Chứng khoán tháng 12 – chờ dòng tiền lớn tham gia

(KTSG) – Đà phục hồi lần này có thể vẫn cần phải quan sát thêm, khi biểu đồ tuần cho thấy VN-Index vẫn đang trong pha điều chỉnh. Ngoài ra, đợt phục hồi lần này vẫn chưa cho thấy sự đồng thuận, khi lực mua chủ yếu đến từ các…

Fatz Admin lúc 2024-11-28

(KTSG) – Đà phục hồi lần này có thể vẫn cần phải quan sát thêm, khi biểu đồ tuần cho thấy VN-Index vẫn đang trong pha điều chỉnh. Ngoài ra, đợt phục hồi lần này vẫn chưa cho thấy sự đồng thuận, khi lực mua chủ yếu đến từ các nhà đầu tư cá nhân, còn khối ngoại và tự doanh đang bán ròng khá lớn.

Phục hồi nhờ đâu?

Chạm mức thấp nhất ở 1.198 điểm vào ngày 20-11-2024, chỉ số VN-Index đã nhanh chóng bật lại và phục hồi tích cực kể từ đó đến nay. Với mức đóng cửa gần 1.235 điểm vào phiên giao dịch đầu tuần này (25-11), VN-Index đã tăng 37 điểm qua bốn phiên, tương đương tăng hơn 3%. Như vậy, sau khi liên tục điều chỉnh giảm từ đỉnh cao gần 1.300 điểm đạt được vào giữa tháng 10, thị trường chứng khoán (TTCK) đang cho tín hiệu đi lên trở lại.

QUẢNG CÁO

Nhóm cổ phiếu ngân hàng là động lực chính dẫn dắt đợt phục hồi lần này. Trong tốp 10 cổ phiếu đóng góp lớn nhất (gần 15 điểm) vào mức tăng 37 điểm của VN-Index trong bốn phiên trên, có sáu ngân hàng với tổng mức tăng 9,3 điểm, gồm cổ phiếu CTG của VietinBank (+2,3 điểm), TCB của Techcombank (+1,9 điểm), VCB của Vietcombank (1,7 điểm), BID của BIDV (+1,3 điểm), VPB của VPBank (+1,1 điểm) và MBB của MBBank (+1 điểm).

Thực tế nhóm cổ phiếu ngân hàng sau chuỗi giảm kéo dài từ giữa tháng 10 đến nay, hiện cũng cho thấy dấu hiệu phục hồi trong ngắn hạn. Với hoạt động tín dụng đang bước vào giai đoạn tăng tốc cuối năm, trong khi nợ xấu có dấu hiệu đạt đỉnh và lợi nhuận năm nay vẫn có thể tăng trưởng tích cực, cổ phiếu ngân hàng đang được các công ty chứng khoán khuyến nghị đầu tư.

Còn theo nhận định mới đây của các chuyên gia từ Vina Capital, quy trình phê duyệt cho các dự án bất động sản mới đang được rút ngắn và có thể hỗ trợ gia tăng lợi nhuận của các ngân hàng vào năm 2025. Sự phục hồi của ngành bất động sản được kỳ vọng sẽ là động lực chính cho nhu cầu vay và tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng, khi hai lĩnh vực này có mối liên hệ chặt chẽ với nhau vì phần lớn nguồn tín dụng mới được đổ vào phát triển bất động sản hoặc được thế chấp bằng bất động sản.

Thị trường cũng đón nhận một số thông tin vĩ mô tích cực, ảnh hưởng đến nền kinh tế nói chung và một số nhóm ngành nói riêng. Trong tuần trước, Bộ Tài chính đã đề xuất kéo dài thời gian giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) với một số mặt hàng, dịch vụ thêm sáu tháng, tức tới giữa năm 2025. Mục tiêu là nhằm kích cầu tiêu dùng, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước cũng như nền kinh tế.

Không ít nhà đầu tư đang kỳ vọng TTCK sẽ còn khởi sắc hơn trong tháng 12 tới và kích thích dòng tiền lớn sớm quay trở lại. Thống kê cho thấy tháng cuối năm cũng là giai đoạn VN-Index thường có màn trình diễn tích cực, với hiệu suất tăng trưởng bình quân 1,8% trong giai đoạn 2000-2023. Tháng 12 năm ngoái VN-Index đạt mức tăng 2,7%.

Mới đây nhất, Bộ Tài chính cũng đề nghị sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân, nâng cao mức giảm trừ gia cảnh. Theo Bộ Tài chính, mức giảm trừ gia cảnh hiện hành đã được áp dụng từ năm 2020 đến nay, cần phải rà soát, đánh giá lại để đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung phù hợp với sự biến động của giá cả, sự gia tăng mức sống dân cư trong giai đoạn vừa qua cũng như dự báo cho thời gian tới. Ngoài ra, nhằm góp phần giảm bớt gánh nặng thuế cho người nộp thuế, cơ quan này cũng đề xuất bổ sung các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo vào diện được giảm trừ.

Trong khi đó, hôm 20-11, các phương tiện truyền thông đưa tin Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương thành lập Trung tâm tài chính quốc tế toàn diện tại TPHCM và Trung tâm tài chính khu vực tại Đà Nẵng, nhằm hình thành thị trường tài chính, phát triển các dịch vụ tài chính hiện đại và các dịch vụ đi theo để huy động nguồn lực tài chính phát triển quốc gia. Thông tin này khiến không ít nhà đầu tư hứng khởi, nhất là khi TTCK đang đứng trước kỳ vọng lớn sẽ được nâng hạng trong năm sau.

Chờ dòng tiền lớn tham gia

Bên cạnh đó, đề xuất thay đổi quy định thuế VAT (từ không chịu thuế sang chịu 5% thuế VAT) đối với các doanh nghiệp phân bón, nhằm bảo vệ thị trường phân bón trong nước, duy trì an ninh lương thực và giảm phụ thuộc vào phân bón nhập khẩu, đã được ủng hộ trong cuộc họp Quốc hội tháng 11 đang diễn ra. Điều này có thể giúp các doanh nghiệp phân bón nội địa hưởng lợi trong năm sau.

Trong khi đó, các doanh nghiệp thuộc ngành điện cũng đang mong chờ Luật Điện lực sửa đổi, dự kiến sẽ được thông qua tại Quốc hội trong tuần này, với định hướng tư nhân hóa ngành điện từ năm 2025. Theo đó, ngoài việc thông qua cơ chế giá điện hai thành phần, tăng giá bán lẻ cho EVN, các dự án năng lượng tái tạo vận hành theo mô hình mua bán điện trực tiếp giữa doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp phát điện được khuyến khích. Luật mới cũng khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân đầu tư các đường dây truyền tải từ 220kV trở xuống.

Thực tế các cổ phiếu ngành điện cũng đã phản ứng tích cực ngay trong phiên giao dịch đầu tuần này. Cổ phiếu POW của Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam, KHP của Công ty cổ phần (CTCP) Điện lực Khánh Hòa và cổ phiếu TV2 của CTCP Tư vấn Xây dựng Điện 2 đều tăng trần trong ngày 25-11. Ngoài ra, một loạt cổ phiếu điện khác như TTE của CTCP Đầu tư Năng lượng Trường Thịnh, TTA của CTCP Đầu tư Xây dựng và Phát triển Trường Thành, REE của CTCP Cơ điện lạnh, BHA của CTCP Thủy điện Bắc Hà, VCP của CTCP Xây dựng và Năng lượng VCP… cũng đi lên mạnh mẽ.

Với những thông tin tích cực kể trên, không ít nhà đầu tư đang kỳ vọng TTCK sẽ còn khởi sắc hơn trong tháng 12 tới và kích thích dòng tiền lớn sớm quay trở lại. Thống kê cho thấy tháng cuối năm là giai đoạn VN-Index thường có màn trình diễn tích cực, với hiệu suất tăng trưởng bình quân 1,8% trong giai đoạn 2000-2023. Tháng 12 năm ngoái VN-Index đạt mức tăng 2,7%.

Dù vậy, đà phục hồi lần này có thể phải cần quan sát thêm, khi biểu đồ tuần vẫn cho thấy VN-Index vẫn đang trong pha điều chỉnh. Ngoài ra, đợt phục hồi này chưa cho thấy sự đồng thuận, khi lực mua chủ yếu đến từ các nhà đầu tư cá nhân, còn khối ngoại và tự doanh vẫn đang bán ròng khá lớn. Trong ba phiên cuối tuần trước, nhóm tự doanh của các công ty chứng khoán bán ròng 973 tỉ đồng trên cả ba sàn, còn khối ngoại bán ròng hơn 2.150 tỉ đồng, do đó đà phục hồi chưa thật sự bền vững.

Những áp lực về tỷ giá và lãi suất cuối năm là yếu tố gây lo ngại. Việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ có cuộc họp chính sách cuối cùng trong năm nay vào ngày 19-12 tới, với khả năng có thể tạm ngừng giảm lãi suất trước những lo ngại về tác động chính sách của Tổng thống đắc cử Donald Trump từ năm sau, cũng có thể tác động tiêu cực lên thị trường trong nửa đầu tháng 12.

Vì vậy, dễ hiểu khi một số dự báo cho rằng VN-Index có khả năng thử thách vùng hỗ trợ 1.200 điểm một lần nữa, trước khi xác định xu hướng kế tiếp. Dù vậy, các đợt giảm nếu lại diễn ra có thể là cơ hội cho các nhà đầu tư tích lũy thêm cổ phiếu để đón chờ sóng tăng tiếp theo. Thực tế trong tuần trước, khi chỉ số VN-Index bật lại từ vùng hỗ trợ 1.200 điểm, khối lượng giao dịch cũng tăng 27% so với tuần trước đó, cho thấy dòng tiền bắt đáy vẫn đang chực chờ giải ngân tại các vùng hỗ trợ quan trọng.

Triêu Dương

Share
Bài viết bởi

Fatz Admin

Bình luận đã bị đóng.