Cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp trước cơ hội mới?

(KTSG) – Là một trong những nhóm ngành đi lên mạnh mẽ trong vài tháng qua nhờ nhiều yếu tố hỗ trợ, giá cổ phiếu của các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp hiện chịu áp lực chốt lời và điều chỉnh. Tuy nhiên, dòng vốn đầu tư…

Fatz Admin lúc 2023-09-14

(KTSG) – Là một trong những nhóm ngành đi lên mạnh mẽ trong vài tháng qua nhờ nhiều yếu tố hỗ trợ, giá cổ phiếu của các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp hiện chịu áp lực chốt lời và điều chỉnh. Tuy nhiên, dòng vốn đầu tư nước ngoài tăng trưởng khả quan trở lại và dự báo sẽ mạnh mẽ hơn trong giai đoạn tới có thể mang đến cơ hội mới cho nhóm cổ phiếu này.

Kỳ vọng hoạt động của các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp sẽ bứt phá trong giai đoạn tới khi dòng vốn đầu tư quốc tế đổ vào ngày càng nhiều hơn. Ảnh: H.P

Chốt lời và điều chỉnh?

Trong phiên lao dốc gần 18 điểm của chỉ số VN-Index đầu tuần này (11-9-2023), nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp (BĐS KCN) cũng không tránh khỏi sự điều chỉnh chung của thị trường. Có thể kể đến như cổ phiếu của Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC) giảm 1,3%, Tổng công ty Đầu tư và phát triển công nghiệp (BCM) giảm 2,2%, Công ty cổ phần (CTCP) Đầu tư Sài Gòn VRG (SIP) và CTCP Viglacera (VGC) cùng giảm 2,3%, CTCP Long Hậu (LHG) và CTCP Sonadezi Châu Đức (SZC) giảm hơn 3,6%, CTCP Phát triển đô thị công nghiệp số 2 (D2D) giảm hơn 4,1%.

QUẢNG CÁO

Là một trong những nhóm ngành đi lên mạnh mẽ trong những tháng qua nhờ nhiều yếu tố hỗ trợ, giá cổ phiếu của các doanh nghiệp BĐS KCN hiện chịu áp lực chốt lời và điều chỉnh cũng là tất yếu.

Thống kê cho thấy giá cổ phiếu KBC đã tăng gần 50% tính từ đầu năm đến phiên cuối tuần trước và tăng hơn 160% nếu tính từ mức đáy của tháng 11 năm ngoái, trở thành một trong những mã cổ phiếu ghi nhận sự hồi phục tốt nhất trên thị trường. Tương tự, giá cổ phiếu SIP cũng đạt mức tăng tương ứng gần 118% và 183% trong cùng khoảng thời gian; cổ phiếu VGC tăng gần 60% và 115%; cổ phiếu D2D tăng gần 50% và hơn 90%, cổ phiếu LHG tăng hơn 50% và gần 125%; cổ phiếu SZC tăng hơn 80% và gần 140%.

Dòng vốn đầu tư nước ngoài tăng trưởng khả quan trở lại mang đến kỳ vọng lớn hơn cho những nhà đầu tư lựa chọn nhóm cổ phiếu BĐS KCN.

Ngược lại, BCM là một trong những mã cổ phiếu hiếm hoi đi xuống khi giảm hơn 10% tính từ đầu năm đến nay và hiện đang giao dịch gần vùng giá của tháng 11 năm ngoái.

Kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh mẽ là một trong những chất xúc tác quan trọng thúc đẩy đà tăng của nhóm cổ phiếu BĐS KCN thời gian qua, dù có sự phân hóa đáng kể. Đơn cử như KBC ghi nhận lãi sau thuế nửa đầu năm nay hơn 2.000 tỉ đồng, gấp 10 lần cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do tăng ghi nhận doanh thu từ hoạt động kinh doanh khu công nghiệp.

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp BĐS KCN nào cũng chứng kiến đà tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ. Như D2D công bố lãi ròng nửa đầu năm nay chỉ tăng 1,7% so với cùng kỳ khi chỉ đạt hơn 7 tỉ đồng, SIP thậm chí báo lãi ròng sáu tháng 460 tỉ đồng, giảm 8,5%; LHG lãi ròng hơn 75 tỉ đồng, giảm hơn 16% và SZC lãi ròng 108 tỉ đồng, giảm hơn 21% so với cùng kỳ. Đáng kể nhất là VGC ghi nhận lãi ròng hợp nhất kỳ bán niên chỉ đạt hơn 777 tỉ đồng, giảm mạnh 46% so với cùng kỳ, chủ yếu giảm mạnh ở mảng kinh doanh nhà ở thương mại.

Dù vậy, nhờ hưởng lợi từ việc Chính phủ đẩy mạnh các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, giá cổ phiếu nhóm BĐS KCN đã duy trì xu hướng đi lên tích cực như đã nói. Số liệu thống kê cho thấy vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước sau tám tháng đầu năm nay ước đạt 352.100 tỉ đồng, bằng 49,4% kế hoạch năm và tăng 23,1% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 17,1% của cùng kỳ năm 2022. Gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã liên tục đốc thúc triển khai các dự án trọng điểm để hỗ trợ tăng trưởng.

Cơ hội mới?

Ngoài ra, dòng vốn đầu tư nước ngoài tăng trưởng khả quan trở lại cũng mang đến kỳ vọng lớn hơn cho những nhà đầu tư lựa chọn nhóm cổ phiếu BĐS KCN. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20-8-2023 (bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài) đạt gần 18,15 tỉ đô la Mỹ, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng lưu ý là nếu xét riêng dòng vốn đăng ký cấp mới, tám tháng qua ghi nhận 1.924 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 8,87 tỉ đô la, tăng mạnh 69,5% về số dự án và tăng 39,7% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, vốn có nhu cầu thuê đất tại các khu công nghiệp nhiều nhất, được cấp phép mới nhiều nhất với số vốn đăng ký đạt 7,55 tỉ đô la, chiếm 85,1% tổng vốn đăng ký.

Hiện nay, Việt Nam đang đứng trước cơ hội nâng tầm mối quan hệ đối tác với nhiều nền kinh tế lớn, thể hiện qua các chuyến thăm, gặp gỡ cấp cao gần đây của nhiều nguyên thủ quốc gia các nước phát triển, mà kèm theo đó là các dự án hợp tác đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia. Có thể thấy triển vọng dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn sẽ rất lớn trong những năm tới.

Mới đây nhất, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có chuyến thăm và làm việc trong hai ngày 10 và 11-9 tại Việt Nam, với kết quả là Việt Nam và Mỹ đã nâng cấp mối quan hệ từ Đối tác Toàn diện (xác lập năm 2013) lên mức cao nhất là Đối tác Chiến lược Toàn diện (xác lập năm 2023). Mối quan hệ mới này được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy dòng vốn đầu tư từ Mỹ mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, khi nước này chỉ đang đứng thứ 11 trong số các nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam.

Trước đó, trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và Thủ tướng Úc Anthony Albanese tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 43 và các hội nghị liên quan diễn ra ở Jakarta, Indonesia hôm 7-9, Thủ tướng Úc đã đề nghị hai bên hoàn tất trao đổi và các thủ tục nội bộ để sớm tuyên bố nâng cấp quan hệ song phương lên mức Đối tác Chiến lược Toàn diện vào thời điểm phù hợp.

Trong bối cảnh một số nền kinh tế lớn đang tách rời nhau và xu hướng tái cấu trúc lại chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam thời gian qua đã nổi lên như là một trong những quốc gia tiềm năng nhất thu hút sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư quốc tế, nhờ vào vị trí địa lý thuận lợi cho hoạt động thương mại, độ mở kinh tế lớn cùng với việc đã ký hàng loạt hiệp định thương mại tự do.

Khi dòng vốn đầu tư quốc tế đổ vào ngày càng nhiều hơn, nhu cầu thuê đất tại các khu công nghiệp sẽ gia tăng, cộng thêm các dự án cơ sở hạ tầng giao thông được đầu tư mạnh mẽ sẽ giúp giá thuê đất cao hơn, từ đó kỳ vọng hoạt động của các doanh nghiệp BĐS KCN bứt phá trong giai đoạn tới. Có thể nói trước tình hình này, nhóm cổ phiếu BĐS KCN có nhiều cơ hội để tăng trưởng trong giai đoạn tới.

Dĩ nhiên vẫn có những thách thức cho nhóm này, như chính sách thuế thu nhập tối thiểu toàn cầu dự kiến sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2024 và nguy cơ nguồn cung năng lượng không đáp ứng được nhu cầu phát triển có thể ảnh hưởng lên môi trường đầu tư tại Việt Nam. Để thích ứng với những tác động của quy tắc thuế này, Bộ Tài chính đã đề xuất áp dụng Thuế bổ sung tối thiểu nội địa, dự kiến sẽ được thông qua trong kỳ họp Quốc hội tháng 10 tới, đồng thời áp dụng những điểm bổ sung để hỗ trợ doanh nghiệp.

Triêu Dương

Kinh tế Sài Gòn Online

Share
Bài viết bởi

Fatz Admin

Bình luận đã bị đóng.