Có nên giảm tỷ lệ sở hữu của cổ đông lớn và hạn chế quyền giữ chức vụ của hội đồng quản trị?

(KTSG) – Hiện nay vấn đề sở hữu chéo là một vấn đề nhức nhối trong điều hành và quản lý tổ chức tín dụng (TCTD) tại Việt Nam. Việc sở hữu chéo đã gây ra nhiều hệ lụy trong quản lý và hoạt động ngân hàng. Ngân hàng Nhà…

Fatz Admin lúc 2023-10-25

(KTSG) – Hiện nay vấn đề sở hữu chéo là một vấn đề nhức nhối trong điều hành và quản lý tổ chức tín dụng (TCTD) tại Việt Nam. Việc sở hữu chéo đã gây ra nhiều hệ lụy trong quản lý và hoạt động ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, thông qua Dự thảo Luật các tổ chức tín dụng đang thực hiện hai thay đổi quan trọng, bao gồm (i) việc giảm tỷ lệ sở hữu của cổ đông lớn trong TCTD; và (ii) việc thành viên hội đồng quản trị (HĐQT) của TCTD không được đồng thời là người quản lý, người điều hành của doanh nghiệp khác, từ đó đưa ra các đề xuất đối với hai điểm pháp lý này. Bài viết này đưa ra ý kiến liên quan đến hai vấn đề trên.

Ảnh: LÊ VŨ

Giảm tỷ lệ sở hữu của cổ đông lớn trong TCTD

Tỷ lệ sở hữu của cổ đông lớn có sự điều chỉnh so với pháp luật hiện hành, theo đó, mức sở hữu tối đa của cá nhân, tổ chức, và cổ đông/người có liên quan lần lượt là 3%, 10%, và 15% (Luật các tổ chức tín dụng hiện tại là 5%, 15%, và 20%).

QUẢNG CÁO

Ở các quốc gia khác để duy trì sự ổn định của hệ thống tài chính, các cơ quan quản lý và giám sát đưa ra các quy định rất chặt chẽ nhằm hạn chế (i) quyền sở hữu của một ngân hàng đối với một ngân hàng khác, hoặc quyền sở hữu của một nhóm người có liên quan đối với hai ngân hàng trở lên; và (ii) cung cấp tín dụng (bao gồm hạn mức cho vay) cho cổ đông/cấp quản lý/và những người có liên quan của họ.

Về mặt thương mại và định hướng chiến lược, các cơ quan quản lý và giám sát chủ yếu chịu trách nhiệm (i) quản lý tình hình tài chính của các tổ chức tín dụng; và (ii) duy trì sự ổn định của hệ thống tài chính. Để thực hiện các nhiệm vụ này, các cơ quan quản lý và giám sát có xu hướng quản lý các yêu cầu về vốn tối thiểu, giám sát theo quy định và kỷ luật thị trường dựa trên các thông lệ quốc tế thay vì tỷ lệ sở hữu. Việc góp vốn khi đạt từng ngưỡng nhất định sẽ được cấp bộ hoặc cấp khác phê duyệt, không giới hạn ngưỡng tối đa.

Trong trường hợp việc sửa đổi được thông qua thì thị trường chứng khoán tại Việt Nam sẽ có ảnh hưởng. Hiện nay, thị trường chứng khoán Việt Nam đang là thị trường cận biên (Frontier markets) với khối lượng giao dịch hàng ngày khoảng 10.000-20.000 tỉ đồng, trong khi đó một TCTD trên thị trường có giá trị lên đến 100.000 tỉ đồng hoặc hơn, trong khi thị trường có gần 30 ngân hàng đã niêm yết, cùng gần 2.000 doanh nghiệp niêm yết khác. Để hấp thụ vốn từ sự thoái lui của cổ đông lớn tại các ngân hàng là điều khó khăn.

Quy định mới này cũng gây ra việc phân biệt đối xử giữa cổ đông lớn trong nước (10%, 15%) với cổ đông lớn nước ngoài (20%).

Để lành mạnh hóa thị trường tài chính, pháp luật nên hạn chế hạn mức cho vay (cấp tín dụng) đối với cổ đông và tăng tỷ lệ an toàn vốn, giống như Singapore, Hàn Quốc, Mỹ… chứ không nên siết nguồn vốn. Ngân hàng càng lớn, càng minh bạch thì thị trường càng phát triển.

Như vậy, việc giữ nguyên quy định này như Luật các tổ chức tín dụng hiện hành là phù hợp so với việc điều chỉnh giảm tỷ lệ sở hữu của cổ đông lớn.

Vấn đề kiêm nhiệm của thành viên hội đồng quản trị

Dự thảo đặt ra quy định mới về việc thành viên HĐQT của TCTD không đồng thời là người quản lý, người điều hành của doanh nghiệp khác(1). Có thể thấy, quy định này có thể gây ra một số hệ lụy cho TCTD.

Thứ nhất, việc kiêm nhiệm chức danh thành viên HĐQT tại nhiều công ty không hạn chế khả năng ra quyết định của thành viên HĐQT đối với ngân hàng do vị trí này không phải là cố định hàng ngày, vị trí cố định dành cho công việc hàng ngày thuộc về Ban điều hành với sự lãnh đạo của tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, và các vị trí lãnh đạo liên quan.

Thứ hai, việc hạn chế kiêm nhiệm chức danh thành viên HĐQT sẽ khiến những người không có kinh nghiệm/không có kiến thức giữ chức danh HĐQT, bởi lẽ người đủ điều kiện giữ chức danh thành viên HĐQT thì có khả năng cao đang đảm nhiệm quản lý và điều hành ở doanh nghiệp khác.

Thứ ba, đa phần các quốc gia phát triển không có quy định hạn chế về chức danh kiêm nhiệm thành viên HĐQT.

Việc hạn chế này trái với quy định Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán và làm hạn chế quyền công dân của chính cá nhân quản trị điều hành.

Từ các phân tích trên có thể thấy, các hạn chế về vốn và vai trò quản lý là chưa hẳn phù hợp và sát với thực tiễn thị trường, điều này không chỉ ảnh hưởng đển thị trường tài chính, định giá, mà còn ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của TCTD Việt Nam so với các nước trong khu vực.

(1) Khoản 2 điều 34 Dự thảo Luật TCTD

TS. Vũ Kim Hạnh Dung – LS. Trần Quốc Đạt

Kinh tế Sài Gòn Online

Share
Bài viết bởi

Fatz Admin

Bình luận đã bị đóng.