Công ty chứng khoán nhỏ ‘thay da đổi thịt’ nhờ chủ mới

(KTSG Online) – Vốn điều lệ tăng nhanh và mạnh cùng với kết quả kinh doanh, thị phần môi giới và dịch vụ chăm sóc khách hàng được cải thiện rõ rệt là những yếu tố được giới phân tích chờ đợi khi một số công ty chứng khoán nhỏ…

Fatz Admin lúc 2024-10-19

(KTSG Online) – Vốn điều lệ tăng nhanh và mạnh cùng với kết quả kinh doanh, thị phần môi giới và dịch vụ chăm sóc khách hàng được cải thiện rõ rệt là những yếu tố được giới phân tích chờ đợi khi một số công ty chứng khoán nhỏ đổi chủ. Trên thực tế, nhiều công ty đã thực sự “thay da đổi thịt” nhờ dòng vốn và chiến lược tái cấu trúc của chủ mới.

Xu hướng M&A các công ty chứng khoán nhỏ

Chuyện mua – bán vốn công ty chứng khoán quy mô nhỏ, ít tên tuổi hoặc hoạt động kinh doanh kém hiệu quả là không hiếm tại thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam.

QUẢNG CÁO

Mới đây, bà Nguyễn Thị Hương Giang, người được bầu giữ vị trí Chủ tịch HĐQT Công ty chứng khoán Saigonbank Berjaya (SBBS) vào cuối năm 2023 đã chi tiền mua 53,55% cổ phần công ty từ cổ đông Inter Pacific Securities Sdn Bhd (IPSSB) và ông Phương Anh Phát, thành viên BKS. Bà cũng là nhà đầu tư duy nhất mua 5 triệu cổ phần trong đợt chào bán 20 triệu cổ phiếu tăng vốn của SBBS.

Những lần chi tiền mua cổ phần giúp bà Giang sở hữu 60,19% cổ phần SBBS, số còn lại thuộc về SaigonBank (9,43%), Công ty TNHH MTV Du lịch Thương mại Kỳ Hòa (11,43%) và bà Đinh Thị Thu Trang (5,84%).

Với Công ty chứng khoán Hải Phòng (HAC), hai cá nhân là Trần Anh Đức và Vũ Hoàng Việt đã mua lần lượt 15,23% và 24,87% cổ phần của đơn vị này qua phương thức thỏa thuận vào ngày 25-9. Trước khi hoạt động mua – bán diễn ra, ông Vũ Dương Hiền, người giữ vị trí Chủ tịch HAC và một số thành viên trong ban lãnh đạo đã thoái vốn khỏi doanh nghiệp.

Hệ thống công nghệ hiện đại giúp nhà đầu tư có thể giao dịch chứng khoán mọi lúc, mọi nơi là yêu cầu bắt buộc với các công ty chứng khoán. Ảnh: Hoàng Thắng

Không chỉ các cá nhân, nhiều ngân hàng cũng có mục tiêu mở rộng ảnh hưởng ở các lĩnh vực kinh doanh chứng khoán. Trong đó, HDBank chi 657,6 tỉ đồng mua 43,8 triệu cổ phiếu HDS, qua đó đưa Công ty Chứng khoán HD (HDS) trở thành công ty liên kết của ngân hàng; VPBank mua lại Công ty chứng khoán ACSC và đổi tên thành Công ty chứng khoán VPBank (VPBankS).

Theo lãnh đạo VPBank, VPBankS không hướng tới mục tiêu cạnh tranh thị phần môi giới, mà tập trung vào các sản phẩm để phục vụ nhu cầu đầu tư của khách hàng, gồm trái phiếu doanh nghiệp, chứng chỉ quỹ, cho vay ký quỹ (margin)…

Bên cạnh mục tiêu trên, việc sở hữu một công ty chứng khoán là nền tảng quan trọng để VPBank một số ngân hàng hiện thực hoá mục tiêu trở thành tập đoàn tài chính. Để đáp ứng mục tiêu này, ngân hàng phải là công ty TNHH hoặc công ty cổ phần có vốn điều lệ ít nhất 1.000 tỉ đồng, sở hữu trên 50% vốn điều lệ của ít nhất năm công ty khác và được Thủ tướng cho phép.

Trong khi đó, TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế đánh giá, việc mua lại cổ phần của một công ty chứng khoán là phương án được nhiều định chế tài chính trong và ngoài nước, công ty công nghệ tài chính (fintech) lựa chọn khi muốn gia nhập TTCK. Cơ sở để nhóm này rót vốn đầu tư là tầng lớp trung lưu tại Việt Nam có xu hướng tăng trưởng nhanh những năm gần đây, trong khi thị trường vốn có tỷ lệ thâm nhập còn thấp, là cơ hội to lớn cho các công ty chứng khoán. Ngoài ra, nhà đầu tư cá nhân hiện chiếm 85% giao dịch toàn thị trường – là mảng còn nhiều dư địa tăng trưởng, thông qua số hóa và công nghệ các nghiệp vụ khác.

“Khi việc thành lập một công ty chứng khoán hầu như khó để được cấp phép thì việc mua lại những công ty hiện có trên thị trường là cách làm nhanh chóng và đôi khi lại mua được với giá rẻ nếu công ty chứng khoán đó đang làm ăn thua lỗ”, ông Hiển nói.

Trên thị trường, có một số công ty thuộc nhóm mà chuyên gia này vừa nêu. Trong đó, với SBBS, đơn vị này sở hữu quy mô vốn cổ phần ở mức 300 tỉ đồng và liên tục kinh doanh thua lỗ, với số lỗ lũy kế là 266 tỉ đồng tính tới cuối quí 2-2024; hat HAC – một công ty khá nhỏ với tổng tài sản hơn 279 tỉ đồng và hiện vẫn lỗ lũy kế hơn 31 tỉ đồng.

Doanh nghiệp sẽ chuyển mình sau M&A?

Nhìn lại những thương vụ đã diễn ra, có thể thấy không ít công ty chứng khoán đã chuyển mình nhờ dòng vốn và chiến lược tái cấu trúc của chủ mới.

Yêu cầu về quản trị rủi ro và đầu tư dài hạn có xu hướng gia tăng sau những biến cố trên thị trường. Ảnh: TL

Chẳng hạn, VPBankS là một trong ba doanh nghiệp sở hữu vốn điều lệ lớn nhất ngành chứng khoán, với quy mô 15.000 tỉ đồng, nhờ bệ phóng là ngân hàng “mẹ” VPBank. Mạng lưới khách hàng của đơn vị cũng mở rộng, với lượng tài khoản mở mới đạt gần 250.000 trong năm 2023, cao hơn sáu lần năm 2022 và chiếm khoảng 15% số lượng tài khoản mở mới toàn thị trường.

Dựa trên lợi thế về nguồn vốn và khách hàng mới, VPBankS nhanh chóng lọt vào nhóm 10 công ty chứng khoán có dư nợ margin cao nhất thị trường, với quy mô ở mức 9.300 tỉ đồng tính tới cuối quí 2-2024.

Với DNSE (tên cũ là Công ty chứng khoán Đại Nam), từ một đơn vị chỉ sở hữu tổng tài sản chứng khoán lưu ký dưới 2.000 tỉ đồng, server đặt trong một căn phòng bị dột… thì nay đã quản lý 23.700 tỉ đồng tài sản, của hơn 600.000 tài khoản đầu tư. Đồng thời, tạo ra mức tăng trưởng 2-3 con số về doanh thu và lợi nhuận những năm gần đây, sau khi được mua lại bởi Công ty cổ phần công nghệ tài chính Encapital.

Ông Nguyễn Hoàng Giang, Chủ tịch DNSE cho biết, việc tiếp quản được những khách hàng cũ ngay trong năm đầu tiên mua lại Công ty chứng khoán Đại Nam, biến cố Covid-19 và TTCK Việt Nam tăng trưởng mạnh sau đoạn lao dốc vì dịch đã giúp đơn vị nhanh chóng thu hút khách hàng mới qua các nền tảng công nghệ.

“Chúng tôi có những khách hàng lớn đầu tiên vào giữa năm 2021, khi đưa ra mô hình miễn phí giao dịch trọn đời. Người ta tự đến, mở tài khoản nhờ công nghệ eKYC, các liên kết mở rộng nền tảng khách hàng giữa DNSE các đối tác như ZaloPay… Doanh thu lớn đến cũng sớm và tăng trưởng nhanh”, ông Giang nhớ lại.

Từ góc nhìn chuyên gia, TS Châu Đình Linh, giảng viên Trường Đại học ngân hàng TPHCM kỳ vọng, sự xuất hiện của các công ty chứng khoán “mới mà cũ”, với nguồn vốn và sự đầu tư mạnh về công nghệ, sẽ giúp TTCK có những chuyển biến tích cực hơn về chất. Cụ thể, khi hệ thống KRX đi vào hoạt động và TTCK Việt Nam được nâng hạng, các công ty chứng khoán sẽ cần nguồn lực mạnh để nâng cấp hệ thống giao dịch và triển khai các sản phẩm mới, qua đó đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhà đầu tư và hoặc tài trợ vốn cho khách hàng.

“Nhu cầu của nhà đầu tư là một đơn vị có dịch vụ tốt hơn, dễ sử dụng hơn, hoàn toàn trực tuyến và rẻ hơn”, ông Linh nói và cho rằng, đây là yếu tố quan trọng trong bối cảnh GDP bình quân đầu người của Việt Nam có thể vượt mức 5.000 đô la Mỹ trong 5 năm tới, qua đó thu hút một lượng vốn đầu tư đột biến vào TTCK.

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý các đơn vị nên xây dựng công cụ hỗ trợ nhà đầu tư quản trị rủi ro đơn giản hơn, đánh giá lợi nhuận tốt hơn và có góc nhìn dài hạn khi đánh giá cổ phiếu, thay vì chỉ tập dung gia tăng lợi nhuận, trong bối cảnh cuộc cạnh tranh thị phần trên TTCK ngày càng khốc liệt

“Các quy định pháp luật về phát hành, bảo lãnh, tư vấn, phân phối sản phẩm cổ phiếu và trái phiếu cần phải được tuân thủ nghiêm ngặt. Quyền lợi của các bên liên quan, gồm khách hàng và đối tác, cần được đảm bảo, tránh để xảy ra những sự việc đáng tiếc như mấy năm vừa qua”, ông Linh nói và khuyến nghi các công ty chứng khoán nên hướng tới tăng trưởng bền vững dựa trên sức mạnh nội tại.

 

 

Vân Phong

Share
Bài viết bởi

Fatz Admin

Bình luận đã bị đóng.