Sau khi liên tục bị các công ty chứng khoán bán giải chấp, ông Tuấn cũng đã chủ động đăng ký bán bớt cổ phần tại doanh nghiệp. VNE: Trong thông báo mới nhất, ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Xây dựng…
Trong thông báo mới nhất, ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Xây dựng Điện Việt Nam (mã VNE) đã báo cáo về việc bị các công ty chứng khoán bán giải chấp cổ phiếu trong vài phiên trở lại đây.
Cụ thể, trong phiên 24/10, ông Tuấn bị công ty chứng khoán bán giải chấp 33.000 cổ phiếu; tiếp tục đến phiên 25/10, lãnh đạo này bị bán giải chấp thêm 1,4 triệu cổ phiếu VNE. Sau hai giao dịch, hiện ông Tuấn còn nắm hơn 2,4 triệu cổ phiếu VNE tương ứng 2,94% vốn.
Tạm tính theo thị giá, lượng cổ phiếu bị bán giải chấp tương đương gần 2% vốn công ty, có giá trị khoảng 9 tỷ đồng.
Trước đó, ông Tuấn từng bị công ty chứng khoán bán giải chấp 391.500 cổ phiếu VNE trong phiên 17/10/2023.
Sau khi liên tục bị ép bán, ông Tuấn cũng đã chủ động đăng ký bán bớt hơn 409 nghìn cổ phiếu VNE, giảm sở hữu xuống còn 2 triệu đơn vị. Giao dịch dự kiến được thực hiện từ 30/10 đến 27/11/2023.
Cùng chiều giao dịch, ông Smit Cheancharadpong (quốc tịch Thái Lan) cũng báo cáo không còn là cổ đông tại VNE sau khi bán ra hơn 4,32 triệu cổ phiếu tương ứng 5,27% vốn. Giao dịch thực hiện trong phiên 23/10.
Cùng trong phiên này, bà La Mỹ Phượng, cổ đông lớn tại công ty báo cáo mua vào đúng lượng cổ phần Smit Cheancharadpong bán ra, nâng sở hữu lên hơn 9,5 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 11,63%). Khả năng cao đây là giao dịch sang tay giữa hai cổ đông.
Theo tìm hiểu, ông Smit Cheancharadpong là Chủ tịch HĐTV 4Oranges trong khi CEO 4Oranges là bà La Mỹ Phượng. 4Oranges là chủ sở hữu nhiều nhãn hiệu sơn nổi tiếng tại thị trường Việt Nam như Mykolor, Spec, Sonboss, Expo. Doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài, thuộc tập đoàn Asia Leader International Investment.
Cổ đông nội bộ ồ ạt thoái vốn khi giá cổ phiếu “rơi tự do”, bay 40% sau hơn một tuần
Ngoài ra, các cổ đông nội bộ tại VNE đã liên tục đăng ký thoái vốn. Ông Trần Văn Huy, Phó Tổng Giám đốc VNE đã bán bớt 100.000 cổ phiếu VNE trong khoảng thời gian từ 19/9 đến ngày 13/10 nhằm mục đích giải quyết nhu cầu tài chính cá nhân.
Cổ đông lớn là CTCP Malblue đã đăng ký bán 3,6 triệu cổ phiếu VNE trong thời gian từ 12/10 đến 9/11/2023.
Động thái giao dịch dồn dập của nội bộ VNE diễn ra trong quãng rơi tự do của cổ phiếu VNE. Thị giá giảm gần 7 phiên liên tiếp, mất 40% chỉ sau hơn một tuần và giảm 42% kể từ đầu tháng.
Văn bản giải trình về việc giá cổ phiếu giảm sâu của VNE cũng nêu lý do “quen thuộc” như xuất phát từ diễn biến tâm lý chung trên thị trường chứng khoán, việc giao dịch cổ phiếu là do các nhà đầu tư quyết định nằm ngoài sự kiểm soát của VNECO và VNECO không có sự tác động đến giá giao dịch trên thị trường.
Tình hình kinh doanh sa sút, lãi nửa đầu năm vỏn vẹn nửa tỷ đồng
Theo tìm hiểu, Tổng công ty Cổ phần Xây dựng điện Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực kỹ thuật, xây lắp, cung cấp thiết bị trọn gói, chuyển giao công nghệ và đầu tư các dự án về năng lượng tái tạo, truyền tải điện, trạm điện cho ngành điện, công nghiệp cũng như hạ tầng.
Về tình hình kinh doanh, nửa đầu năm 2023, doanh thu thuần đạt 475 tỷ đồng, giảm 65% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn chiếm tỷ trọng lớn do đó kết quả, công ty lãi sau thuế hơn 509 triệu đồng, chưa tới 1/10 số lãi gần 5,5 tỷ đồng của nửa đầu năm 2022.
Theo VNE, do một số công trình còn tiếp tục vướng các thủ tục đền bù giải phóng mặt bằng thi công, tiền thanh toán từ các chủ đầu tư về chậm ảnh hưởng đến việc chậm thanh toán vốn cho nhà thầu, nhà cung ứng vật tư, thiết bị. Từ đó, công ty không đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình để nghiệm vụ kịp thời dẫn tới doanh thu sụt giảm.
Nhịp Sống Thị Trường