Chứng khoán tháng 2 – chờ một nhịp chỉnh?

A.I (KTSG) – Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục đi lên mạnh mẽ trong tháng 1-2024, với điểm sáng dẫn dắt ở nhóm cổ phiếu ngân hàng. Nhà đầu tư có thể kỳ vọng gì ở diễn biến trong tháng 2, khi áp lực điều chỉnh đang tăng…

Fatz Admin lúc 2024-02-02
A.I

(KTSG) – Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục đi lên mạnh mẽ trong tháng 1-2024, với điểm sáng dẫn dắt ở nhóm cổ phiếu ngân hàng. Nhà đầu tư có thể kỳ vọng gì ở diễn biến trong tháng 2, khi áp lực điều chỉnh đang tăng dần?

Sức bật đầu năm nhưng phân hóa lớn

QUẢNG CÁO

Thị trường chứng khoán Việt Nam có màn trình diễn nổi bật ngay trong tháng 1-2024, với chỉ số VN-Index ghi nhận mức tăng xấp xỉ 4,2% tính đến phiên giao dịch đầu tuần này (29-1-2024), đánh dấu tháng thứ 3 đi lên liên tiếp, sau mức tăng 6,4% và 3,3% của hai tháng cuối năm 2023. Khối lượng giao dịch trong tháng 1-2024 có tăng so với tháng trước, nhưng vẫn chỉ ở mức trung bình, cho thấy thị trường vẫn ở thế đi lên trong nghi ngờ.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng là đầu tàu dẫn dắt chính đà đi lên của thị trường chung, trong bối cảnh kết quả kinh doanh nhóm ngân hàng năm 2023 vẫn tích cực, cộng thêm việc đón nhận hàng loạt thông tin tốt về mặt chính sách hỗ trợ ngành ngay từ đầu năm (xem thêm bài Cổ phiếu ngân hàng nổi sóng ngay đầu năm nhờ đâu?(*)). Với vốn hóa chiếm tỷ trọng vượt trội trong tổng vốn hóa toàn thị trường, sự biến động của nhóm cổ phiếu vua luôn đủ sức xoay chuyển cục diện chung của thị trường.

Điều này đồng nghĩa với việc dù thị trường chung diễn biến tích cực về mặt điểm số, nhưng danh mục của nhiều nhà đầu tư không có sự khởi sắc đáng kể nếu như không có cổ phiếu ngân hàng. Thực tế nhiều nhóm ngành khác chỉ đi ngang từ đầu năm đến nay bất chấp chỉ số chung đi lên mạnh mẽ, thậm chí có ngành còn ngược chiều khi vẫn trong hướng đi xuống, như nhóm năng lượng, khai khoáng, bất động sản.

Đây cũng là hệ quả tất yếu khi ngoài ngành ngân hàng đón nhận các thông tin tốt, các ngành khác không có nhiều yếu tố hỗ trợ. Với tăng trưởng kinh tế năm 2023 không đạt mục tiêu, bối cảnh kinh tế năm 2024 dự báo vẫn khó khăn và thách thức, hoạt động thương mại suy giảm, rủi ro địa chính trị gia tăng có thể tiếp tục gây đứt gãy chuỗi cung ứng, cầu tiêu dùng yếu, nhiều doanh nghiệp vẫn đang chật vật để phục hồi.

Điểm tích cực lớn nhất tác động đến các doanh nghiệp là xu hướng lãi suất không ngừng đi xuống, giúp chi phí vay vốn phần nào dễ chịu hơn. Tuy nhiên, khả năng tiếp cận được các khoản tín dụng mới không phải dễ dàng như những năm trước, vì rủi ro nợ xấu tăng nhanh trong năm vừa qua khiến các ngân hàng thận trọng trong cho vay hơn, cộng thêm những bất ổn tiềm tàng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản. Tăng trưởng tín dụng năm 2023 của toàn ngành dù lên đến 13,7% nhưng tập trung vào những ngày cuối năm, cho thấy bức tranh tín dụng thật sự vẫn còn nhiều vấn đề.

Đáng lưu ý, sau khi chạm điểm cao nhất ở 1.187 hôm 22-1-2024, chỉ số VN-Index dường như “kiệt sức” sau chuỗi tăng ấn tượng trước đó. Trong những phiên vừa qua, thị trường có dấu hiệu suy yếu dần với thanh khoản cũng sụt giảm. Đây có lẽ cũng là hệ quả từ việc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày đang đến gần, dòng tiền thường có khuynh hướng tạm rút ra nghỉ ngơi để hạn chế rủi ro trước những bất ổn có thể đột ngột xảy ra trong những ngày thị trường nghỉ Tết kéo dài.

Chờ nhịp chỉnh củng cố và dòng tiền lan tỏa rộng hơn

Trước tình hình này, không ít nhà đầu tư đang trông chờ một nhịp điều chỉnh đáng kể có thể xảy ra trong tháng 2-2024, kéo thị trường về lại điểm đủ hấp dẫn để thu hút dòng tiền tham gia trở lại, cũng như có thêm giai đoạn củng cố và xây nền vững chắc hơn, chuẩn bị cho một xu hướng đi lên mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Dù đối mặt với rủi ro điều chỉnh ngắn hạn, thị trường vẫn đang trong một kênh xu hướng tăng giá dài hạn khá đẹp được thiết lập từ tháng 11 năm ngoái đến nay. Trong khi kháng cự gần nhất đặt quanh vùng 1.200 điểm, vùng hỗ trợ mạnh của VN-Index sẽ nằm quanh 1.140 điểm. Do đó, nếu VN-Index rớt về lại vùng này, dòng tiền có thể sẽ tăng cường giải ngân mạnh mẽ trở lại.

Về góc độ kỹ thuật, trong những phiên gần đây cũng đã xuất hiện một số tín hiệu cho thấy chỉ số VN-Index đi vào vùng quá mua và có thể bước vào nhịp điều chỉnh ngắn hạn. Diễn biến này cũng khá tương đồng với xu hướng của nhóm cổ phiếu ngân hàng, khi cũng đang đứng trước áp lực bị chốt lời và điều chỉnh giảm trở lại, sau chuỗi tăng mạnh liên tục khởi đầu từ những ngày cuối tháng 12-2023.

Về yếu tố cơ bản, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1-2023 tăng 0,31% so với tháng trước, do EVN điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và giá gạo trong nước tiếp tục tăng theo giá gạo xuất khẩu. So với cùng kỳ năm 2023, CPI tháng 1 tăng 3,37%; lạm phát cơ bản tháng 1-2024 tăng 2,72%. Nỗi lo lạm phát vẫn thường trực trước tình trạng giá cước vận tải đường biển tăng vọt gần đây khi các tàu hàng phải thay đổi lộ trình để tránh bị tấn công khi qua kênh đào Suez.

Trong khi đó, tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng cũng có những bước biến động đáng chú ý trong tháng đầu năm 2024. Giá đô la Mỹ trên thị trường tự do cuối tuần qua lại một lần nữa vượt mốc 25.000 đồng, trong bối cảnh chỉ số USD Index tăng trở lại trên thị trường quốc tế. Nguyên nhân đến từ lo ngại rủi ro địa chính trị và khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất ngay trong tháng 3 tới vẫn chưa có gì chắc chắn, khi nguy cơ chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy có thể gây áp lực tăng lạm phát trở lại.

Dù đối mặt với rủi ro điều chỉnh ngắn hạn, thị trường vẫn đang trong một kênh xu hướng tăng giá dài hạn khá đẹp, được thiết lập từ tháng 11 năm ngoái đến nay. Trong khi kháng cự gần nhất đặt quanh vùng 1.200 điểm, vùng hỗ trợ mạnh của VN-Index sẽ nằm quanh 1.140 điểm. Do đó, nếu VN-Index rớt về lại vùng này, dòng tiền có thể sẽ tăng cường giải ngân mạnh mẽ trở lại.

Xét theo quá khứ, mức tăng trưởng bình quân của tháng 2 trong giai đoạn 2001-2023 là 2%, xếp thứ 5 trong 12 tháng, sau các tháng 1, tháng 4, tháng 8 và tháng 11. Thanh khoản của thị trường trong tháng 2 cũng thường ở mức thấp nhất so với các tháng khác do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán thường rơi vào tháng này, dòng tiền luôn ở thế thận trọng và nhiều nhà đầu tư xác định nghỉ Tết sớm.

Một điểm đáng lưu ý khác là trong trường hợp VN- Index điều chỉnh do ảnh hưởng bởi nhóm cổ phiếu ngân hàng, dòng tiền vẫn có thể luân chuyển linh hoạt hơn sang các nhóm ngành khác. Khi đó, một kịch bản ngược lại với tháng 1 năm nay là chỉ số chung suy giảm, nhưng một số nhóm ngành vẫn thu hút được dòng tiền. Với kế hoạch kinh doanh năm 2024 đang dần được hé lộ, kịch bản này càng có khả năng xảy ra, khi nhà đầu tư sẽ tìm kiếm những nhóm ngành, doanh nghiệp đặt kế hoạch tăng trưởng mạnh mẽ.

Đơn cử như trong những phiên gần đây, dòng tiền đang có dấu hiệu dịch chuyển sang nhóm hóa chất – phân bón, vận tải kho bãi hay xây dựng và vật liệu xây dựng, đẩy giá cổ phiếu các nhóm này bật tăng khá mạnh. Trong khi nhóm hóa chất – phân bón báo lãi quí 4-2023 tăng vọt, nhóm vận tải hưởng lợi theo giá cước vận tải đang tăng mạnh, thì nhóm xây dựng và vật liệu xây dựng kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh mẽ theo làn sóng tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm nay.

(*) https://thesaigontimes.vn/co-phieu-ngan-hang-noi-song-ngay-dau-nam-nho-dau/

Triêu Dương

Kinh tế Sài Gòn Online

Share
Bài viết bởi

Fatz Admin

Bình luận đã bị đóng.