Chứng khoán trước cơ hội nới lỏng tiền tệ

(KTSG) – Điều quan trọng hơn mà các nhà đầu tư cần quan tâm có lẽ là chính sách tiền tệ đang dần đảo chiều chuyển sang nới lỏng trở lại. Sau hai đợt giảm lãi suất điều hành trong nửa cuối tháng 3, mới đây Ngân hàng Nhà nước…

Fatz Admin lúc 2023-05-20

(KTSG) – Điều quan trọng hơn mà các nhà đầu tư cần quan tâm có lẽ là chính sách tiền tệ đang dần đảo chiều chuyển sang nới lỏng trở lại. Sau hai đợt giảm lãi suất điều hành trong nửa cuối tháng 3, mới đây Ngân hàng Nhà nước phát tín hiệu có thể tiếp tục giảm lãi suất điều hành thêm một lần nữa.

Trong trường hợp VN-Index có thể bứt phá và duy trì vững chắc trên đường kháng cự MA 200, dòng tiền đánh theo kỹ thuật sẽ tự tin tham gia mạnh mẽ hơn. Ảnh: LÊ VŨ

Tiền mỏng luân chuyển linh hoạt

Không như những lo ngại trước đó, thị trường chứng khoán đang có những diễn biến khá tích cực trong nửa đầu tháng 5-2023, với chỉ số VN-Index tăng nhẹ 1,5%. Thanh khoản cũng có dấu hiệu cải thiện tốt hơn, với khối lượng giao dịch tăng dần trong tuần thứ 2 của tháng, cho thấy dòng tiền dường như đang tham gia tích cực hơn.

QUẢNG CÁO

Đặc biệt, dù thị trường vẫn đang ở thế giằng co và giao dịch trong một biên độ hẹp suốt ba tháng qua, nhưng dòng tiền cho thấy sự luân chuyển linh hoạt qua các nhóm ngành, từ du lịch, nông nghiệp, công nghệ thông tin, bán lẻ, chế biến thủy sản, năng lượng, nguyên vật liệu…, nên vẫn mang lại cơ hội khá lớn cho các nhà đầu tư nhanh nhạy và khả năng lướt sóng tốt.

Về phía nhà đầu tư nước ngoài, sau khi bán ròng gần 2.780 tỉ đồng tính riêng trên sàn HOSE trong tháng 4, nhóm này tiếp tục bán ròng thêm hơn 1.022 tỉ đồng chỉ trong nửa đầu tháng 5, chủ yếu do dòng tiền qua các quỹ ETFs tiếp tục bị rút ròng. Lực bán của nhà đầu tư nước ngoài là một trong những yếu tố ảnh hưởng phần nào lên tâm lý nhà đầu tư trong nước và góp phần kìm hãm thị trường trong những tháng qua.

Trong khi sự phục hồi của ngành bất động sản phụ thuộc vào nhóm cổ phiếu nhỏ và vừa, cổ phiếu các ngân hàng tư nhân, vốn được hưởng lợi hơn rất nhiều từ chính sách so với các ngân hàng quốc doanh, cũng có mức tăng giá tốt hơn.

Hầu hết các dự báo trước đó của các công ty chứng khoán khá thận trọng với diễn biến thị trường trong tháng 5, dù thực tế diễn biến thị trường cho đến thời điểm này chưa xảy ra một cú sốc nào quá lớn. Hàng loạt thông tin chính sách vĩ mô tích cực được ban hành gần đây dù chưa kích thích được thị trường tăng mạnh, nhưng rõ ràng đã trở thành một lực đỡ quan trọng cho thị trường.

Vùng cản gần nhất của VN-Index đang nằm gần 1.090 điểm, tương ứng với đường trung bình động 200 ngày (MA 200). Trước đó, vào thời điểm cuối tháng 1 và đầu tháng 4-2023, chỉ số VN-Index cũng đã quay đầu giảm trở lại khi tiến gần đến đường MA 200 này. Vì vậy, khả năng không ít nhà đầu tư sẽ đẩy mạnh chốt lời khi chỉ số tiếp cận trở lại gần đường MA 200 một lần nữa. Ngược lại, trong trường hợp VN-Index có thể bứt phá và duy trì vững chắc trên đường kháng cự này, dòng tiền đánh theo kỹ thuật sẽ tự tin tham gia mạnh mẽ hơn.

Điều quan trọng hơn mà các nhà đầu tư cần quan tâm có lẽ là chính sách tiền tệ đang dần đảo chiều chuyển sang nới lỏng trở lại. Sau hai đợt giảm lãi suất điều hành trong nửa cuối tháng 3, mới đây Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phát tín hiệu có thể tiếp tục giảm lãi suất điều hành thêm một lần nữa trong thời gian tới. Trong khi đó, mặt bằng lãi suất huy động vốn tại nhiều ngân hàng đã phản ứng sớm hơn khi tiếp tục được điều chỉnh giảm từ đầu tháng 5 đến nay.

Hưởng lợi từ nới lỏng tiền tệ?

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hay một số ngân hàng trung ương các nước khác, sau khi thắt chặt chính sách tiền tệ trong hơn một năm qua, giờ đây tuy lộ trình nâng lãi suất sắp đến hồi kết nhưng vẫn buộc phải neo lãi suất cao chưa biết đến khi nào để chống chọi với lạm phát cao, dù có thể mang lại rủi ro suy thoái cho nền kinh tế.

Ngược lại, Việt Nam dường như đã đảo chiều chính sách sớm hơn khi nhận thấy lãi suất cao có thể tàn phá nền kinh tế và hoạt động của các doanh nghiệp như thế nào. Đạt được điều này là nhờ lạm phát của Việt Nam sau những áp lực lớn trong năm 2022 thì những tháng đầu năm 2023 này đã hạ nhiệt đáng kể, cùng với tỷ giá cũng ổn định trở lại và thanh khoản hệ thống dồi dào hơn.

Các thị trường khác gặp khó khăn trong thời gian qua, từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản, mà đã lây lan ảnh hưởng sang thị trường cổ phiếu kéo dài từ năm 2022 đến nay, gần đây cũng đã được hỗ trợ bởi nhiều chính sách. Bên cạnh đó, một số dự án bất động sản lớn tại nhiều địa phương cũng dần được tháo gỡ vướng mắc về mặt pháp lý để có thể tiếp tục triển khai.

Nay cùng với lãi suất đi xuống trở lại, dễ hiểu vì sao nhiều dự báo cho rằng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ bắt đầu phục hồi từ quí 2 này, trước khi tăng trưởng cao hơn trong nửa cuối năm 2023. Lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp đã chạm đáy trong quí 1 vừa qua, với sự sụt giảm mạnh mẽ, thậm chí thua lỗ.

Đặc biệt, Thông tư 02/2023/TT-NHNN ban hành gần đây không chỉ giúp các ngân hàng giảm bớt áp lực chuyển nợ xấu và trích lập dự phòng, mà còn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận nguồn vốn tín dụng, cải thiện dòng tiền. Vì vậy, có lý do để kỳ vọng nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ có diễn biến tốt hơn trong thời gian tới và là đầu tàu quan trọng dẫn dắt thị trường tiếp tục đi lên. Nhóm chứng khoán cũng có thể hưởng lợi trước triển vọng tích cực của thị trường.

Trong một báo cáo đánh giá gần đây, Quỹ Dragon Capital cho rằng nợ xấu tuy vẫn là vấn đề đáng lo ngại nhưng rủi ro hệ thống đã giảm đáng kể. Trong khi sự phục hồi của ngành bất động sản phụ thuộc vào nhóm cổ phiếu nhỏ và vừa, cổ phiếu các ngân hàng tư nhân, vốn được hưởng lợi hơn rất nhiều từ chính sách này so với các ngân hàng quốc doanh, cũng có mức tăng giá tốt hơn

Ngoài ra, nhóm cổ phiếu điện cũng đang nhận được sự quan tâm khi bản quy hoạch điện VIII đã chính thức được Chính phủ phê duyệt trong ngày 15-5. Đặc biệt, các doanh nghiệp điện tái tạo sẽ hưởng lợi khi quy hoạch ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, chiếm khoảng 31-39% vào 2030, tương đương 5.000-10.000 MW. Con số có thể tăng lên 47% cùng các điều kiện cam kết theo tuyên bố chính trị về thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng với Việt Nam (JETP). Tỷ trọng nguồn điện này trong hệ thống dự kiến tăng lên 67,5-71,5% vào năm 2050.

Triêu Dương

Kinh tế Sài Gòn Online

Share
Bài viết bởi

Fatz Admin

Bình luận đã bị đóng.