Nghiên cứu xây dựng gói tín dụng cho người mua nhà ở xã hội với lãi suất thấp; Giá vàng thế giới tăng sốc, giá vàng trong nước đứng im; Gần 5.000 nhân viên Thế Giới Di Động nghỉ việc; Lộ diện 9 tỉnh thành có kim ngạch xuất khẩu trên 10…
Nghiên cứu
xây dựng
gói tín dụng cho người mua nhà ở xã hội với lãi suất thấp
Chiều tối 17/5,
Thủ tướng
Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy
phát triển nhà ở xã hội
, thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu
Ngân hàng
Nhà nước nghiên cứu, xây dựng, cung cấp gói tín dụng cho người mua nhà ở xã hội, mở rộng gói tín dụng, kéo dài thời gian vay lên 10-15 năm, lãi suất ưu đãi thấp hơn từ 3 – 5% so với vay thương mại thông thường. Cùng với đó, chủ trì, phối hợp các bộ nghiên cứu, hướng dẫn các ngân hàng thương mại tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thế chấp, vay vốn thực hiện các dự án nhà ở xã hội đơn giản, thuận lợi hơn.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ bổ sung nguồn vốn ngân sách nhà nước thực hiện cho vay
nhà ở xã hội
thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội giai đoạn 2024-2025.
Bộ Tài chính nghiên cứu thành lập Quỹ về nhà ở xã hội, đề xuất sớm trước ngày 30/6/2024; xây dựng, hướng dẫn các địa phương phát hành trái phiếu cho nhà ở xã hội.
Giá vàng
thế giới tăng sốc, giá vàng trong nước đứng im
Sáng ngày 18/5,
giá vàng thế giới
ở mức 2.414 USD/ounce, tăng mạnh 37 USD/ounce so với sáng 17/5. Trong khi đó, cùng thời điểm, giá vàng miếng SJC và vàng nhẫn vẫn đứng im.
Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC 87,5 – 90 triệu đồng/lượng mua vào – bán ra.
Công ty Vàng Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC 87,4 – 89,5 triệu đồng/lượng.
Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng miếng SJC 87,45 – 89,5 triệu đồng/lượng.
Còn giá vàng nhẫn các thương hiệu quanh mốc 76 triệu đồng/lượng.
Giá vàng trong nước đứng im sau một loạt các giải pháp của Ngân hàng Nhà nước về đấu thầu vàng. Đặc biệt, ngày hôm qua, Ngân hàng Nhà nước công bố thanh tra việc kinh doanh vàng của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp trong 4 năm gần đây.
Việc thanh tra diễn ra trong bối cảnh giá vàng liên tục tăng cao, thậm chí, cuối tuần trước, giá vàng miếng SJC lập đỉnh 92 triệu đồng/lượng, cao nhất từ trước đến nay.
Gần 5.000 nhân viên
Thế Giới Di Động
nghỉ việc
Công ty CP Thế Giới Di Động (MWG) trong giai đoạn trước năm 2022 có sự phát triển mạnh mẽ về mặt nhân sự. Đỉnh điểm số lượng nhân viên của Thế Giới Di Động là ngày 30/9/2022 với hơn 80.230 người. Tuy nhiên, con số này chững lại kể từ năm 2022 và sụt giảm mạnh trong năm 2023.
Đến thời điểm ngày 31/12/2022, MWG chỉ còn hơn 65.400 nhân sự, giảm 14.817 nhân viên. Đồng thời, doanh nghiệp này đóng cửa 200 cửa hàng.
Trong 3 tháng đầu năm nay,
số lượng nhân sự tiếp tục giảm thêm
hơn 4.850 người. Hiện nay, MWG chỉ còn khoảng hơn 60.560 nhân sự.
Như vậy, chỉ tính từ ngày 30/9/2022 đến 31/3/2024, Thế Giới Di Động đã giảm 24,5% quy mô nhân sự, tương ứng giảm 19.670 người.
Trước thông tin này, ông Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch HĐQT MWG – cho biết, đa số nhân viên nghỉ việc đều tự nguyện, công ty không sa thải hoặc có chủ trương cắt giảm nhân sự. Nhân viên cảm thấy thu nhập không phù hợp nữa và xin rút.
“Sự sụt giảm này diễn ra khắp mọi nơi, cái gì không hiệu quả sẽ giảm, từ thấp đến cao, theo chiến lược giảm lượng tăng chất đưa ra từ đầu năm” – ông Tài nói.
Một địa phương có hơn 100 dự án đầu tư công
giải ngân
0%
Bộ Tài chính có văn bản gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, công khai các dự án giải ngân 0% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 nguồn ngân sách Trung ương (vốn trong nước) do địa phương quản lý.
Theo Bộ Tài chính, tổng số kế hoạch vốn ngân sách Trung ương theo ngành, lĩnh vực do địa phương quản lý là 82.243 tỷ đồng. Đến hết 31/3, các dự án mới giải ngân được 8.634 tỷ đồng, đạt 10,5% kế hoạch vốn được giao
Mức này thấp hơn tỷ lệ giải ngân chung của cả nước (12%). Đến 30/4, toàn quốc còn nhiều
dự án có tỷ lệ giải ngân là 0%
so kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Cụ thể, 316 dự án, tiểu dự án của 48 địa phương có tỷ lệ giải ngân 0%. Các địa phương có nhiều dự án chưa giải ngân là Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Quảng Trị, Bắc Kạn… Điện Biên có 105 dự án giải ngân 0%, nhiều nhất cả nước, tổng vốn chưa giải ngân là 343 tỷ đồng. Sơn La có 22 dự án, với tổng vốn 258 tỷ đồng. Hòa Bình có 18 dự án, tổng vốn 65 tỷ đồng.
Theo báo cáo, Hà Nội là địa phương còn tồn nhiều ngân sách nhất, với 4.640 tỷ đồng của 2 dự án. Trong đó, dự án thành phần 3: Đầu tư xây dựng hệ thống đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư có kế hoạch vốn đầu tư chiếm tới 4.190 tỷ đồng.
Lộ diện 9 tỉnh thành có kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD
Theo Bộ Công Thương, dù kim ngạch xuất khẩu năm 2023 của cả nước giảm 4,6% so với năm 2022 nhưng nhiều địa phương vẫn nỗ lực đạt được kim ngạch vượt trên 10 tỷ USD.
Đáng chú ý, TPHCM là địa phương có
kim ngạch xuất khẩu
cao nhất với hơn 42 tỷ USD. Trong 9 địa phương có kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD trở lên chỉ Hải Phòng và Bắc Giang có mức tăng trưởng dương trong năm 2023.
Năm qua, Bắc Ninh đạt kim ngạch xuất khẩu 39,3 tỷ USD, giảm 12,8% so với năm 2022. Bình Dương đạt kim ngạch hơn 30,6 tỷ USD trong khi Hải Phòng đạt hơn 26,79 tỷ USD, tăng 7,4% so với năm 2022. Kim ngạch xuất khẩu tăng thêm 1,84 tỷ USD đã giúp Hải Phòng vượt qua Thái Nguyên để vươn lên vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng kim ngạch xuất khẩu cao nhất của cả nước.
Xếp ở vị trí thứ 5 là Thái Nguyên với kim ngạch 25,68 tỷ USD. Kế tiếp là Bắc Giang khi đạt kim ngạch hơn 24,49 tỷ USD, tăng 8,3% so với năm 2022, tương đương kim ngạch tăng thêm gần 1,9 tỷ USD).
Các địa phương kế tiếp trong bảng xếp hạng có Đồng Nai, Hà Nội, Phú Thọ với kim ngạch xuất khẩu lần lượt hơn 21,6 tỷ USD, 16,65 tỷ USD và 10,57 tỷ USD.
Những ‘đại gia’ nào mua hơn 27.000 lượng vàng miếng SJC đấu thầu?
Trước phiên đấu thầu vàng miếng SJC ngày 16/5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức thành công 3 phiên đấu thầu.
Trong cả 3 phiên này, Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đều trúng thầu với 2.000 lượng/phiên.
Như vậy, SJC đã trúng thầu 6.000 lượng vàng miếng SJC trong tổng số 14.900 lượng được đấu thầu thành công trong 3 phiên đầu.
Trong hai phiên đấu thầu gần đây nhất, ngày 14/5 và 16/5, khối lượng đấu thầu tối thiểu một thành viên được phép đặt thầu là 5 lô (tương đương 500 lượng), thấp hơn 2 lô (200 lượng) so với quy định tại các phiên đấu thầu trước. Khối lượng đấu thầu tối đa một thành viên được phép đặt thầu là 40 lô (tương đương 4.000 lượng), nhiều hơn 20 lô (2.000 lượng) so với quy định tại các phiên đấu thầu trước đó.
Trong cả hai phiên này đều có sự tham gia đặt thầu của 3
“đại gia” kinh doanh vàng
gồm: Công ty SJC, Công ty DOJI, và Công ty PNJ.
Nhà đầu tư BOT dọa kiện Cục đường bộ Việt Nam
Dù đang được đề xuất giải cứu vì kinh doanh thua lỗ song chủ đầu tư
dự án BOT cầu Thái Hà (Thái Bình)
tiếp tục kêu cứu và cho hay sẽ khởi kiện Cục Đường bộ Việt Nam và Khu Quản lý đường bộ 1 (thuộc Cục Đường bộ Việt Nam) vì tắc trách, gây tổn thất nặng nề cho doanh nghiệp.
Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Công ty Cổ phần BOT cầu Thái Hà cho biết, đang phối hợp với đơn vị tư vấn luật để khởi kiện Cục Đường bộ Việt Nam và Khu Quản lý đường bộ 1. Nội dung kiện về việc cấp phép xây dựng các nút giao đấu nối tạm thời vào đường nối cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình (thuộc dự án BOT cầu Thái Hà), sai với hợp đồng và gây tổn thất cho nhà đầu tư.
Theo đại diện doanh nghiệp (DN) này, ngày 31/5/2021, Khu Quản lý đường bộ 1 cấp giấy phép thi công nút giao đấu nối tạm thời đường nhánh vào tuyến đường bộ nối cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình tại Km31+00 mà không có sự bàn bạc, thỏa thuận với DN. Đến nay, Khu công nghiệp Thái Hà đã hoàn thành và cho thuê mặt bằng. Thế nhưng gần 3 năm qua, tình trạng này dù đã được phản ánh nhiều lần mà cơ quan chức năng vẫn chưa giải quyết, gây bức xúc cho DN đầu tư.
Dự án BOT Thái Hà là một trong tám dự án BOT thua lỗ mà Bộ GTVT đang đề xuất cần hỗ trợ giải cứu. Theo Bộ này, sau khi bắt đầu được thu phí (từ tháng 1/2019) đến nay, doanh thu bình quân của BOT Thái Hà chỉ đạt khoảng 17% so với dự báo trong hợp đồng, phương án tài chính bị phá vỡ do doanh thu không đủ bù đắp chi phí quản lý khai thác.
Tiền Phong