(KTSG Online) – Dòng tiền từ các nhà đầu tư cá nhân vẫn đang chảy mạnh vào kênh chứng khoán, trong bối cảnh tỷ suất lợi nhuận của một quỹ đầu tư cao hơn gấp ba lần mức tăng của chỉ số VN-Index trong nửa đầu năm. Thị trường có…
(KTSG Online) – Dòng tiền từ các nhà đầu tư cá nhân vẫn đang chảy mạnh vào kênh chứng khoán, trong bối cảnh tỷ suất lợi nhuận của một quỹ đầu tư cao hơn gấp ba lần mức tăng của chỉ số VN-Index trong nửa đầu năm.
Nhóm đầu tư cá nhân tiếp tục “đẩy” thị trường
Chứng khoán vẫn tiếp tục là điểm đến hấp dẫn khi có thêm 106.000 tài khoản mở mới trong tháng 6, tăng 751.000 so với đầu năm, tiếp tục nâng số lượng tài khoản cá nhân lên cao kỷ lục. Trong cùng giai đoạn, dòng tiền chảy vào thị trường chứng khoán tăng mạnh so với cùng kỳ. Theo đó, giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên tăng 37% trong tháng 6-2024 so với cả năm 2023, đạt 23.300 tỉ đồng.
Sức hấp dẫn này được “cụ thể hóa” khi lực cầu của thị trường tiếp tục được duy trì mạnh mẽ từ nhóm nhà đầu tư cá nhân. Trái ngược với dòng tiền “chảy ngược” của khối ngoại và các nhà đầu tư tổ chức có vào có ra, dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân vẫn tăng đều đặn kể từ đầu năm đến nay.
Theo đó, trong tháng 6, nhóm này mua ròng 15.580 tỉ đồng, nâng mức lũy kế mua ròng lên 55.950 tỉ đồng trong sáu tháng đầu năm. Còn khối ngoại vẫn tiếp tục duy trì đà bán ròng, nâng tổng lũy kế lên 52.040 tỉ đồng.
Nhìn chung, thị trường chứng khoán hiện vẫn tiếp tục là kênh hấp dẫn trong số các kênh đầu tư, dù giá vàng tăng ấn tượng và lãi suất huy động vẫn đang nhích tăng trong thời gian qua.
Theo ông Đinh Đức Minh, Giám đốc Đầu tư, Quỹ đầu tư VinaCapital, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có mức tăng tốt hơn các thị trường khác trong khu vực ASEAN và các chỉ số MSCI thị trường mới nổi và thị trường cận biên. Tính từ đầu năm đến tuần đầu của tháng 7-2024, chỉ số VN-Index tăng 13,6% tính theo tiền đồng và 8,4% nếu quy đổi ra đồng đô la Mỹ.
Dù vậy, con số tăng trưởng chung của thị trường cao hơn lãi suất tiền gửi chưa đủ để nói lên mức độ hấp dẫn, vì sự phân hóa của nhóm các cổ phiếu đang ở mức rất cao. Trong 6 tháng đầu năm, có nhiều cổ phiếu giảm điểm, nhưng cũng có không ít đã tăng giá gấp đôi gấp ba.
Trong khi đó, hiệu suất đầu tư của nhiều quỹ mở trên sàn hiện nay cao hơn nhiều so với mức tăng của VN-Index là 10,3% trong 6 tháng đầu năm. Dẫn đầu là Quỹ đầu tư cổ phiếu Kinh tế hiện đại VinaCapital (VMEEF) với mức tăng khoảng 30,2%; tiếp theo Quỹ đầu tư Lợi thế cạnh tranh bền vững SSI (SCA) có hiệu suất hơn 27%; Quỹ đầu tư Chứng khoán năng động Dragon Capital (DCDS) có mức tăng 21,9%; Quỹ đầu tư Cổ phiếu triển vọng Bảo Việt (BVPF) với mức tăng 20,4%.
Tương tự, nhiều quỹ khác cũng tăng trưởng cao hơn nhiều so với chỉ số chung của thị trường chứng khoán. Hoạt động của các quỹ mở dựa trên nguyên tắc được góp vốn bởi nhiều nhà đầu tư cá nhân, được quản lý bởi các chuyên gia của quỹ với danh mục và mục tiêu công bố đại chúng.
“Sự tích cực này là nhờ lực mua của các nhà đầu tư trong nước, chiếm đến 85-90% giao dịch trên thị trường. Với kỳ vọng nền kinh tế sẽ hồi phục tích cực trong năm 2024-2025 và môi trường lãi suất, dù đã tăng nhẹ so với năm ngoái nhưng vẫn ở mức tương đối hấp dẫn cho kênh đầu tư chứng khoán”, ông Minh bình luận.
Đánh giá tương tự, nhóm phân tích của Công ty chứng khoán Yuanta việt Nam cho rằng chứng khoán hấp dẫn hơn so với các kênh đầu tư khác kể cả khi lãi suất tiết kiệm đang có xu hướng tăng trở lại. Lý do vì nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn cùng chỉ số VN-Index vẫn đang ở mức định giá thấp.
Kỳ vọng tiếp tục đi lên
Tính đến ngày 11-7, thị trường đã có dấu hiệu chốt lời sau nhiều phiên tăng liên tiếp. Chỉ số VN-Index vẫn đang giao dịch quanh vùng 1.280-1290 điểm, sau khi chạm mốc 1.300 điểm hồi tháng 6-2022.
Dấu mốc này khiến nhiều nhà đầu tư kỳ vọng chứng khoán Việt Nam tiếp tục xu hướng tăng điểm, tìm lại những “mức đỉnh” cũ trong bối cảnh thị trường chứng khoán Mỹ liên tiếp lập đỉnh mới nhờ nhóm cổ phiếu công nghệ. Tại Việt Nam, hai nhóm cổ phiếu chiếm 51% giá trị vốn hóa là ngân hàng và bất động sản vẫn còn đi ngang và có những vấn đề riêng.
Diễn biến thị trường gần đây được đánh giá là đang ở trong giai đoạn hạ nhiệt sau giai đoạn tăng mạnh, đặc biệt là trong quí 1. Tuy nhiên, sự tích cực vẫn đang được đánh giá nhiều hơn là tiêu cực.
Ở góc độ này, nhiều nhà phân tích vẫn đặt niềm tin về triển vọng chỉ số VN-Index. Theo nhóm phân tích Mirae Asset trong báo cáo chiến lược tháng 7, dù thị trường đã ghi nhận áp lực chốt lời đáng kể trong tháng 6, nhưng lực cầu đang dần chiếm ưu thế, phần lớn lực bán đều đã được hấp thụ tương đối tốt. Giá trị giao dịch khớp lệnh bình quân mỗi phiên tăng 5% so với tháng trước, đạt 19.790 tỉ đồng, trong khi tổng khối lượng giao dịch trong tháng giảm 8,7% so với tháng trước.
Còn theo nhóm phân tích của Công ty chứng khoán Maybank, trong ngắn hạn thị trường có thể chịu áp lực từ việc khối ngoại sẽ tiếp tục duy trì bán ròng, áp lực của tỷ giá và tăng lãi suất, nhưng áp lực sẽ giảm dần trong nửa cuối năm 2024.
Mặt khác, câu chuyện nâng hạng thị trường vẫn đang tiếp tục trong bối cảnh các nhà quản lý đang thúc đẩy thay đổi quy định liên quan đến yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (pre-funding), cũng sẽ là động lực cho thị trường.
Tương tự, ông Minh của VinaCapital đánh giá, thị trường chứng khoán vẫn duy trì triển vọng tích cực, trong bối cảnh kinh tế đang phục hồi nhanh hơn dự báo, còn các doanh nghiệp niêm yết có thể đạt được kết quả kinh doanh tích cực trong cả năm nay.
“Đối với danh mục các cổ phiếu mà VinaCapital theo dõi, chiếm khoảng 90% vốn hóa thị trường, dự báo tăng trưởng tổng lợi nhuận của các doanh nghiệp này có thể đạt khoảng 20% trong cả năm. Dù thị trường chứng khoán vẫn còn có thể chịu ảnh hưởng của áp lực tỉ giá và lãi suất nhưng áp lực này sẽ giảm bớt trong thời gian tới”, ông Minh bình luận.