lúc nền tảng giao dịch của một công ty chứng khoán top đầu bị “đơ”, nhưng ổn định lại sau đó vài phút.

Đến phiên chiều chỉ số còn giảm sâu hơn, có lúc VN-Index giảm về mức 1.221 điểm, biên độ dao động hôm nay lên tới hơn 48 điểm.

Tuy nhiên, lực cầu bắt đáy xuất hiện giúp thị trường chung phục hồi đáng kể, đặc biệt phiên chiều có sự góp mặt của hai cổ phiếu VIC (tăng 3,83%) và VRE (tăng trần). Đây cũng là hai mã cổ phiếu duy nhất trong nhóm VN30 có sắc xanh, 28 mã còn lại đều giảm với biên độ lớn. Nhóm cổ phiếu bất động sản cũng là điểm sáng, giúp chỉ số phục hồi đáng kể, giảm bớt đà rơi.

Kết quả phiên giao dịch hôm nay, chỉ số VN-Index giảm hơn 20 điểm, tương ứng giảm 1,6%, về mức 1.243,56 điểm. Tương tự, chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index cũng phục hồi đáng kể. Độ rộng toàn thị trường nghiêng về bên bán với 208 mã tăng và 574 mã giảm và 775 mã giữ mức tham chiếu.

Nhóm cổ phiếu bất động sản ngược dòng thị trường, nhiều cổ phiếu tăng trần giúp chỉ số không bị rơi sâu. Nguồn: Vietstock.

Theo ông Lê Xuân Huy, chuyên gia tài chính cá nhân, chỉ số VN-Index đã có nhịp tăng dài trong vòng 3 tháng, từ cuối tháng 12-2023 tới nay mà chưa thực sự có sự nhịp điều chỉnh nào đáng kể.

Ngoài ra, tâm lý thị trường còn bị ảnh hưởng bởi khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh (hôm nay bán gần 1.000 tỉ đồng), cùng với sự lo ngại về động thái tiếp tục hút tiền của NHNN trong bối cảnh tỷ giá tiếp tục tăng nóng.

“Hành động chốt lời đồng loạt của các nhà đầu tư dẫn đến việc thị trường hôm nay giảm mạnh với thanh khoản tăng đột biến”, ông Huy đánh giá.

Theo báo cáo cuối ngày của Công ty chứng khoán VCBS, chỉ số VN-Index ghi nhận phiên giao dịch với biến động “trượt điểm” mạnh từ phiên sáng cùng thanh khoản tăng cao. Theo đó, chỉ số vẫn đang nằm trong nhịp điều chỉnh, tích lũy trở lại. Ngoài ra, một số tín hiệu kỹ thuật cũng cho thấy dòng tiền bắt đáy cũng đã tham gia thị trường.

“Chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư giữ tâm lý thận trọng và không nên hoảng loạn bán đuổi cổ phiếu ở những phiên rung lắc mạnh như phiên hôm nay. Các nhà đầu tư nên tận dụng cơ hội để giải ngân cổ phiếu thuộc nhóm ngành vẫn đang thu hút dòng tiền ổn định và giữ vững được vùng hỗ trợ”, báo cáo VCBS có đoạn.

Thanh khoản tiếp tục tăng

Như vậy, chỉ số VN-Index đã có 6 phiên điều chỉnh trong 8 phiên gần đây với nền thanh khoản cao.

Trên thực tế, hầu hết các nhà phân tích có nhắc đến kịch bản thị trường giảm sau phiên giao dịch cuối tuần trước, khi áp lực lên thị trường đang lớn dần. Trong khi đó thanh khoản giao dịch vẫn đang tiếp tục tăng dần.

Theo số liệu của nền tảng cung cấp số liệu tài chính FiinTrade, tổng giá trị giao dịch bình quân phiên (tính trên cả 3 sàn) trong tuần trước đạt 28.368 tỉ đồng. Tính riêng khớp lệnh, giá trị giao dịch bình quân phiên ở mức 26.661 tỉ đồng, giảm 5% so với tuần trước đó, nhưng vẫn cao hơn 19,8% so với trung bình 5 tuần.

Báo cáo cũng cho thấy tỷ trọng giá trị giao dịch tiếp tục giảm tuần thứ 3 liên tiếp ở nhóm vốn hóa lớn (VN30), trong khi duy trì mức tăng ở nhóm vốn hóa vừa và nhỏ. Trước đó, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn là động lực chủ yếu cho đà tăng của VN-Index kể từ đầu năm 2024.

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Share
Bài viết bởi

Fatz Admin

Bình luận đã bị đóng.