(KTSG) – Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) vừa có văn bản “Đề xuất các giải pháp tăng cường huy động vốn dài hạn cho nền kinh tế…”, trong đó có đề xuất xây dựng loại trái phiếu do các ngân hàng kinh doanh hiệu…
(KTSG) – Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) vừa có văn bản “Đề xuất các giải pháp tăng cường huy động vốn dài hạn cho nền kinh tế…”, trong đó có đề xuất xây dựng loại trái phiếu do các ngân hàng kinh doanh hiệu quả, tình hình tài chính lành mạnh phát hành và được Ngân hàng Nhà nước bảo lãnh thanh toán gây nhiều tranh luận.
Trao đổi với Kinh tế Sài Gòn, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup và Tổng giám đốc FiinRatings chia sẻ ý tưởng về vấn đề bảo lãnh thanh toán, liên quan đến sự góp mặt của Chính phủ. Để triển khai, theo ông “nên thực hiện thông qua một định chế tài chính trung gian, ví dụ như quỹ bảo lãnh trái phiếu do Chính phủ thành lập với sự tham gia góp vốn của một số tổ chức tài chính trong và ngoài nước thay vì Chính phủ hoặc Ngân hàng Nhà nước đứng ra bảo lãnh trực tiếp”.
Ông Thuân phân tích: “Vai trò của định chế này là cung cấp dịch vụ bảo lãnh trái phiếu và các công cụ nợ khác. Dĩ nhiên, định chế đứng ra bảo lãnh phải có mức vốn đủ lớn và khuôn khổ hoạt động để có được mức xếp hạng tín nhiệm rất cao (thông thường là ở mức cao nhất AAA – ngang bằng với mức xếp hạng của Chính phủ) để có thể tạo sự yên tâm cho nhà đầu tư trong việc thực hiện các nghĩa vụ bảo lãnh nếu xảy ra trường hợp một ngân hàng hoặc doanh nghiệp gặp khó khăn về đáp ứng nghĩa vụ nợ.
Nếu được thành lập, quỹ bảo lãnh này không chỉ giới hạn ở các trái phiếu của các ngân hàng thương mại mà cả trái phiếu của các doanh nghiệp (không phải là tổ chức tín dụng) với những tiêu chí nhất định về chất lượng tín dụng hoặc mức xếp hạng tín nhiệm.
Việc thiết lập một định chế bảo lãnh như vậy sẽ góp phần quản trị rủi ro bảo lãnh tốt hơn với quy chế hoạt động, phạm vi bảo lãnh, điều kiện và tiêu chí bảo lãnh, quy trình quản trị rủi ro cũng như cơ chế xử lý nợ xấu khi sự kiện nợ xảy ra.
Định chế này cũng sẽ góp phần quản lý nợ công tốt hơn vì thực tế bảo lãnh của Chính phủ hoặc của Ngân hàng Nhà nước thì cũng là một nghĩa vụ nợ phát sinh và được tính vào nợ công của Chính phủ.
Quy mô nợ công phát sinh từ định chế này sẽ được giới hạn ở số vốn góp của cổ đông, bao gồm Chính phủ, với mức độ đòn bẩy phù hợp và dựa trên các tỷ lệ an toàn cụ thể được áp dụng cho mô hình dịch vụ bảo lãnh này.
Vai trò của định chế cung cấp dịch vụ bảo lãnh này là nhằm tạo chất xúc tác và niềm tin để các nhà đầu tư tham gia mua các trái phiếu có kỳ hạn dài và được các tổ chức bảo lãnh uy tín cao như vậy đảm bảo nghĩa vụ thanh toán (toàn bộ hoặc từng phần) khi rủi ro xảy ra. Đây là định chế rất tốt để kích thích phát triển cơ chế đầu tư và đưa dòng tiền nhàn rỗi của người dân và doanh nghiệp vào kênh đầu tư dài hạn thay vì chỉ tập trung gửi tại ngân hàng.
Với câu hỏi “Như vậy quỹ này có thể bảo lãnh thanh toán những dạng trái phiếu gì?”, ông Thuân cho biết:
“Thông lệ quốc tế và thị trường vốn trong khu vực, định chế bảo lãnh do Chính phủ lập ra có thể bảo lãnh cho các trái phiếu của chính các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp phi ngân hàng. Những trái phiếu được bảo lãnh thông thường là các trái phiếu có mức xếp hạng tín nhiệm cao (có tính đầu tư thay vì các trái phiếu có tính đầu cơ hay có mức rủi ro cao).
Ngoài ra, các tiêu chí để được bảo lãnh có thể bao gồm việc ưu tiên các trái phiếu có kỳ hạn dài (năm năm trở lên) nhằm kích thích chức năng đầu tư của thị trường vốn và có các cấu phần hỗ trợ cho tăng trưởng xanh theo các quy định về phân loại xanh (đang được dự thảo) nhằm góp phần thực hiện mục tiêu phát triển thị trường trái phiếu xanh tại Việt Nam và qua đó hướng tới việc thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam”.
Tại Việt Nam hiện nay, theo ông Thuân, “trong giao dịch trái phiếu phát hành riêng lẻ, một số lô trái phiếu đã được một số ngân hàng thương mại tốt tham gia bảo lãnh thanh toán và được một số quỹ đầu tư, công ty bảo hiểm dựa vào đó để đầu tư với rủi ro gắn một phần hoặc toàn bộ với tổ chức bảo lãnh đó.
Tuy nhiên, số lượng trái phiếu được bảo lãnh còn ít và chủ yếu là các trái phiếu được mua bởi các công ty bảo hiểm. Còn trái phiếu chào bán ra công chúng hầu như chưa được ngân hàng tốt bảo lãnh thanh toán. Ngoài ra, hiện có hai tổ chức quốc tế tham gia thị trường bảo lãnh tín dụng tại Việt Nam là CGIF và GuarantCo. Hai tổ chức này đã bảo lãnh được tám giao dịch trái phiếu phát hành nội địa tại Việt Nam, trong đó có lô trái phiếu xanh đầu tiên của Việt Nam do EVN Finance phát hành vào giữa năm 2022”.
Tuy nhiên, theo ông Thuân, “nhà đầu tư tư nhân phải chấp nhận mức lãi suất thấp hơn với các trái phiếu được bảo lãnh thanh toán do đơn vị bảo lãnh trái phiếu sẽ thu một mức phí (hiện nay vào khoảng 0,5 -1,5% trên giá trị trái phiếu lưu hành được họ bảo lãnh”.
Kinh tế Sài Gòn Online