Chứng khoán thế giới tăng trưởng tốt nhất 5 năm nhờ cơn sốt AI

(KTSG Online) – Thị trường chứng khoán thế giới ghi nhận mức tăng trưởng quí 1 mạnh mẽ nhất trong 5 năm qua nhờ sự hưng phấn của nhà đầu tư đối với các công ty hoạt động trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI). Bên cạnh đó, kỳ…

Fatz Admin lúc 2024-03-30

(KTSG Online) – Thị trường chứng khoán thế giới ghi nhận mức tăng trưởng quí 1 mạnh mẽ nhất trong 5 năm qua nhờ sự hưng phấn của nhà đầu tư đối với các công ty hoạt động trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI). Bên cạnh đó, kỳ vọng về kịch bản ‘hạ cánh mềm’ của nền kinh tế Mỹ củng cố tâm lý lạc quan trên thị trường cổ phiếu.

Cơn sốt AI giúp thị trường chứng khoán toàn cầu trải qua quí 1 khởi sắc nhất trong 5 năm qua. Ảnh: Getty

Cơn sốt AI lan tỏa

Chỉ số chứng khoán thế giới MSCI, theo dõi phiếu của gần 3.000 công ty tiêu biểu từ 23 thị trường phát triển và 24 thị trường mới nổi, tăng 7,7% trong quí đầu tiên tính đến ngày 28-3. Tốc độ này đánh dấu quí 1 tăng trưởng khởi sắc nhất của thị trường chứng khoán thế giới so với cùng kỳ của bất kỳ năm nào kể từ năm 2019.

QUẢNG CÁO

Cơn bùng nổ đầu tư AI sau màn ra mắt ấn tượng của ChatGPT, do OpenAI phát triển hồi cuối năm 2022 đã chắp cánh cho các  thị trường chứng khoán lớn, đặc biệt là Mỹ. Trong quí 1, chỉ số S&P 500 của thị trường chứng khoán Mỹ leo lên các đỉnh kỷ lục mới 22 lần. Vốn hóa thị trường của hãng thiết kế chip AI Nvidia của Mỹ tăng thêm hơn 1.000 tỉ đô la Mỹ trong quí vừa qua. Con số này tương đương 20% mức tăng vốn hóa của thị trường chứng khoán thế giới trong cùng giai đoạn.

Cơn sốt AI đã lan rộng trên khắp Phố Wall. Cổ phiếu của hãng máy tính Dell tăng giá gấp ba lần trong năm qua, đặc biệt có mức tăng 31% trong một ngày của tháng 3. Nhu cầu về máy chủ trang bị chip của Nvidia đã mang lại lượng đơn hàng tăng vọt cho Dell.

Kể từ tháng 12 năm ngoái khi hãng chip nhớ lớn nhất Mỹ là AMD thông báo bắt đầu xuất xưởng các chip AI mới nhất, giá trị thị trường của công ty đã tăng 100 tỉ đô la lên mức 292 tỉ đô la, cao hơn đáng kể so với mức định giá 80 tỉ đô la của OpenAI.

Cổ phiếu của Super Micro, nhà cung cấp các máy chủ tiên tiến nhất cho các trung tâm dữ liệu, tăng giá 250% kể từ đầu năm nay sau khi công ty báo cáo doanh số tăng gấp đôi. Hay Broadcom, nhà sản xuất gia công chip AI cho Google và các công ty công nghệ khác, ghi nhận cổ phiếu tăng giá gấp đôi trong năm qua, bổ sung 300 tỉ đô la vào vốn hóa.

Đà tăng mạnh mẽ của chứng khoán ở Phố Wall do cổ phiếu công nghệ dẫn dắt đã dần lan tỏa ra thế giới,. Đáng kể là thị trường cổ phiếu ở châu Âu và Nhật Bản bắt đầu tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn Mỹ.

Trong tháng 3, các chỉ số chứng khoán FTSE 100 của Anh, Dax của Đức, CAC 40 của Pháp và Ibex 35 của Tây Ban Nha đều chứng kiến tốc độ tăng trưởng vượt trội so với chỉ số S&P 500.

“Thị trường chứng khoán toàn cầu đang trở nên rất sôi động và đón nhận một đợt phục hồi toàn diện”, Florian Ielpo, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu vĩ mô của Lombard Odier Investment Managers nói,

Dẫn đầu tăng trưởng trong số các thị trường lớn là Nhật Bản, nơi niềm tin vào nền kinh tế ngày càng tăng. Đà tăng giá mạnh của cổ phiếu các hãng chip trong nước đã thúc đẩy chỉ số Topix ở Tokyo tăng 16,2% trong đầu năm nay. Tại Đài Loan, giá cổ phiếu của TSMC, nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới, tăng 34% trong quí 1.

Màn ra mắt gây ấn tượng của ChatGPT, do OpenAI phát triển, đã kích hoạt làn sóng đầu tư AI, thúc đẩy giá cổ phiếu của các công ty hoạt động trong lĩnh vực này, dẫn đầu là hãng chip Nvidia. Ảnh: Getty

Sức mạnh bền bỉ của kinh tế Mỹ tiếp sức cho Phố Wall

Các tín hiệu tăng trưởng kinh tế bền bỉ của Mỹ cũng tiếp sức cho Phố Wall, nơi có các cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong chỉ số chứng khoán thế giới MSCI. Nhà đầu tư vẫn lạc quan ngay cả khi họ cắt giảm kỳ vọng về số đợt giảm lãi suất trong năm nay sau khi chứng kiến lạm phát tăng trong tháng 1 và tháng 2

Các thị trường giờ đây đồng thuận rằng, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chỉ hạ lãi suất 3 đợt trong năm nay, với mỗi đợt giảm 0,25 điểm phần trăm, thay vì 6 đợt như dự báo vào cuối năm ngoái.

Kristina Hooper, giám đốc chiến lược thị trường toàn cầu của Invesco ghi nhận, thị trường chứng toàn cầu tăng trưởng mạnh trong thời gian qua nhờ sự hào hứng với AI. Đồng thời, câu chuyện nới lỏng chính sách tiền tệ và một nền kinh tế toàn cầu kiên cường cũng là trợ lực lớn cho chỉ số tăng trưởng.

“Nhìn chung, tốc độ giảm lạm phát trên thế giới đang khá tốt nhưng không gây lo ngại về suy thoái kinh tế. Vì vậy, chúng ta vẫn còn thời gian để tận hưởng làn sóng tăng giá cổ phiếu hiện tại”. Amelie Derambure, nhà quản lý danh mục đầu tư của Công ty quản lý tài sản Amundi nói. Vị này cho biết thêm, kể từ đầu năm, Amundi tăng cường mua cổ phiếu ở Nhật Bản, châu Âu và cả ở Mỹ.

Trong khi đó, 2/3 trong số các nhà quản lý quỹ đầu tư trên toàn cầu tham gia cuộc khảo sát của ngân hàng Bank of America (BofA)nhận định, nền kinh tế Mỹ sẽ không suy thoái trong 12 tháng tới. Tỷ lệ này tăng từ mức chỉ hơn 10% vào đầu năm 2023. Lần đầu tiên sau hơn 2 năm, phần lớn nhà quản lý quỹ cũng kỳ vọng lợi nhuận doanh nghiệp trên toàn cầu sẽ tăng trưởng trong trung hạn.

Liệu đà tăng trưởng do AI dẫn dắt có bền vững?

Giá cổ phiếu tăng cao cũng phản ánh khẩu vị tài sản rủi ro của các nhà đầu tư. Theo ngân hàng HSBC, chỉ trong một ngày trong tháng 1, vốn hóa thị trường của Nvidia tăng thêm khoảng 277 tỉ đô la Mỹ. Con số này gần tương đương với giá trị vốn hóa thị trường của mọi công ty niêm yết ở Philippines.

Mức tăng giá tương tự đối với các tài sản rủi ro khác khiến một số nhà quan sát thị trường so sánh tình trạng thị trường hiện tại với bong bóng dot-com vào năm 2000 khi giá cổ phiếu của công ty internet suy sụp. Mức tăng giá 60% trong 3 tháng qua đã đẩy vốn hóa của bitcoin cao hơn GDP của khoảng 150 quốc gia.

Tuy nhiên, nhà chiến lược Stephen Suttmeier của BofA lưu ý, hai chu kỳ tăng giá của thị trường chứng khoán Mỹ, bắt đầu từ năm 1950 và từ năm 1980 đã lần lượt kéo dài 16 năm và 20 năm. Vì vậy, chu kỳ tăng trưởng hiện tại của Phố Wall khởi đầu vào 2013, có thể kéo dài đến giai đoạn 2029-2033. Dù vậy, nếu tỷ lệ thất nghiệp tăng đột ngột hoặc suy thoái kinh tế diễn ở Mỹ, đà tăng trưởng này sẽ bị chặn đứng.

Trong nhiều trường hợp, cơn bùng nổ của thị trường chứng khoán dưới sự dẫn dắt của lĩnh vực AI phản ánh sự gia tăng thực sự về số lượng đơn đặt hàng, khi nhu cầu về thiết bị đào tạo và vận hành AI tăng lên. Nhưng vẫn có những lý do chính đáng để đặt câu hỏi liệu nhu cầu này có đủ lớn hoặc bền vững để phản ánh đà tăng giá cổ phiếu công nghệ rộng khắp của thị trường chứng khoán hay không?

Trong cuộc săn lùng những công ty được hưởng lợi từ AI, một số vụ đặt cược ban đầu vào AI đã không thành công. Hồi cuối năm ngoái, Phố Wall chú ý đến hãng phần mềm Adobe sau khi hãng ra mắt công cụ AI tạo sinh riêng. Có tên gọi Firefly, công cụ này được thiết kế để biến mệnh lệnh của người dùng thành hình ảnh và hiệu ứng văn bản dành riêng cho mục đích thương mại. Adobe cho biết sẽ tích hợp công cụ mới vào các ứng dụng quen thuộc như Photoshop và Adobe Illustrator

Tuy nhiên, cho đến nay, khách hàng vẫn chưa chi nhiều tiền cho các tính năng AI mới mà Adobe cung cấp. Giá cổ  phiếu của Adobe giảm 20% so với mức đỉnh gần đây do nhà đầu tư thất vọng với dự báo doanh thu của hãng trong năm nay.

Theo Financial Times

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Share
Bài viết bởi

Fatz Admin

Bình luận đã bị đóng.