Chứng khoán đang ở chân sóng?

Các chuyên gia đồng thuận đánh giá thị trường đang đứng trước cơ hội xác lập một con sóng, trong đó có nhận định VN-Index đã tạo chân sóng ở vùng 1.04x điểm. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 16/1, chỉ số VN-Index tăng 9 điểm, tương đương tỷ lệ…

Fatz Admin lúc 2024-01-17
Chứng khoán đang ở chân sóng?

Các chuyên gia đồng thuận đánh giá thị trường đang đứng trước cơ hội xác lập một con sóng, trong đó có nhận định VN-Index đã tạo chân sóng ở vùng 1.04x điểm.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 16/1, chỉ số VN-Index tăng 9 điểm, tương đương tỷ lệ 0,78%, với thanh khoản tăng nhẹ so với phiên hôm qua, đạt hơn 13.000 tỷ đồng.

Trong vòng 20 phiên gần đây, VN-Index chỉ giảm 4 phiên, tăng 16 phiên. Xu hướng tăng chủ đạo đã giúp chỉ số chứng khoán leo lên vùng cao nhất trong vòng gần 4 tháng qua, kể từ phiên ngày 22/9/2023.

Câu hỏi được nhiều nhà đầu tư quan tâm lúc này là liệu chứng khoán đã thoát khỏi xu hướng giảm, dần tích lũy cho chu kỳ tăng, chứng khoán đang ở chân sóng hay chưa.

QUẢNG CÁO

Ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Phân tích Maybank Investment Bank (MSVN) cho biết, thanh khoản thị trường nếu không được nâng hạng thì chủ yếu tiền từ trong nước, đạt quanh mức 800 triệu USD/phiên tới 1 tỷ USD/phiên. VN-Index theo đó được dự đoán ghi nhận tăng 12-13%, mục tiêu 1.250 – 1.280 điểm cho năm 2024.

Nếu có câu chuyện nâng hạng thị trường, thanh khoản sẽ có sự thay đổi, có thể đạt mốc 1 tỷ đến 1,5 tỷ USD/phiên, quay lại mức giai đoạn 2021. VN-Index theo đó kỳ vọng lên vùng 1.420 điểm, tương ứng tăng gần 30%.

Vị này nhìn nhận, trong 10 năm qua, VN-Index đã tăng hơn 143% và chứng kiến 2 đợt sóng lớn.

Đợt 1 vào giai đoạn 2017-2018, VN-Index tăng mạnh, động lực từ dòng tiền của nhà đầu tư Hàn Quốc làm cho thanh khoản thị trường thay đổi, định giá thay đổi. Đợt 2 là giai đoạn 2020-2021 động lực từ dòng tiền cá nhân trong nước làm cho thanh khoản thay đổi, giao dịch từ 200 triệu USD/phiên lên 800 triệu USD/phiên, thậm chí chứng kiến phiên đỉnh cao đạt 1,7 tỷ USD/phiên.

“Đợt này, nếu nhìn 9-12 tháng rủi ro xảy ra là có. Nhưng nếu dài hạn 3-5 năm, việc nâng hạng thị trường lên mới nổi chắc chắn diễn ra. Việc nâng hạng sẽ cho thấy làn sóng thanh khoản từ tiền nhà đầu tư nước ngoài “nhảy vào”, theo đó tái định giá thị trường như giai đoạn 2017-2018. Tôi cho rằng đợt sóng thứ 3 sẽ xảy ra trong 2 năm tới”, chuyên gia MSVN nêu quan điểm.

Với dự báo cơ hội đầu tư trước con sóng của thị trường, ông Quản Trọng Thành cho rằng, nhà đầu tư nên nhìn lại hoạt động đầu tư của mình, có xu hướng đầu tư nhiều hơn, mang tính tích sản. Theo quan sát thị trường giai đoạn vừa rồi, phần đầu tư lướt sóng có khi không mang lại hiệu quả nhiều bằng việc đầu tư nắm giữ.

“Lập một doanh nghiệp khó như thế nào, thay vì bỏ sức lập doanh nghiệp thì nhà đầu tư hãy bỏ tiền mua cổ phiếu doanh nghiệp đã niêm yết. Nếu tìm đúng cơ hội đầu tư, với khả năng con sóng xảy ra, chuyện tài sản tăng gấp đôi là có. Nhà đầu tư có thể tận dụng sóng ngắn hạn nhưng nên cân nhắc tỷ trọng danh mục hợp lý”, ông Thành chia sẻ.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam cho rằng, VN-Index hiện ở dưới mức trung bình từ 2016 đến nay. Và dù không còn quá rẻ nhưng với mức trung bình như hiện nay, định giá VN-Index vẫn hấp dẫn so với các thị trường khu vực.

“Năm 2024 có hai câu chuyện là động lực lớn giúp cho VN-Index quay lại đỉnh cũ 1.500 điểm. Một là vận hành hệ thống KRX và khả năng sớm đưa vào thị trường mới nổi vào giai đoạn tháng 9 từ tổ chức FTSE. Ở kịch bản tích cực, nếu có đánh giá tích cực từ FTSE thì khả năng chỉ số chứng khoán trở lại đỉnh cũ là rất cao”, ông Minh nói.

Với quan điểm thị trường đang ở chân sóng, chuyên gia Yuanta cho rằng điều này là hợp lý. Hiện tại bức tranh 2024 đã khác năm 2023. Nếu như năm 2023, chỉ số tăng mạnh hồi đầu năm, nửa cuối năm theo chiều hướng thu hẹp lại đà tăng.

“Năm 2024 đà tăng sẽ bền, không có những đợt sụt giảm mạnh, gây áp lực mạnh cho thị trường. 6 tháng đầu năm sẽ phân hóa, chỉ một vài nhóm cổ phiếu tăng giảm đan xen, nửa cuối năm tính thanh khoản thị trường tốt hơn”, ông Minh chia sẻ.

Nhìn nhận cho năm 2024, ông Huỳnh Minh Tuấn, người sáng lập Công ty CP FIDT, đơn vị tư vấn đầu tư và quản lý tài sản tại Việt Nam cho rằng, năm nay vẫn có dư địa về chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế, là điều kiện thuận lợi cho thị trường chứng khoán thu hút dòng tiền.

Theo đó, chuyên gia FIDT đưa ra 3 kịch bản cho thị trường chứng khoán 2024. Ở kịch bản tích cực, VN-Index đạt 1.420 điểm (+/-30 Điểm), khi kinh tế Việt Nam hồi phục tốt và xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ, kinh tế Mỹ tăng trưởng gần mức tiềm năng dài hạn. Bên cạnh đó, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước xử lý vấn đề pháp lý trên thị trường bất động sản và chất lượng tài sản hệ thống ngân hàng tốt lên. Dòng vốn ngoại trở lại mạnh mẽ cho triển vọng nâng hạng.

Kịch bản cơ sở với VN-Index đạt 1.300 điểm (+/-20 điểm) và kịch bản tiêu cực là 1.150 điểm (+/- 20 điểm).

Chủ điểm đầu tư chính năm 2024 được vị này khuyến nghị gồm: (1) năng lượng và cơ sở hạ tầng, với các nhóm xây lắp dầu khí thượng nguồn, xây dựng hạ tầng và xây lắp điện; (2) xuất khẩu hồi phục mang lại cơ hội cho nhóm thuỷ sản, đặc biệt là cá tra; (3) đa dạng chuỗi cung ứng, Việt Nam vẫn sẽ thu hút FDI nhờ sở hữu nhiều lợi thế cạnh tranh rõ ràng với tâm điểm là bất động sản khu công nghiệp; (4) câu chuyện KRX cùng nâng hạng thị trường, với chủ điểm là cổ phiếu chứng khoán.

Về đánh giá “chân sóng” của thị trường, ông Tuấn cho rằng đã ở đợt điều chỉnh tại vùng 1.04x điểm vừa qua của VN-Index và sẽ tạo nền tảng cho thị trường đi lên trong những năm tiếp theo.

Theo Huyền Châm

Thị trường Tài chính Tiền tệ

Share
Bài viết bởi

Fatz Admin

Bình luận đã bị đóng.