(KTSG) – Với rủi ro điều chỉnh vẫn có thể xảy ra trong thời gian tới, dòng tiền càng trở nên thận trọng hơn. Tuy nhiên, đó lại là cơ hội để các nhà đầu tư tái cơ cấu lại danh mục, tìm kiếm những nhóm ngành, doanh nghiệp có…
(KTSG) – Với rủi ro điều chỉnh vẫn có thể xảy ra trong thời gian tới, dòng tiền càng trở nên thận trọng hơn. Tuy nhiên, đó lại là cơ hội để các nhà đầu tư tái cơ cấu lại danh mục, tìm kiếm những nhóm ngành, doanh nghiệp có kết quả kinh doanh nửa đầu năm vượt trội và vẫn có thể tiếp tục duy trì phong độ này trong nửa cuối năm, nhưng chưa tăng giá mạnh trong giai đoạn vừa qua.
Áp lực cuối tháng 6
Giảm mạnh trong phiên giao dịch đầu tuần này (24-6-2024), chỉ số VN-Index dường như đang cho thấy khả năng tiếp tục điều chỉnh, vốn đã được kích hoạt từ các phiên giữa tháng 6. Với khối lượng giao dịch đạt gần 1,1 tỉ cổ phiếu tính riêng trên sàn HOSE, gấp gần 1,6 lần so với phiên trước đó, nhà đầu tư lại chứng kiến một phiên phân phối mạnh kể từ phiên ngày 14-6.
Trước khi có phiên giảm điểm trên, thị trường gần như đi ngang trong tháng 6, với diễn biến lình xình và dao động trong biên độ hẹp, trong bối cảnh không có nhiều thông tin hỗ trợ. Những tín hiệu trái chiều từ các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới, tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng và thị trường vàng hạ nhiệt và ổn định hơn nhưng lãi suất vẫn không ngừng đi lên… – các diễn biến này khiến không ít nhà đầu tư dường như mất phương hướng.
Đáng chú ý, trong khi khối ngoại bán ròng 907 tỉ đồng trong phiên 24-6 này, nhóm tự doanh bất ngờ mua ròng trở lại gần 278 tỉ đồng. Chỉ tính từ đầu năm 2024 tới nay, giá trị bán ròng của khối ngoại trên sàn HOSE đã vượt mức 48.000 tỉ đồng. Con số bán ròng khả năng cao sẽ tiếp tục gia tăng khi áp lực bán chưa có dấu hiệu dừng lại, theo đó mức kỷ lục bán ròng hơn 58.000 tỉ đồng trong năm 2021 có lẽ sắp bị phá vỡ. Dòng vốn ngoại đảo chiều một phần đến từ việc các quỹ ETF bị rút vốn mạnh thời gian qua, đặc biệt là Fubon ETF đã bị rút vốn hai tháng liên tiếp. Tính từ đầu tháng 5 đến nay, quỹ này đã bị rút ròng xấp xỉ 1.900 tỉ đồng, nâng lũy kế rút ròng từ đầu năm đến nay lên 2.600 tỉ đồng.
Về hiệu suất quá khứ, mức tăng trưởng bình quân của tháng 7 giai đoạn 2000-2023 là -1,3%. Dù vậy, vẫn có những thời điểm khác biệt, như tháng 7 năm ngoái VN-Index đã tăng mạnh đến 9,2%.
Thông tin SK Group đang có kế hoạch thoái vốn tại các tập đoàn lớn của Việt Nam cũng ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư. Truyền thông quốc tế đưa tin, SK Group đang trong quá trình tái cơ cấu hoạt động kinh doanh nên sẽ đánh giá lại các khoản đầu tư để đảm bảo dòng tiền, do đó có thể sẽ thực hiện quyền chọn bán để bán 9% cổ phần của mình tại Tập đoàn Masan. Theo đó, hiện SK Group đang tìm đối tác để thực hiện việc mua bán. Số tiền đầu tư vào năm 2018 là khoảng 450 triệu đô la Mỹ. Ngoài Masan, SK Group cũng đã mua lại 6,1% vốn của Vingroup với giá 1 tỉ đô la Mỹ tại thời điểm 2019.
Theo phân tích kỹ thuật, hiện hỗ trợ gần nhất của VN-Index đặt quanh 1.240 điểm, tương ứng với Fibo 50 kéo từ mức đáy vào giữa tháng 4 năm nay lên đỉnh cao 1.300 điểm đạt được vào giữa tháng 6. Điểm hỗ trợ kế tiếp nằm quanh ngưỡng tâm lý 1.200 điểm và vùng hỗ trợ mạnh hơn quanh 1.160 điểm, cũng là vùng đáy gần nhất của thị trường vào tháng 4 năm nay.
Mùa báo cáo tài chính bán niên sắp diễn ra, trong đó kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp được dự báo tiếp tục phục hồi khả quan so với cùng kỳ, nhưng có lẽ thị trường chung khả năng sẽ khó có nhiều đột phá, do ảnh hưởng bởi yếu tố mùa vụ khi thanh khoản thị trường trong giai đoạn mùa hè thường không mấy tích cực.
Cơ hội tái cơ cấu danh mục
Với rủi ro điều chỉnh vẫn có thể xảy ra trong thời gian tới, dòng tiền càng trở nên thận trọng hơn. Tuy nhiên, đó lại là cơ hội để các nhà đầu tư tái cơ cấu lại danh mục, tìm kiếm những nhóm ngành, doanh nghiệp có kết quả kinh doanh nửa đầu năm vượt trội và vẫn có thể tiếp tục duy trì phong độ này trong nửa cuối năm, nhưng chưa tăng giá mạnh trong giai đoạn vừa qua.
Các nhóm ngành nổi bật có thể kể đến là tài nguyên cơ bản, vật liệu xây dựng, du lịch và giải trí, bán lẻ, viễn thông, thực phẩm đồ uống…, vì số liệu cho thấy đà phục hồi kinh tế vẫn tiếp tục diễn ra tích cực. Ngoài ra, nhóm cổ phiếu điện cũng có thể hưởng lợi khi hiện tượng La Nina trở lại từ tháng 7. Trong khi đó, các doanh nghiệp bất động sản hay ngân hàng sẽ còn nhiều khó khăn khi tình hình thị trường bất động sản vẫn còn khá ảm đạm và phải chờ những “cú hích” từ các chính sách mới.
Dù vậy, nếu xét theo tín hiệu dòng tiền, các nhóm ngành như bất động sản, xây dựng, vận tải kho bãi và bán lẻ thực phẩm đang có tín hiệu tạo đáy và có khả năng thiết lập xu hướng tăng trở lại trong giai đoạn tới. Thực tế gần đây cũng cho thấy các giao dịch bất động sản đang có dấu hiệu ấm trở lại, trong bối cảnh lãi suất cho vay thấp kích thích các hoạt động mua bán, đầu tư. Với việc ba luật quan trọng liên quan tới bất động sản gồm Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 và Luật Đất đai 2024 sắp có hiệu lực, theo các chuyên gia, sẽ giúp tạo ra chu kỳ tăng trưởng mới cho thị trường này.
Về xu thế thị trường chung, nhiều năm qua cho thấy thị trường tháng 7 vốn có diễn biến ảm đạm, nhưng cũng thường là giai đoạn các nhà đầu tư tận dụng cơ hội tích lũy cổ phiếu. Về hiệu suất quá khứ, mức tăng trưởng bình quân của tháng 7 giai đoạn 2000-2023 là -1,3%. Dù vậy, vẫn có những thời điểm khác biệt, như tháng 7 năm ngoái VN-Index đã tăng mạnh đến 9,2%.
Những dữ liệu vĩ mô quan trọng được công bố vào cuối tháng 6 cũng là cơ sở ảnh hưởng đến chiến lược giao dịch của nhà đầu tư trong tháng tới. Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered dự báo tăng trưởng GDP quí 2-2024 chậm lại khi chỉ đạt 5,3% so với cùng kỳ, trong khi lạm phát có thể tăng lên mức 4,5% so với cùng kỳ trong tháng 6 (từ mức 4,4% trong tháng 5), đánh dấu tháng thứ ba liên tiếp lạm phát trên mức 4%. Chuyên gia của tổ chức này cho rằng nền kinh tế có thể vẫn còn phải đối mặt với những thách thức trong quí 3, trong bối cảnh áp lực của giá cả, tỷ giá và nhu cầu suy giảm trên toàn cầu.