(KTSG) – Cùng với đà hồi phục của VN-Index, một trong những nhóm cổ phiếu có giao dịch nổi bật kể từ đầu tháng 5 đến nay là dầu khí. Hiện tại, ngành dầu khí đang được đánh giá tích cực với triển vọng từ chính sách cũng như nhu…
(KTSG) – Cùng với đà hồi phục của VN-Index, một trong những nhóm cổ phiếu có giao dịch nổi bật kể từ đầu tháng 5 đến nay là dầu khí. Hiện tại, ngành dầu khí đang được đánh giá tích cực với triển vọng từ chính sách cũng như nhu cầu hồi phục sau đại dịch Covid-19.
Một số cổ phiếu đang nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư là PVD, PVS, PLC, CNG, giúp giá có diễn biến tăng.
Trong báo cáo phân tích mới đây, Công ty Chứng khoán BSC giữ quan điểm khả quan đối với ngành dầu khí, với hai mã cổ phiếu đáng chú ý trong nhóm thượng nguồn là PVD do giá dịch vụ giàn khoan ký mới/gia hạn cùng hiệu suất được cải thiện và PVS do tiềm năng từ các dự án mới trong thời gian tới sẽ đem lại nguồn công việc lớn.
Đối với nhóm trung nguồn, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cốt lõi của PVT được kỳ vọng sẽ cải thiện nhờ giá cước vận tải ký mới tăng; còn trong nhóm hạ nguồn, doanh nghiệp phân phối xăng dầu là PLX có thể ghi nhận lợi nhuận năm 2023 tăng mạnh do mức nền thấp của năm 2022 và đầu tháng 4-2023 đã thoái vốn tại PGBank, mang lại khoản lợi nhuận đột biến.
Với Tổng công ty Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí (PVD), khối lượng công việc dồi dào cùng giá cho thuê giàn khoan tăng là những điểm nổi bật của doanh nghiệp này kể từ đầu năm đến nay. Trong quí 1-2023, PVD đạt doanh thu 1.226 tỉ đồng, tăng 7%; lợi nhuận sau thuế đạt 65,8 tỉ đồng, tăng 217,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Đây là tín hiệu lạc quan trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp lớn trên sàn ghi nhận lợi nhuận suy giảm. Nói về kết quả kinh doanh quí đầu năm 2023, PVD cho biết tất cả giàn khoan tự nâng đều hoạt động, khối lượng công việc ổn định hơn nhiều so với hiệu suất chỉ ở mức 55% của cùng kỳ. Ngoài ra, đơn giá thuê giàn tự nâng tăng 20% cũng giúp biên lợi nhuận cải thiện mạnh. Dự báo quí 2-2023 sẽ tiếp tục chứng kiến đà tăng trưởng mạnh trong kết quả kinh doanh của PVD khi nền kinh doanh của quí 2 năm ngoái rất thấp với lợi nhuận âm gần 60 tỉ đồng.
Một số cổ phiếu đang nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư là PVD, PVS, PLC, CNG, giúp giá có diễn biến tăng.
Nhân tố chính dẫn đến biến chuyển trong hoạt động của PVD đến từ nhu cầu gia tăng giàn khoan tự nâng (JU) trên toàn cầu, đặc biệt là tại Trung Đông, Ấn Độ và Trung Quốc khi nhu cầu năng lượng toàn cầu hồi phục sau đại dịch Covid-19.
Theo S&P Global, nhu cầu giàn JU tại Đông Nam Á dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong năm 2023, đẩy giá thuê giàn JU lên ngưỡng 130.000 đô la Mỹ/ngày, mức cao mới kể từ năm 2015. Thực tế, hiệu suất sử dụng giàn JU trên thị trường hiện đạt khoảng 91% và nhiều nhà khai thác đang đối mặt tình trạng khan hiếm giàn JU, trong khi giá thuê ngày đang được chào ở mức cao trong các cuộc đấu thầu.
Nguyên nhân của tình trạng trên đến từ nhu cầu giàn khoan gia tăng mạnh mẽ tại Trung Đông, nơi đã huy động thêm khoảng 50 giàn khoan từ các khu vực khác và một số trong đó đến từ Đông Nam Á. Nhu cầu giàn JU tại Trung Đông được dự báo sẽ tăng từ mức trung bình 125 giàn năm 2022 lên 169 giàn năm 2023 và 183 giàn năm 2024.
Trong bối cảnh đó, năm 2023, tất cả giàn JU của PVD đều đã có hợp đồng khoan, trong đó giàn PVD II và PVD III sẽ lần lượt phục vụ các hợp đồng dài hạn tại Indonesia và Malaysia. Bên cạnh đó, đại dự án dầu khí Lô B – Ô Môn với vốn đầu tư cơ bản dự kiến 10 tỉ đô la Mỹ được kỳ vọng sẽ đem đến sức sống mới cho ngành dầu khí. Với kế hoạch hơn 700 giếng khai thác, dự án có thể mang lại cơ hội việc làm lớn cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khoan như PVD.
Với Tổng công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PVS), doanh thu hợp nhất quí 1-2023 đạt 3.800 tỉ đồng (tương đương cùng kỳ) trong khi lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 266 tỉ đồng (giảm 14% so với cùng kỳ). Tuy nhiên, nếu loại trừ khoản lãi bất thường từ việc thanh lý tài sản trong quí 1-2022, thì lợi nhuận cốt lõi của PVS trong quí đầu năm 2023 vẫn đạt mức tăng 5%.
Các mảng hoạt động cải thiện chính bao gồm cơ khí dầu khí (M&C), kho nổi chứa, xử lý, xuất dầu thô (FPSO) và tàu chuyên dụng, trong khi các cảng và cơ sở cung ứng ghi nhận kết quả suy giảm so với cùng kỳ.
Về Block B, PVS đã đấu thầu xong các hạng mục chính của dự án và đang chờ chủ đầu tư xét thầu, cũng như chờ Chính phủ phê duyệt quyết định đầu tư cuối cùng của dự án. Ban lãnh đạo PVS cho biết, Block B là dự án có quy mô hàng tỉ đô la Mỹ nên đây sẽ là một trong những dự án trọng điểm cho mảng M&C thời gian tới.
Theo Quy hoạch Điện VIII mới được Chính phủ phê duyệt, xu hướng điện khí tự nhiên sẽ trở thành một trong những nguồn điện cơ bản quan trọng cùng với thủy điện và điện khí LNG trong dài hạn. Dự báo quyết định đầu tư cuối cùng của dự án Block B có thể được phê duyệt trong năm 2023, khởi công xây dựng trong năm 2024 và khai thác dòng khí đầu tiên vào năm 2026.
Theo chia sẻ từ ban lãnh đạo của PVS, điện gió ngoài khơi sẽ là một hướng phát triển chiến lược mới của doanh nghiệp, bên cạnh các hoạt động dầu khí truyền thống. Mới đây, PVS đã ký hợp đồng xây dựng 33 chân đế điện gió ngoài khơi tại Đài Loan (Trung Quốc) cho Orsted, công ty hàng đầu của Đan Mạch về năng lượng tái tạo, với tổng khối lượng EPC là 70.000 tấn thép (giá trị hợp đồng ước đạt 300 triệu đô la Mỹ), dự kiến sẽ hoàn thành và bàn giao vào cuối năm 2025.
Việt Nam cùng các nước trong khu vực đã có kế hoạch giảm lượng khí thải carbon, điều này sẽ dẫn đến nhu cầu cao hơn đối với việc xây dựng các trang trại gió ngoài khơi. Do đó, PVS sẽ đầu tư để mở rộng năng lực trong lĩnh vực kinh doanh này, đồng thời hợp tác với các công ty khác để xây dựng hệ thống chuỗi cung ứng trong lĩnh vực kinh doanh trang trại điện gió ngoài khơi tại Việt Nam, nhằm phục vụ cho các dự án lớn hơn trong thời gian tới.
Trong dài hạn, PVS có thể tham gia kinh doanh, trực tiếp với tư cách là nhà đầu tư. Về tỷ suất lợi nhuận, dự án trang trại điện gió có tỷ suất lợi nhuận thấp hơn so với dự án dầu khí truyền thống, nhưng do quy mô lớn nên lợi nhuận tính theo số tuyệt đối vẫn ở mức tích cực.
Kinh tế Sài Gòn Online