Dược Hà Tây và hầu hết doanh nghiệp lớn của Việt Nam đều đang có cổ đông chiến lược ngoại Dược Hà Tây (DHT) mới chốt phương án chào bán 11,36% vốn cho hãng dược Nhật Bản, theo đó hãng dược Nhật Bản nắm 26,8 triệu cổ phiếu DHT. Ngoài…
Dược Hà Tây và hầu hết doanh nghiệp lớn của Việt Nam đều đang có cổ đông chiến lược ngoại
Hội đồng quản trị Công ty CP Dược phẩm Hà Tây (mã DHT) đã thông qua Nghị quyết về việc triển khai phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho cổ đông chiến lược. Công ty dự kiến phát hành thêm 8,4 triệu cổ phiếu riêng lẻ tương ứng tỷ lệ 11,36% tổng số cổ phiếu đang lưu hành.
Mức giá chào bán là 21.500 đồng/cổ phiếu, tương ứng số tiền thu về khoảng 181 tỷ đồng. Đối tượng đăng ký mua vào toàn bộ lượng cổ phiếu mới là ASKA Pharmaceutical Co., Ltd (Nhật Bản). Nếu hoàn tất, ASKA sẽ nắm 26,8 triệu cổ phiếu DHT, tương ứng gần 33% vốn. Lượng cổ phiếu mới phát hành sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 3 năm.
ASKA là hãng dược có tuổi đời hơn 100 tuổi, trụ sở chính tại Tokyo, Nhật Bản. Ngành nghề kinh doanh chính của ASKA là sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu dược phẩm, thuốc chữa bệnh, thiết bị y tế… Trong mảng dược phẩm, công ty chuyên về các sản phẩm nội khoa, sản phụ khoa và tiết niệu.
Trước đó, năm 2021, ASKA đã trở thành nhà đầu tư chiến lược của Dược Hà Tây khi mua gần 5,3 triệu cổ phần phát hành mới với mức giá 70.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn 18% thị giá cổ phiếu DHT khi đó. Thời điểm này, ASKA nắm 24,9% vốn điều lệ của Dược Hà Tây (6,6 triệu cổ phiếu) và là cổ đông lớn nhất tại công ty dược này. Sang tới tháng 6/2023, Dược Hà Tây chia cổ phiếu thưởng theo tỷ lệ 180%, tương ứng cổ đông nắm 100 cổ phiếu sẽ nhận về 180 cổ phiếu mới. Lượng cổ phiếu của ASAKA nắm tăng lên hơn 18,4 triệu cổ phiếu.
Đa phần doanh nghiệp dược hàng đầu đều có cổ đông chiến lược ngoại
Ngoài Dược Hà Tây, các doanh nghiệp dược hàng đầu của Việt Nam như: Dược Hậu Giang (mã DHG), Domesco (DMC), Traphaco (TRA), Imexpharm (IMP), Pymepharco (PME)… đều đang có cổ đông nước ngoài, thậm chí doanh nghiệp ngoại đã nắm quyền chi phối trên 51%, hoặc thâu tóm toàn bộ doanh nghiệp như trường hợp Tập đoàn STADA Arzneimittel AG (Đức) mua Pymepharco và huỷ niêm yết PME vào năm 2021.
Taisho Pharmaceutical (Nhật Bản) hiện đang là công ty mẹ nắm quyền chi phối 51% cổ phần tại Dược Hậu Giang. Abbott cũng đã thâu tóm thành công 52% cổ phần tại Domesco thông qua công ty con là CFR International Spa. SK Investment Vina III – thành viên của SK Group (Hàn Quốc) hiện là cổ đông lớn nhất nắm giữ gần 48% cổ phần tại Imexpharm. Tính cả công ty liên quan, tỷ lệ sở hữu của cả nhóm cổ đông này đã lên đến trên 55%. Daewoong Pharmaceutical (Hàn Quốc) đang là cổ đông chiến lược tại Traphaco với tỷ lệ sở hữu 15%.
Để sở hữu lượng lớn cổ phần tại các doanh nghiệp dược hàng đầu Việt Nam các doanh nghiệp nước ngoài cũng khá chật vật nhưng hầu hết lại mang lại “trái ngọt”.
Đầu tiên phải kể đến thương vụ thâu tóm Dược Hậu Giang của Taisho có thể coi là thương vụ M&A lớn nhất ngành dược Việt Nam. Năm 2016, Taisho bắt đầu bỏ 100 triệu USD mua 24,44% cổ phần với giá 100.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn 20-30% so với thị giá thời điểm này.
Taisho liên tục tăng sở hữu tại DHG, đến giữa 2019, nâng sở hữu tại DHG lên 51% và chính thức hoàn tất thâu tóm DHG. Ước tính số tiền Taisho chi để thâu tóm Dược Hậu Giang vào khoảng 7.000 tỷ đồng. 3 năm sau khi hoàn tất thâu tóm, cổ đông Nhật Bản đã lãi lớn với khoản đầu tư này khi số cổ phiếu DHG đang nắm giữ có giá trị thị trường gần 8.300 tỷ đồng, chưa kể đến các khoản cổ tức khủng của DHG.
Năm 2017, nhóm cổ đông Hàn Quốc chi đến hơn 2.300 tỷ mua thoả thuận 16,6 triệu cổ phiếu TRA (tỷ lệ 40,12%) từ Mekong Capital và Vietnam Holding Ltd. Đến nay, Daewoong đã trở thành cổ đông chiến lược hỗ trợ đắc lực cả về tài chính và công nghệ cho Traphaco.
Lượng cổ phiếu trong tay nhóm cổ đông Hàn Quốc hiện có giá trị thị trường khoảng 1.500 tỷ đồng, thấp hơn 36% so với vốn ban đầu. Dù vậy, cổ tức cao hàng năm từ Traphaco cũng phần nào bù đắp cho khoản lỗ trên.
Năm 2020, SK Group rót vốn vào Imexpharm sau khi nhận chuyển nhượng hơn 12,3 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 24,9%) từ nhóm quỹ Dragon Capital, CAM Vietnam Mother Fund, Kingsmead, Mirae Asset,… Đến năm 2022, tập đoàn đến từ Hàn Quốc đã hoàn tất thâu tóm Imexpharm sau khi mua Red Capital (công ty mẹ của KBA nắm giữ 7,37% cổ phần Imexpharm) và tiếp tục chào mua công khai thêm 1,1% để nâng sở hữu lên 55%.
Ước tính, SK Group đã chi tối thiểu 1.700 tỷ đồng để thâu tóm Imexpharm, chưa bao gồm khoản tiền mua lại Red Capital. Trong khi đó, giá trị thị trường của số cổ phiếu trong tay nhóm cổ đông này hiện vào khoảng hơn 2.200 tỷ đồng. Nếu tính cả cổ tức, nhiều khả năng SK Group đang có lãi với khoản đầu tư này.
Thị trường tài chính tiền tệ