Các mã NVL, IDJ, PDG, DRH, HPX, PDR, DIG, DXG, HTN… đều “bốc đầu” tăng hết biên độ tính tới giữa phiên chiều. Thị trường chứng khoán phiên đầu tuần 20/2 bứt phá mạnh, đặc biệt nhóm cổ phiếu bất động sản – xây dựng ghi nhận sự hưng phấn…
Thị trường chứng khoán phiên đầu tuần 20/2 bứt phá mạnh, đặc biệt nhóm cổ phiếu bất động sản – xây dựng ghi nhận sự hưng phấn cao độ. Các mã NVL, IDJ, PDG, DRH, HPX, PDR, DIG, DXG, HTN… đều “bốc đầu” tăng hết biên độ tính tới giữa phiên chiều.
Cổ phiếu bất động sản – xây dựng đồng loạt tăng trần (tính tới 14h10p phiên 20/2)
Diễn biến khởi sắc của nhóm BĐS ghi nhận sau khi Hội nghị trực tuyến toàn quốc “tháo gỡ khó và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững” do Thủ tướng chủ trì diễn ra và đem theo nhiều kỳ vọng. Hàng loạt thông điệp từ Hội nghị đã cho thấy nỗ lực từ phía cơ quan chức năng trong việc đồng hành tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và đưa thị trường BĐS phát triển theo hướng bền vững hơn.
Đặc biệt, phát biểu tại Hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết NHNN đã họp với 4 ngân hàng thương mại Nhà nước. Các ngân hàng thương mại Nhà nước cũng thống nhất dành một gói tín dụng cho lĩnh vực này trị giá 120.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay cả người xây dựng và người mua nhà thấp hơn từ 1,5-2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong từng thời kỳ. Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định thị trường bất động sản có vai trò hết sức quan trọng trong nền kinh tế và có mối liên hệ chặt chẽ với nhiều ngành sản xuất. Tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản cũng sẽ giúp khơi thông hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, điều mà các doanh nghiệp bất động sản và nhà đầu tư quan tâm đó là câu chuyện trái phiếu doanh nghiệp, cụ thể là Dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế.
Trong bối cảnh hàng loạt khó khăn xuất hiện trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 65/2022 đã có nhiều quy định mới được đề xuất. Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định trường hợp doanh nghiệp không thể thanh toán gốc, lãi trái phiếu bằng tiền thì có thể đàm phán với nhà đầu tư để thanh toán bằng tài sản khác theo nguyên tắc tuân thủ quy định của pháp luật dân sự, pháp luật chuyên ngành và pháp luật có liên quan ; phải được người sở hữu trái phiếu chấp thuận; doanh nghiệp phải công bố thông tin và chịu trách nhiệm về tình trạng pháp lý của tài sản sử dụng để thanh toán gốc, lãi trái phiếu.
Để hỗ trợ doanh nghiệp huy động vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và cơ cấu lại các khoản nợ, Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định cho phép các trái phiếu đã phát hành trước đây còn dư nợ thì được đàm phán để thay đổi kỳ hạn của trái phiếu, thời gian tối đa là 02 năm ; bổ sung quy định trường hợp đàm phán thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu (trong đó có cả kỳ hạn trái phiếu) mà có nhà đầu tư không chấp thuận thì doanh nghiệp phải thanh toán đầy đủ gốc, lãi trái phiếu cho các nhà đầu tư này.
Quy định mới này được kỳ vọng sẽ giúp giảm bớt áp lực tài chính trong ngắn hạn đối với các doanh nghiệp bất động sản, đặc biệt khi cao điểm đáo hạn trái phiếu sẽ rơi vào giai đoạn 2023-2024. Nếu được thông qua, các doanh nghiệp bất động sản sẽ có thêm thời gian cải thiện tình hình kinh doanh, tái cơ cấu, xoay sở dòng tiền để trả nợ. Tuy nhiên, mức độ hiệu quả còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố và các doanh nghiệp BĐS cũng phải chủ động tái cơ cấu mạnh mẽ hoạt động để vượt khó thay vì chỉ ngồi chờ “giải cứu”.
Còn đó nhiều thách thức…
Trên thực tế, dù đón nhận nhiều thông tin tương đối tích cực gần đây nhưng không thể phủ nhận ngành BĐS vẫn đang phải đối mặt với không ít thách thức. Theo VNDirect, các chủ đầu tư BĐS gặp khó khăn trong việc tái cơ cấu nợ do thắt chặt các khoản vay ngân hàng vào BĐS và giám sát chặt chẽ trong việc phát hành TPDN. Ngoài ra, lãi suất tăng làm suy yếu nhu cầu mua nhà và nguồn cung mới có thể sụt giảm khi quá trình phê duyệt pháp lý chờ được khai thông với Luật đất đai sửa đổi.
Mặt khác, VNDirect cho rằng sức khỏe tài chính của các doanh nghiệp BĐS niêm yết hiện tốt hơn so với giai đoạn 2011-13 và kỳ vọng chu kỳ sẽ diễn ra ngắn hơn và ít thiệt hại hơn. Giá căn hộ sơ cấp trung bình được kỳ vọng sẽ giảm 5- 10% và lượng căn hộ tiêu thụ giảm khoảng 20% so với cùng kỳ trong năm 2023 (so với giá sơ cấp giảm 20-30% và lượng căn hộ tiêu thụ giảm 50% trong năm 2012-13).
Ngoài ra, VNDirect kỳ vọng Luật Đất đai sửa đổi 2023 sẽ được ban hành như kế hoạch vào nửa cuối 2024, giúp tháo gỡ các nút thắt pháp lý trong việc phê duyệt dự án nhà ở mới, từ đó giúp nguồn cung nhà ở phục hồi từ 2024-25.
Nhịp Sống Thị Trường