Nếu dành 100 triệu mua vàng đầu năm 2024, hết quý I, nhà đầu tư có thể bỏ túi từ 115-122 triệu đồng bởi kim loại quý tăng 14,8-22,3%, vượt các kênh đầu tư khác như chứng khoán, trái phiếu, gửi tiết kiệm. Trong ngày giao dịch đầu năm 2024,…
Trong ngày giao dịch đầu năm 2024, giá vàng miếng bán ra ở mức 75 triệu đồng một lượng. Trong khi đó vàng nhẫn và nữ trang gần như đi ngang so với hồi cuối năm 2023. Tuy nhiên, ba tháng sau, giá của kim loại quý này nhanh chóng “nhảy múa”.
Tuần trước, giá vàng miếng phá kỷ lục tiến sát mức 85 triệu một lượng còn vàng nhẫn cũng lập đỉnh lên 77-78 triệu đồng. So với hồi đầu năm, mỗi lượng vàng miếng SJC đắt hơn 14,8% còn vàng nhẫn tăng tới 22,3%.
Tỷ suất sinh lời của kim loại quý cũng vượt mức tăng lần lượt 12,6% và 12,8% của VN-Index và VN30-Index trong ba tháng đầu năm. So với lãi suất gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng vốn ở mức thấp, dao động từ 1,15-1,3% trong cùng khoảng thời gian, thậm chí tỷ suất sinh lời của vàng tuỳ loại còn gấp 12-15 lần.
Lý do vàng tăng nóng
Lý dogiá kim loại quý biến động mạnh, trở thành kênh đầu tư sinh lời tốt nhất đến từ nhiều yếu tó như nhu cầu tăng trong bối cảnh lãi suất thấp, chứng khoán là kênh đầu tư “khó nhằn” với nhiều người không chuyên. Nguồn cung eo hẹp của thị trường trong nước cộng hưởng với đà tăng của vàng thế giới làm giá kim loại quý nhảy múa.
Không chỉ tại Việt Nam, giá vàng thế giới cũng biến động mạnh kể từ tháng Ba. “Giá vàng cao hơn do đây là kênh trú ẩn an toàn trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị cùng cuộc bầu cử tại Mỹ đang diễn ra”, bà Ewa Manthey, chiến lược gia hàng hóa tại ngân hàng ING nói với Kitco News.
Ngoài ra giá kim loại quý tăng cũng đến từ động thái mua ròng của các ngân hàng trung ương. Các ngân hàng trung ương đã tăng mua vàng từ năm 2022. Theo báo cáo Nhu cầu xu hướng vàng năm 2023, lượng vàng mua ròng từ các nhà băng vượt 1.000 tấn và đây là năm thứ hai liên tiếp nhóm này “gom” trên 1.000 tấn kim loại quý.
Trước đó, các chuyên gia phân tích tại Ngân hàng Citi cho rằng, vàng có thể lên 3.000 USD/ounce trong năm tới. Tuy nhiên, với các diễn biến gần đây, giới chuyên môn nhìn nhận kim loại quý có thể cán mốc này sớm hơn dự báo.
VN-Index duy trì vùng điểm 1.200 từ sau Tết Nguyên đán, và kết thúc ba tháng đầu năm với mức tăng 12,6% nhờ đà tăng của nhóm vốn hoá lớn – cổ phiếu ngân hàng. VN-Index ba tháng qua có lúc tiến sát mốc 1.300 điểm, song nhiều cổ phiếu chưa thể trở lại vùng giá hồi tháng 9/2023, đồng nghĩa nhà đầu tư có thể vẫn thua lỗ nếu chọn sau cổ phiếu.
Đặc biệt, sau phiên VN-Index “bay” gần 60 điểm, tương đương 4,7%, mức giảm cao nhất hai năm qua, chứng khoán dường như không phải là kênh dễ kiếm tiền. Áp lực từ tình hình thế giới như căng thẳng Iran – Isarel gia tăng, biến động tỷ giá cùng động thái bán ròng của khối ngoại như kích hoạt áp lực bán tháo chứng khoán trong phiên chiều 15/4.
Để tối ưu danh mục và gia tăng cơ hội sinh lời từ kênh đầu tư này, nhà đầu tư không nên hoảng loạn bán đuổi trong các phiên giảm điểm mạnh, giữ tâm lý ổn định, chờ những nhịp phục hồi để cơ cấu lại danh mục.
Theo số liệu thống kê của chúng tôi, lãi suất tiền gửi 12 tháng của ngân hàng ở mức 5% mỗi năm. Tại một số nhà băng quốc doanh, đà giảm lãi vẫn là xu thế chung. Vietcombank và VietinBank giảm 0,1%-0,2% ở mọi kỳ hạn. Nhóm ngân hàng tư nhân lãi suất có xu hướng phân hoá hơn khi ACB, TPBank, Techcombank, VIB, Sacombank, SeABank, ABBank, Oceanbank, CBBank giảm từ 0,1-0,5%, còn tại SHB, Eximbank, Kienlongbank, VPBank… lãi suất gửi tiết kiệm đang có dấu hiệu rục rịch tăng trở lại.
Tỷ suất sinh lời của kênh gửi tiết kiệm 1,15-1,3% trong quý I/2024, thấp hơn nhiều so với vàng trong cùng khoảng thời gian. Trừ một số giai đoạn tăng nóng như cuối năm 2022, thông thường, gửi tiết kiệm khó có cửa cạnh tranh về tỷ suất sinh lời so với các kênh đầu tư khác. Song, kênh này lại được lòng các nhà đầu tư có khẩu vị an toàn nhờ tính thanh khoản ổn định.
Do đó, ngoài diễn biến thị trường, nhà đầu tư cần cân nhắc dựa trên khẩu vị rủi ro cùng kiến thức, kinh nghiệm để tối ưu dòng tiền và khả năng sinh lời.
An Ninh Tiền Tệ